Bạn trẻ kêu gọi giảm ăn thịt để bảo vệ môi trường - THÚY HẰNG

Chiến dịch Cống phẩm dâng thịt, gửi thông điệp về tác động của thói quen ăn uống lên môi trường, làm sao để bữa ăn xanh hơn, nhiều rau hơn, ăn ít thịt hơn, giúp môi trường phát triển bền vững vừa ra mắt tại TP.HCM chiều nay 22.7. Chương trình có sự tham gia của MC nhà báo Trác Thúy Miêu, MC Dustin Phúc Nguyễn, huấn luyện viên dinh dưỡng và sức khỏe Nguyễn Vũ Nam Phương, anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng.

Từ bao giờ người ta cứ thích ‘siêu to khổng lồ’?

“Ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều từ 'ăn', còn bây giờ người ta cứ thích cái gì cũng phải tràn trề, món ăn thì phải siêu to khổng lồ”, MC, nhà báo Trác Thúy Miêu mở đầu câu chuyện. Theo chị, mỗi người đều có thể giảm đi một chút để tốt cho sức khỏe, tốt cho môi trường. “Tôi dùng khăn tay, về sẽ giặt sạch lại dùng cho lần sau. Những lần tham gia sự kiện, tôi đều mặc áo dài để tự nhắc mình ăn ít hơn một chút”, MC Trác Thúy Miêu nói.

Các khách mời tham gia chương trình - ẢNH THÚY HẰNG

Trong khi đó, huấn luyện viên dinh dưỡng và sức khỏe Nam Phương kể câu chuyện, rất nhiều người quan niệm phải ăn nhiều thịt mới tốt cho sức khỏe hay người giàu có thì ăn nhiều thịt, người nghèo mới ăn rau củ. “Tôi không bất ngờ khi nghe, đó là những quan niệm sai lầm”, chị Nam Phương nói. Cũng rất nhiều người hỏi huấn luyện viên các câu như “anh ăn chay anh có yếu không?”, “anh ăn chay có cơ bắp giảm đi không”, “con chị ăn chay thì sao lớn được?”.

“Nhiều người nghĩ đạm chỉ có trong thịt, nhưng thực ra đạm trong thực vật không hề bị thiếu. Tôi không dám nói mọi người hãy ăn chay đi, nhưng ăn giảm thịt đi, sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường. Để khuyến khích bản thân ăn nhiều rau củ hơn, mọi người có thể ăn theo chế độ cầu vồng, ăn các thực phẩm rau củ quả, trái cây đủ màu, trang trí đồ ăn cho đẹp, có thể khoe với các bạn trên mạng để ăn xong có cảm vui hơn”, huấn luyện viên chia sẻ.

“Tôi nghĩ rằng việc để mỗi người đưa ra quyết định nên ăn thịt nhiều hay không thì mọi người nên điều chỉnh tư duy: Có bắt buộc phải là bổ sung chất đạm vào cơ thể từ thịt không, hay có thể bổ sung đạm từ nguồn khác?”, chị Nam Phương nói.

Huấn luyện viên Nam Phương trả lời phỏng vấn báo chí - ẢNH THÚY HẰNG

“Bớt một lạng giữ vạn tài nguyên”

Đó là thông điệp của chiến dịch và vở kịch cùng tên Cống phẩm dâng thịt được các bạn sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thể hiện chiều nay gửi gắm tới người trẻ.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập và điều hành Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE), cho biết chiến dịch không kêu gọi bạn từ chối hoàn toàn thịt để chuyển sang ăn chay mà chỉ là giảm lượng thịt thôi, giảm được bao nhiêu cũng rất tốt.

MC Dustin Phúc Nguyễn trao đổi với phóng viên - ẢNH THÚY HẰNG

“Tôi từng thích ăn thịt. Nhưng bây giờ, là những người làm trong lĩnh vực môi trường, chúng tôi nhìn thấy những cái lớn hơn, đó là biến đổi khí hậu. Chúng ta không thể ngay một lúc ngăn cản mọi người dừng bay máy bay, dừng lái xe trên đường đi. Vậy thì có thể giảm cái gì mình có thể, đó là giảm lượng thịt mình ăn mỗi ngày. Khi hiểu rằng ăn thịt đang ảnh hưởng tới khí hậu, môi trường, chúng ta thấy miếng thịt bò 'đắng' hơn rất nhiều”, chị Hồng chia sẻ.

Chị Hồng cũng đưa ra những thông điệp cho người trẻ như Covid-19 đã cho ta thấy các hoạt động của con người gây tác động to lớn lên môi trường, chúng ta có thể cứu trái đất bằng cách thay đổi lối sống. Ăn nhiều rau hơn một bữa hay cả đời sẽ đều là cách bạn đang giúp trái đất…

"Ăn thịt như thế nào để không ảnh hưởng tới môi trường?"

Chiến dịch Cống phẩm dâng thịt do CHANGE và tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế WildAid tại Việt Nam thực hiện từ ngày 22.7 tới 21.8.2020.

Theo thông tin từ nhà tổ chức, để sản xuất một kg thịt bò mất hơn 15.000 lít nước sạch. Gần 80% nạn phá rừng trên toàn thế giới xuất phát từ nhu cầu sử dụng đất cho chăn nuôi. Hằng năm, ngành chăn nuôi thải ra 7,1 tỉ tấn CO2.

MC Dustin Phúc Nguyễn cho hay theo những thông tin anh được biết, con người đang ăn chất đạm từ thịt quá mức để sinh tồn. “Tại sao chúng ta phải ăn nhiều thịt cho đã cái miệng rồi không còn nước sạch để uống, khí sạch để thở. Tại sao chúng ta không suy nghĩ ăn thịt như thế nào để không ảnh hưởng tới môi trường?”, Dustin Phúc Nguyễn đặt câu hỏi.

Theo thanhnien