leftcenterrightdel
Ông Agustaviano Sofjan - tổng lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM - trao áo dài Batik cho bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG 

Chiếc áo dài Batik được tặng cho Bảo tàng Áo dài là chiếc áo dài đầu tiên được tạo nên từ nghệ thuật Batik của các nghệ nhân ở Indonesia. Trang phục được may theo kiểu dáng áo dài truyền thống cổ cao, tay dài.

Hai họa tiết chính được nghệ nhân vẽ là họa tiết Parang và Kawung. Theo người Indonesia, họa tiết Parang có nghĩa đại diện cho quyền lực và uy quyền. Còn họa tiết Kawung đại diện cho hy vọng rằng con người sẽ luôn nhớ về nguồn cội của chính mình.

Ông Agustaviano Sofjan - tổng lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM - cho biết: "Tôi rất vui, tự hào khi chiếc áo dài Batik được góp mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Áo dài. Mối quan hệ thân thiết giữa Việt Nam và Indonesia được thể hiện qua chiếc áo dài có sự kết hợp với hoa văn trên vải Batik.

Tôi tin rằng, thông qua sự kiện này sẽ giúp người dân hai nước hiểu sâu sắc hơn về văn hóa và phong tục của nhau thông qua vải Batik và áo dài. Từ đó, chúng ta có thể làm sâu sắc hơn mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước".

Bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài - vui mừng đón nhận chiếc áo dài Batik được thiết kế đặc biệt và đặt trưng bày ở một vị trí trang trọng trong bảo tàng. Bà Ngọc Vân ví chiếc áo dài Batik này như một sứ giả văn hóa, góp phần giúp cho người dân Việt Nam hiểu hơn văn hóa của Indonesia.

Ngoài việc tặng Bảo tàng Áo dài chiếc áo dài đặc biệt, Tổng lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM cho biết sẽ có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước trong thời gian tới nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa Indonesia và Việt Nam.

Trước đó, Bảo tàng Áo dài và Tổng lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM có phối hợp tổ chức trình diễn, giới thiệu về vải Batik và áo dài Việt Nam, được đón nhận nhiệt tình của công chúng.

Batik là một cách trang trí vải bằng cách phủ một lớp sáp, sau đó nhuộm vải. Theo đó, phần vải được bao phủ bởi lớp sáp sẽ không bị đổi màu khi nhuộm. Sau khi loại bỏ lớp sáp, tấm vải sẽ xuất hiện sự tương phản về màu sắc giữa phần được nhuộm và phần có lớp sáp bao phủ.

Ở Indonesia, Batik không chỉ là một loại vải phổ biến mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống mỗi con người. Năm 2009, Batik được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể. 

Theo tuoitre