Áo dài từ làng ra phố
Cập nhật lúc 14:30, Thứ hai, 24/02/2020 (GMT+7)
Các thành phố lớn vẫn đang tiếp tục có những nghệ nhân may áo dài, nhà thiết kế áo dài hoạt động liên tục để gìn giữ truyền thống.
Áo dài ở phủ Thành Chương - Ảnh: Bình Nguyễn
Những bức ảnh chụp áo dài nam được lan truyền rất nhanh trong nhóm Đình làng Việt. Trong đó có nhiều áo dài nam do nghệ nhân Đỗ Minh Tám (làng Trạch Xá, H.Ứng Hòa, Hà Nội) may. Ông Tám không mở cửa hiệu trên phố mà vẫn tiếp tục may ở làng. “Tôi chỉ nhận may tại nhà, không gia công cho ai. Mấy năm nay, tôi tập trung may áo dài nam. Trong làng cũng còn nhiều người nhận may áo dài như tôi”, ông Tám chia sẻ.
Bà Phạm Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT Hà Nội), cho biết Sở đã thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, các làng nghề đã được kiểm kê. “Làng Trạch Xá có nghề may áo dài. Người làng này cũng có rất nhiều cửa hàng trên phố Lương Văn Can”, bà Lan Anh nói. Nếu có thể may áo dài ở nhiều cửa hiệu Hà Nội thì ở Lương Văn Can may áo dài xưa - áo dài ngũ thân, như một “siêu phẩm” đặc thù.
Tại Thừa Thiên-Huế, tiềm năng áo dài cũng rất lớn. Theo nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng, một thành viên Ban tổ chức Lễ hội áo dài Huế, áo dài Huế không nằm ở làng mà đã lên phố, có nghĩa là những nghệ nhân áo dài gắn với các cửa tiệm. Điều đáng nói hơn là áo dài Huế được các nghệ nhân thêu hỗ trợ. Thợ thêu Huế có kỹ thuật tinh xảo, sáng tạo mẫu giỏi. Còn tại TP.HCM, ông Sĩ Hoàng cho biết: “Ở TP.HCM có phố tập trung áo dài là đường Pasteur - đoạn qua Võ Thị Sáu và Trần Quốc Toản. Thậm chí ở góc phố còn có cái biển nho nhỏ là Đường áo dài. Nhưng tiềm năng lớn nhất của áo dài của TP.HCM là các nhà thiết kế áo dài. Rất nhiều nhà thiết kế tập trung ở đây”.
Theo thanhnien