1. Nữ diễn viên đẹp nhất thế kỷ 20
Audrey Hepburn nhận được sự yêu mến vượt qua thời đại và biên giới. Bà xứng đáng là mỹ nhân tuyệt sắc nhất của thế kỷ 20, bên cạnh Elizabeth Taylor. Trang phục mà bà mặc, trang sức mà bà mang, lối trang điểm, kiểu tóc luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những người đi sau. "Phong cách Hepburn" chính là biểu tượng của nền văn hóa và luôn là xu hướng mà nhiều thời đại theo đuổi.
Vào thời điểm đó, ở Hollywood, các nữ diễn viên đẹp kiểu gợi cảm như Marilyn Monroe, Sophia Loren, Rita Hayward và Elizabeth Taylor đang giành được rất nhiều sự yêu thích của khán giả, thì bỗng dưng một Audrey Hepburn với thân hình mảnh khảnh, vẻ đẹp mong manh lại tạo nên một nét đặc biệt.
Năm 1954, khi nữ diễn viên quay bộ phim Sabrina, nhãn hàng cao cấp Givenchy đã tài trợ váy cho Hepburn, và đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu tài trợ trang phục cho một diễn viên. Sau đó, Givenchy không chỉ cùng bắt tay để quảng cáo mà còn duy trì một tình bạn đặc biệt với Audrey Hepburn.
Một trong những hình tượng huyền thoại của Audrey Hepburn là nhân vật Holly trong bộ phim Breakfast at Tiffany's năm 1961, bà đeo kính râm đen, mang bộ đầm sang chảnh, tay trái cầm ly cà phê, tay phải cầm chiếc bánh donut trước cửa hàng trưng bày đồ trang sức Tiffany vào một buổi sáng sớm.
Phong cách thời trang tinh tế và diện mạo vừa trong sáng vừa dễ thương của Hepburn đã trở thành thương hiệu của bà. Bộ váy "Black Mini Dress" của Givenchy mà bà đã mặc sau này được bán với giá một triệu USD trong cuộc đấu giá Christie New York và vẫn là một trong những bộ váy đắt nhất thế giới.
Cho đến bây giờ, sau một thế kỷ, bạn vẫn có thể thường xuyên nghe và biết đến các buổi triển lãm, các buổi trình diễn thời trang liên quan đến bà, có thể nói những gì bà để lại trong văn hóa thế giới là không hề nhỏ.
Điều ngạc nhiên là Hepburn từng rất tự ti về ngoại hình. Thỉnh thoảng với người quen, bà rất hay than phiền rằng "Da tôi không được đẹp lắm. Nếu không trang điểm thì tôi sẽ trông rất tiều tụy, mặt tôi góc cạnh và mũi tôi cũng không thẳng". Có lần bà đã thổ lộ rằng: "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành một diễn viên điện ảnh với khuôn mặt như thế này". Bà cho rằng mình quá gầy nên không giống với "mốt" đầy đặn quyến rũ của thời điểm đó, vì thế bà nghĩ rằng mình không nữ tính.
2. Nghệ sĩ Grand Slam
Audrey Hepburn là một trong số 15 người đã đạt được cái gọi là Grand Slam trong làng nghệ thuật, là người có trong tay tất cả giải thưởng Emmy, Grammy, Oscar và Tony.
Bà nổi tiếng nhất với vai trò diễn viên. Bà từng được Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (AFI) chọn ở vị trí thứ ba trong danh sách những diễn viên vĩ đại nhất. Không chỉ có ngoại hình mà năng lực xuất chúng của bà cũng được các chuyên gia công nhận.
Năm 1953, Audrey Hepburn được chọn vào vai công chúa Anne, nhân vật nữ chính của bộ phim nổi tiếng Roman Holiday do William Wyler đạo diễn. Vốn dĩ nhân vật này được xem xét sẽ thuộc về Elizabeth Taylor hoặc Jean Simmons, nhưng cuối cùng thông qua một buổi casting, đạo diễn đã quyết định chọn Audrey Hepburn, một cái tên gần như vô danh vào thời điểm đó.
Sau khi đóng máy và khi bộ phim được công chiếu, nam diễn viên cùng tham gia là Gregory Peck, lúc đó vốn đã là một ngôi sao, nên nhà sản xuất Paramount đã cho viết thật lớn tên của ông lên poster, còn tên của "người mới" Audrey Hepburn chỉ được đặt ở một vị trí nhỏ xíu . Nam diễn viên khi nhìn thấy điều này đã nói rằng "Hepburn chắc chắn sẽ nhận được giải Oscar cho tác phẩm này, nếu trên poster chỉ có tên tôi thì mọi người sẽ chỉ trích tôi bất tài" và yêu cầu đặt tên Audrey Hepburn lên poster với cùng kích thước. Và đúng theo dự đoán của Gregory Peck, bà nhận được giải Nữ diễn viên xuất sắc trong bộ phim "Roman Holiday" và bắt đầu sự nghiệp huyền thoại của mình.
Tiếp sau năm đó, 1954, Audrey Hepburn khiến khán giả bất ngờ khi xuất hiện trong một vở nhạc kịch trên sân khấu Broadway có tên 'Undine' chứ không phải trong một bộ phim nào đó. Bà cũng tiếp tục nhận được giải nữ diễn viên xuất sắc tại giải Tony.
Độc đáo hơn nữa, bà còn ẵm luôn cả giải Grammy thu âm sách audio cổ tích dành cho trẻ em, và giải Emmy cuối cùng để hoàn thành bộ sưu tập Grand Slam qua tác phẩm 'Câu chuyện mê hoặc của Audrey Hepburn' vào năm 1994 - một năm sau bà qua đời vì ung thư ruột kết.
3. Không dám đóng phim chiến tranh vì ký ức tuổi thơ
Audrey Hepburn sinh năm 1929, từ năm 10 tuổi bà đã theo học múa để trở thành một nghệ sĩ ballet. Khi Thế chiến hai trở nên trầm trọng hơn, bà được gửi đến Hà Lan lúc đó đang dưới sự xâm chiếm của Đức Quốc xã. Ở đó bà trải qua thời thơ ấu đầy đau khổ vì bị cuốn vào vòng xoáy của Thế chiến.
Bên ngoại của bà từng là một gia đình quý tộc nhưng đã bị sụp đổ vì chiến tranh và mẹ bà cũng phải bỏ qua danh xưng quý tộc để làm đầu bếp, giúp việc để trang trải chi phí học và sinh hoạt của bà. Để sinh tồn trong cuộc sống tị nạn dưới thời Đức Quốc xã, bà phải lên núi đào rễ cây tulip để ăn và ăn cả những thực phẩm đã ôi thối. Audrey Hepburn chịu đựng nhiều chứng bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng.
Bà từ chối xuất hiện trong nhiều bộ phim có đề tài chiến tranh trong suốt cuộc đời vì nỗi ám ảnh thuở bé.
4. Nữ minh tinh càng đẹp hơn khi về già
Sau khi quyết định giải nghệ sau bộ phim "Always" của Steven Spielberg vào năm 1989, bà chuyển sang hoạt động với tư cách đại sứ UNICEF. Bà năng nổ dẫn đầu phong trào nhân quyền và các hoạt động từ thiện, đặc biệt quan tâm đến việc cứu trợ người nghèo và giúp đỡ trẻ em.
Bản thân Hepburn cũng cho rằng điều quan trọng là phải thấu hiểu nỗi đau cực độ của những người đã bị chiến tranh phá hủy toàn bộ cuộc sống và giúp đỡ họ vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, vào năm 1992, khi đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư ruột kết, bà vẫn đến Somalia để làm tình nguyện và tươi cười rạng rỡ.
Vẻ đẹp bên ngoài khi còn trẻ có thể thu hút thế gian nhưng dần dần cũng phải khuất phục trước dòng chảy của thời gian. Vẻ đẹp tâm hồn của Audrey Hepburn là thứ vẫn luôn chảy tràn nhựa sống nên dường như thứ tồn tại mãi trong ký ức của mọi người chính là vẻ đẹp bất diệt này.
Sau khi Hepburn qua đời, con trai bà đã thành lập Quỹ nhi đồng Audrey Hepburn và ông vẫn đang thực hiện các hoạt động cứu trợ cho trẻ em trên toàn thế giới.
Theo Ione