leftcenterrightdel
 Sinh viên quốc tế làm thêm tại Australia trong giai đoạn dịch Covid-19.

Quyết định trên nhằm cho phép sinh viên quốc tế dành ưu tiên hơn cho học tập.

Từ tuần trước, Riya Kattady đã pha cà phê tại nhà. Quy định giảm giờ làm khiến việc ăn ngoài trở nên xa xỉ đối với cô. Kattady chia sẻ: “Bây giờ tôi phải tính toán chi tiêu thật kỹ. Tôi không thể làm thêm giờ nên phải tiết kiệm và lên kế hoạch cho mọi thứ”.

Kattady, đang học thạc sĩ ngành kỹ thuật tại Đại học Western Sydney, là một trong gần 600.000 sinh viên quốc tế tại Australia bị ảnh hưởng bởi quy định giới hạn giờ làm thêm từ 1/7. Cụ thể, sinh viên quốc tế được làm thêm tối đa 24 giờ mỗi tuần, trừ lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi do thiếu nhân lực.

Đối với Kattady, việc giới hạn được thiết lập lại không hẳn là một điều tồi tệ. Điều đó đồng nghĩa sinh viên cần phải ưu tiên việc học tập bởi khi không giới hạn giờ làm, sinh viên có thể bị cuốn theo công việc, mải mê với số tiền kiếm được mà quên đi tầm quan trọng của học tập.

Giống như Kattady, nhiều sinh viên quốc tế, chuyên gia giáo dục Australia cũng ủng hộ kế hoạch mới của Chính phủ.

Hội đồng sinh viên quốc tế Australia (CISA) cho biết, sinh viên nước ngoài đến Australia học tập đã phải chịu áp lực tinh thần nặng nề khi được phép làm thêm không hạn chế. Đáng chú ý, nhiều nhà tuyển dụng đã lợi dụng quy định này để bóc lột sức lao động của sinh viên.

Bà Yeganeh Soltanpour, nhân viên quan hệ công chúng tại CISA, chia sẻ: Sinh viên không thể hoàn thành việc học, trong khi gia đình biết họ có thể làm thêm không giới hạn nên động viên họ gửi một phần tiền về nhà.

Ngoài ra, do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, sinh viên quốc tế khó có thể duy trì cuộc sống tại Australia nếu chỉ dựa vào các khoản vay ở quê nhà. Do đó, nhiều người lao vào làm thêm.

Còn ông Phil Honeywood, Giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục quốc tế Australia (IEAA), nhìn nhận trong quy định mới, sinh viên quốc tế được làm thêm hơn 4 giờ so với mức trước đại dịch. Điều này giúp sinh viên có thể tiếp tục nuôi sống bản thân bằng cách vừa học vừa tham gia lực lượng lao động đang thiếu hụt tại Australia.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lo ngại việc giới hạn giờ làm thêm được đưa ra quá nhanh khi tình trạng thiếu hụt lao động tại Australia vẫn còn nghiêm trọng. Ông Suresh Manikam, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, lo ngại thị trường lao động “chợ đen” sẽ phát triển. Nhiều người sẵn sàng trả tiền “chui” hoặc sinh viên sẽ trốn đi làm thêm, từ đó tiếp tục gia tăng các tình trạng bóc lột lao động.

Ngoài ra, nhiều trang trại, nơi thu hút đông đảo sinh viên quốc tế làm việc, sẽ phải giảm sản lượng. Vào mùa thu hoạch, tại nhiều trang trại, du học sinh chiếm đến 90% lực lượng lao động. Chủ tịch Liên đoàn Nông dân quốc gia Australia, Fiona Simson, nhìn nhận, việc thiếu lao động vẫn là “một trong những thách thức lớn nhất mà nông dân phải đối mặt”.
Trước đây, Chính phủ Australia quy định sinh viên quốc tế làm thêm 40 giờ hai tuần. Đến đầu năm 2021, nước này cho phép sinh viên quốc tế làm thêm không giới hạn số giờ làm việc nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, nhất là trong các ngành du lịch và khách sạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này cũng góp phần giúp du học sinh tăng thu nhập.

Theo giaoducthoidai