Christina Nguyễn (Nguyễn Ngọc Trang) hiện là bác sĩ gia đình cho CommonSpirit, một trong những tổ chức y tế phi lợi nhuận hàng đầu tại Mỹ. Nữ bác sĩ gốc Huế sống ở bang Nebraska, tốt nghiệp loại ưu Đại học Creighton, sau đó tiếp tục học y và đào tạo nội trú tại University of Nebraska Medical Center.
Cô cho biết trở thành bác sĩ một phần nhờ kỹ năng tự học. Tuy nhiên, Christina từng quan niệm sai lầm về cách tự học khiến cô loay hoay, mất phương hướng, tốn thời gian, công sức nhưng kết quả không như mong muốn.
Christina chia sẻ những kinh nghiệm rút ra từ thời sinh viên.
1. Tự học không phải là không cần sự hướng dẫn
United States Medical Licensing Examination (USMLE) là kỳ thi quốc gia mà bất kỳ bác sĩ nào muốn hành nghề tại Mỹ phải trải qua. Tất cả bác sĩ cần thi đỗ USMLE step 1, step 2 chuyên khoa, step 3, đào tạo nội trú chuyên khoa. Sinh viên trường Y tại Mỹ cần phải vượt qua kỳ thi USMLE step 1 trước năm thứ ba (trước khi đi thực tập lâm sàng).
Lúc ôn luyện cho kỳ thi USMLE Step 1, nữ bác sĩ gốc Việt đã nghĩ chỉ cần cố gắng học tốt kiến thức ở các lớp sẽ được điểm cao. Tuy nhiên, cô rất sốc khi thấy kết quả điểm thi thử.
Cô nhận ra các bài thi USMLE được viết theo một phong cách hoàn toàn khác so với những bài thi trắc nghiệm từng làm trước đó. Cô cần một chiến lược rõ ràng để vừa có thể ghi nhớ được thông tin khổng lồ, vừa áp dụng chúng nhằm đạt điểm cao.
Christina quyết định mua khoá học của Pathoma (gồm video và sách), để nắm vững thông tin bệnh học một cách nhanh chóng, chú trọng vào những phần thông tin thường xuất hiện trong bài kiểm tra. Ngoài ra, cô cũng sử dụng phương pháp ghi nhớ của Picmonic để nhớ những ký sinh trùng và các quá trình sinh hoá phức tạp.
Theo Christina, tự học là tự làm chủ thời gian, khoá biểu, sự chăm chỉ, và cố gắng của bản thân, không cần người khác thúc đẩy hay kèm cặp. Tự học ở đây là tìm ra những phương pháp học hiệu quả, những người giỏi, và dùng chúng như đòn bẩy để đạt được mục tiêu lớn hơn của mình.
Để thành công trong kỳ thi USMLE Step 1, cô đã phải chọn lọc và kết hợp nhiều chương trình học lại với nhau: chương trình của Pathoma, phương pháp ghi nhớ của Picmonic, học kiến thức tổng quát từ First Aid, và làm các bài thi thử của UWorld.
Sau khi thay đổi chiến thuật ôn luyện và học từ những khoá học, cô đã vượt qua kỳ thi này thành công.
"Người Việt Nam có câu: 'Không thầy đố mày làm nên', còn người nước ngoài hay nói: 'Hãy đứng trên vai người khổng lồ'. Nếu muốn thành công một cách nhanh chóng, chúng ta cần tìm những người khổng lồ. Đứng trên vai họ, bạn sẽ thấy xa hơn, hiểu rộng hơn, và có những bước tiến nhanh hơn", bác sĩ gia đình chia sẻ.
2. Tự học không phải là 'cần cù bù thông minh'
Ban đầu khi đối mặt với số lượng thông tin khổng lồ phải học và ghi nhớ trong trường Y, bác sĩ Christina có tâm niệm "cần cù bù thông minh" và cố gắng học chăm chỉ. Tuy nhiên khi học theo bản năng và sử dụng những cách học ghi nhớ thông thường, cô cảm giác mệt mỏi và không hiệu quả.
Thay vì loay hoay tự giải quyết, cô tìm những người đi trước từng có vấn đề như mình và học từ kinh nghiệm, lỗi sai, bài học của họ. Cô chia sẻ những khó khăn này với thầy cô và một vài người bạn trong lớp và được họ giới thiệu cho những cách học hiệu quả hơn như spaced repetition và active recall.
Spaced repetition (lặp lại ngắt quãng) là kỹ thuật gia tăng thời gian giữa những lần ôn tập để khai thác hiệu ứng tâm lý ngắt quãng. Active recall (chủ động gợi nhớ) là phương pháp học tập dựa trên nguyên lý gợi nhớ lại những kiến thức và thông tin đã có nhằm củng cố trí nhớ dài hạn. Họ cũng giới thiệu các đầu sách hay và khoá học hỗ trợ cho việc chinh phục bài thi.
"Albert Einstein từng nói: 'Thật ngu ngốc khi lặp đi lặp lại hành động cũ và đòi kết quả mới'. Cũng như vậy, sẽ thật ngu ngốc nếu chúng ta lặp lại lỗi sai của người khác và đòi kết quả mới. Đó cũng là lý do tôi chia sẻ những sai lầm của mình để người khác không lặp lại chúng trong tương lai", bác sĩ Christina nói.
3. Tự học không phải là học một mình
Christina thích làm việc đơn lẻ và ít khi muốn trao đổi hay làm việc cùng ai. Cô cho rằng không ai hiểu rõ vấn đề của mình, biết mình cần gì và muốn gì. Nhưng sau đó bác sĩ nhận ra những suy nghĩ này khiến cô bị hạn chế nhiều.
Cô hiểu ra nhiều người xung quanh có chung chí hướng với mình và cũng gặp khó khăn tương tự. Khi mở lòng ra chia sẻ, cô có được nhiều sự hỗ trợ từ các bạn và cũng giúp ích cho người khác.
Bác sĩ và một số bạn thân tổ chức học nhóm để giảng bài cho nhau nghe, và cách này giúp ích nhiều cho việc học.
"Khi phải giải thích cho ai đó hiểu thì bạn phải thật sự hiểu. Nhờ vậy, nền tảng kiến thức cũng tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra khi có một nhóm bạn học chung hỗ trợ nhau, hành trình học cũng cảm thấy bớt gian nan", Christina chia sẻ.
Christina khuyên nếu đang loay hoay một mình, bạn hãy tìm những cộng đồng chất lượng để tham gia vì có thể bạn sẽ được tiếp lửa và thành công hơn.
Theo vnexpress