Nghệ sĩ tài danh Thanh Nga - ẢNH: T.L
Mỗi tập dày cả trăm trang. Chủ biên là Trần Đình Thuyên, tổ chức bài vở dưới quyền của bà bầu Thơ, trưởng đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Tập đầu tiên kỷ niệm năm thứ 14 sáng lập đoàn (29.5.1950 - 29.5.1964) và tập cuối kỷ niệm lần thứ 17 (29.5.1967).
Bìa giai phẩm Thanh Minh - Thanh Nga kỷ niệm 14 năm sáng lập - ẢNH: TƯ LIỆU CỦA PHẠM CÔNG LUẬN
Năm 1964, đang giữa giai đoạn có thể nói là cực thịnh nhất của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga sau 14 năm tồn tại, được coi là đoàn cải lương “sống dai nhứt” thời đó nên những người sáng lập quyết định ra tờ giai phẩm đầu tiên. Bốn cuốn giai phẩm liên tiếp ra từng năm.
Nhiều bài vở của những tên tuổi nổi tiếng
Dù hình thức không bắt mắt như tờ báo chuyên nghiệp, các giai phẩm này được nhiều cây bút gạo cội thời đó cộng tác bài vở như các nhà văn Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Ngọc Linh, Thanh Nam, Sĩ Trung, nhà báo Trần Tấn Quốc, các nhà thơ Kiên Giang, Mộng Tuyết…
Ảnh chụp chủ nhân, soạn giả, nghệ sĩ, chuyên viên kỹ thuật và công nhân đoàn Thanh Minh - Thanh Nga nhân kỷ niệm 15 năm thành lập - ẢNH: TƯ LIỆU CỦA PHẠM CÔNG LUẬN
Ngoài ra còn có bài viết của các soạn giả nổi tiếng như Năm Châu, Hà Triều, Hoàng Khâm, Nguyễn Phương. Các nghệ sĩ Hoàng Giang, Việt Hùng - Ngọc Nuôi, Hữu Phước cũng tham gia viết bài nói lên tâm sự, suy nghĩ về nghề nghiệp của mình. Trong số đó, bài Một ánh sao rơi của nhà văn kiêm soạn giả Ngọc Linh (tập 15) có giá trị tư liệu về nghệ sĩ Tư Út là kép chính của đoàn Phụng Hảo có tiếng một thời đã mất trên đường lưu diễn ở Nam Vang năm 1947 khi diễn cùng với nghệ sĩ Phùng Há.
Bài viết Kỷ niệm vui buồn của nghệ sĩ Việt Hùng - Ngọc Nuôi - ẢNH: TƯ LIỆU CỦA PHẠM CÔNG LUẬN
Tập cuối, kỷ niệm năm thứ 17 công bố tư liệu quý là Nhựt ký của cố nghệ sĩ Năm Nghĩa, chồng của bà bầu Thơ và cha dượng của nghệ sĩ Thanh Nga do nhà báo Trần Tấn Quốc lưu giữ sau khi bầu Năm Nghĩa mất năm 1959. Đoạn trích thể hiện nỗi lo lắng của Năm Nghĩa trong hoàn cảnh lận đận của đoàn Thanh Minh lúc vừa lên hai, đang là trưởng đoàn ông thấy có trách nhiệm với gia đình và đoàn hát, khi còn cha mẹ, vợ yếu con thơ, hai con là dưỡng nữ Thanh Nga vừa mới lên mười, Bảo Quốc còn đang chập chững.
Bài của tác giả Sĩ Trung - ẢNH: TƯ LIỆU CỦA PHẠM CÔNG LUẬN
Những bài viết như hồi ký Nhập cát sô (Trần Đình Thuyên, 16), Bàn về thành kiến xướng ca vô loại (Sơn Nam, 16), Nhật ký của Năm Nghĩa, Nhớ bà Bầu (Trần Tử Văn, tức Trần Tấn Quốc sao lục ở tập 16 và bài viết ở tập 17), Nghệ sĩ trong khám tối (Trần Đình Thuyên, 17), Nợ tằm (truyện ngắn Sĩ Trung, 17)… đều là những bài đặc sắc, có phát hiện mới, có thể đăng trên các giai phẩm đặc biệt của báo chí thời ấy.
Các bài viết về nghề sân khấu được chú trọng. Từ số 17 ra đời năm 1967, chủ trương của bà bầu Thơ là: “Chúng tôi muốn đưa nội dung tập giai phẩm lên một mức cao hơn mọi năm: phản ánh sinh hoạt của đoàn là phần phụ, nói lên những vấn đề liên quan đến sân khấu là phần chánh” (lời trưởng đoàn).
Bài Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga qua sự nhận xét của khán giả - ẢNH: TƯ LIỆU CỦA PHẠM CÔNG LUẬN
Do đó, có hàng loạt bài như: Đoàn hát của bà bầu Thơ tiêu biểu với sắc thái độc đáo: Tuồng xã hội của Phong Vân, Những cảm nghĩ của nghệ sĩ Út Trà Ôn của Phi Sơn, Nghệ sĩ và quần chúng (Thành Được ghi lại cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ Năm Châu và Cẩm Thi), Tại sao Thành Được chiếm huy chương vàng giải Thanh Tâm (Cẩm Thi), Thanh Nga và vở tuồng Sân khấu về khuya (Phi Sơn)… trao đổi về các vấn đề học thuật sân khấu, như xuất phát cải lương từ đâu, cải lương khác ca kịch và thoại kịch thế nào, phân tích nghệ thuật diễn xuất của các nghệ sĩ nổi tiếng có thành tựu trong diễn xuất, về kỹ thuật thiết kế sân khấu.
Những vần thơ tâm tình về nghệ thuật của Thanh Nga
Vì sao giai phẩm này có thể thu hút nhiều cây bút lớn của Sài Gòn thời đó? Trước hết là từ tầm cỡ của đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, đứng đầu về tuồng xã hội với các vở diễn nổi tiếng như Mưa rừng, Nửa đời hương phấn, Sân khấu về khuya, Tấm lòng của biển... Quy tụ nhiều soạn giả tài danh như Tư Trang, Năm Châu, Duy Lân, Kiên Giang, Hà Triều - Hoa Phượng, Nguyễn Phương... và các nghệ sĩ hàng đầu như Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, đoàn được ái mộ nhất nhì miền Nam, thường được chính phủ miền Nam đưa ra quốc tế diễn đại diện văn nghệ quốc gia. Bà bầu Thơ giỏi điều hành đoàn hát nên giới sân khấu gọi là “bầu của những ông bầu, bà bầu”.
Nghệ sĩ Thanh Nga - ẢNH: T.L
Điều thú vị, trong bộ này có vài bài thơ của ngôi sao sân khấu Thanh Nga. Lúc đó, cô hơn 20 tuổi, giọng thơ trong trẻo như thơ học trò. Bài thơ Bài ca 17 của cô trong giai phẩm thứ 4, kỷ niệm năm thứ 17 (1967):
Từng đêm rồi từng đêm
Điểm trang và trang điểm
Chuông reng rồi chuông reng
Diễn ca rồi ca diễn.
Ra sân khấu từ khi lên tám
Bấm đốt tay: mười bảy năm tròn
Lời khen chê nghe chừng nhiều lắm
Bao niềm vui là mấy u buồn!
Đường nghệ thuật thênh thang thăm thẳm
Bước đi hoài chưa thấy chồn chân
Mai này trên chặng đường mười tám
Tôi vẫn còn đi giữa thế nhân.
Đêm nay, rồi đêm mai
Điểm trang còn trang điểm
Không chỉ vì mình đây
Vì những người đối diện.
29.5.1967
Thanh Nga (trích Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm – Phan book xuất bản, 2021)
Theo thanhnien