|
|
Đánh thương đánh dạy khác với đòn thù |
Xoay quanh chủ đề Bạn có đánh con không?, chắc chắn sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều, những quan điểm khác biệt đến cực đoan. “Mỗi cây mỗi hoa; mỗi nhà mỗi cảnh” và bản thân mỗi đứa con lại là những chủ thể rất khác biệt bởi lẽ “chín đứa trẻ là mười tính nết” khác nhau rồi.
Chưa kể, mỗi thế hệ, mỗi hoàn cảnh xã hội lại có những cách dạy con tương thích, được áp dụng linh hoạt, tùy hoàn cảnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Bản thân tôi là những người thuộc thế hệ 6X, nay đã bước sang lứa tuổi U60 thì hoàn toàn đồng tình với cách dạy con qua roi vọt; nhưng phải là “đánh thương, đánh dạy”, chứ không hàm chứa... đòn thù.
Thông thường, trong một gia đình thời đại chúng tôi, chỉ có cây roi của ông bố là đáng sợ, vì nó vừa có tính quyết đoán của người đàn ông, đánh phát nào đau đến nhớ đời phát đó; vừa mang tính giáo dục hiệu quả, triệt để, không khoan nhượng trước sự hư hỏng của đứa con.
Bởi thế, hầu như đứa con nào trong gia đình cũng sợ đòn roi của bố. Tôi nhớ ngày còn bé, lũ con chúng tôi gồm bảy đứa, cứ san sát nhau năm một năm hai nên ưa hùa nhau phá phách, bày đủ trò chơi cả một gian nhà. Nhưng chỉ cần nghe tiếng xe của bố về trước cửa là mỗi đứa một tay dọn ngay bãi “chiến trường” bừa bộn.
Nghe đến đây chắc bạn hình dung bố tôi hung dữ lắm phải không? Vậy mà ngược lại, ngoài xã hội, bố tôi là ông thầy giáo dạy Văn hiền lành nhất trường, thương học sinh vô tận. Ông chỉ nghiêm khắc với các con bởi lẽ ông mong muốn chúng tôi trưởng thành, nên người hữu ích.
Giờ lớn lên, tất cả đã thành gia thất, nhà nào cũng hai con đều như bắp, chúng tôi mới hiểu được tấm lòng cao cả của bố khi lắm lúc “Nén niềm đau quất trận roi đòn. Hiện tướng dữ, dạy răn điều phải quấy”.
Chính vì vậy, dù “cây roi gia pháp” của bố có nện xuống mông chúng tôi hằn sâu đến mấy, chúng tôi chỉ đau và khóc òa lúc ấy; nhưng trong thâm tâm chúng tôi nhận biết lỗi lầm của mình và thầm cảm ơn đòn roi.
Đó là bố đánh thương, đánh để dạy dỗ, đánh để chúng tôi nhớ rằng nhà chúng tôi luôn có gia pháp! Quả thật, để chúng tôi “tử tế” nên người như ngày hôm nay, bố đã “Buồn hay vui bố cũng cam để dạ. Khóc hay cười, bố để cả trong tim”.
Giờ thỉnh thoảng anh chị em chúng tôi cũng nhắc về quá khứ của những ngày mà “cây roi gia pháp” của bố phải làm việc không ngừng do một người trong chúng tôi trở chứng, ẩm ương, không chịu học.
Nếu không có sự “trừng phạt” mạnh tay của bố, có lẽ chúng tôi đã mất người anh em đấy rồi. Nhưng khi có biến cố xảy ra với chúng tôi, bố lại là người “Bố đưa cả tấm lưng gầy. Chở che con được tới ngày hôm nay”. Đến giờ này, đã hai thứ tóc trên đầu, tôi hoàn toàn tin lời ông Menandre nói: “Người cha nghiêm khắc nhất tất nặng lời khi khiển trách, nhưng vẫn là người cha tốt nhất trong mọi hành động”.
Mẹ tôi thì ngược lại, hiền như hòn đất, đến con gián bà còn không nỡ giết thì làm sao cầm roi quất được các con? Nhưng bà lại có vũ khí “chết người” là những giọt nước mắt của bà - thứ mà anh em chúng tôi ví von như những giọt a- xít dễ dàng phá hỏng cả sắt đá cứng đầu của chúng tôi. Đó là cách giáo dục ở gia đình lớn của tôi, mềm rắn đều đủ cả và luôn được áp dụng linh hoạt, tùy lúc, tùy từng đứa con.
Còn gia đình chồng tôi thì lại khác, ông bố hơi “nể vợ” nên tất cả quyền “sinh sát” trong nhà đều nằm trong tay má chồng tôi. Bà là dân Nam Định, đẹp sắc sảo và cách dạy con bà nghiêm hơn cánh đàn ông. Số là anh em bên gia đình chồng tôi đều hơi cá tính, nên chồng tôi kể, ngay từ nhỏ, bà má đã chuyên dùng đòn roi để trị “lũ cứng đầu chúng bay”.
Bà đánh thật đau, không khoan nhượng; càng khóc, càng hét lớn, bà càng đánh đau hơn. Đi học điểm xấu, bà đánh; chửi tục, nói bậy, bà đánh; cãi lời bất cứ người lớn nào, dù sai hay đúng, bà cũng đánh…
Nói chung, tuổi thơ của chồng tôi lớn lên trong đòn roi nên điều này đã in hằn trong tâm trí của anh, đến nỗi giờ nguyên tắc dạy con của anh vẫn bất di bất dịch là đánh, đánh và đánh...
Tôi nhớ có lần chồng tôi đánh thằng bé con tôi bầm hết cả tay. Đến nỗi con vào lớp mầm non, cô giáo gọi điện cho tôi để trả cháu về hôm đó vì cô sợ liên lụy trách nhiệm.
|
|
Đánh để giáo dục con hoàn toàn khác kiểu đánh vì thiếu kiềm chế hay trừng phạt ( Ảnh minh họa) |
Từ chuyện gia đình mình, tôi đồng tình với chuyện dùng roi vọt để dạy con, vì theo tôi, cây roi gia pháp chỉ góp phần giúp việc răn dạy của cha mẹ được triệt để. Chắc chắn trái tim người làm cha, làm mẹ tử tế nào cũng đau gấp mười lần trước vết hằn đòn roi trên cơ thể của con.
Tôi nhớ hoài lời giải thích của bố với mẹ, khi bà năn nỉ xin chịu đòn roi thay con. Ông nói: “Tôi đánh ở đây là đánh thương, đánh yêu, đánh dạy đánh dỗ; chứ tôi có ra đòn thù với đứa nào đâu mà bà xin. Tôi nhắc lại, ông bà xưa hay nói “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là có thật đấy. Bà cứ xê ra cho tôi dạy con”.
Giờ đã trưởng thành, tất cả anh chị em chúng tôi đều tin rằng đòn roi để dạy dỗ từ cha mẹ, thầy cô đều nhằm mục đích “đánh thương, đánh yêu” chứ không phải đòn thù mà gây sân hận, in hằn vết thương trong lòng trẻ nhỏ. Phải không các bậc phụ huynh?
Theo phunuonline