Tuy nhiên, 5 trường đại học hàng đầu nước này chưa ủng hộ kế hoạch trên, làm dấy lên lo ngại triển khai chậm trễ.
Đầu tháng 4, Ủy ban Tài trợ đại học Bangladesh (UGC) công bố kế hoạch triển khai một kỳ thi đại học chung để xét tuyển vào các trường đại học. Nguyên nhân nhằm giảm thiểu khó khăn trong quá trình tuyển sinh và giảm chi phí cho thí sinh.
Theo kế hoạch mới, 53 trường đại học công lập sẽ tuyển sinh thông qua một kỳ thi từ năm học 2023 - 2024. Chính phủ dự kiến thành lập Cơ quan Kiểm tra quốc gia (NTA) để tổ chức kỳ thi trên.
Bộ trưởng Giáo dục Bangladesh, bà Dipu Moni, cho biết, việc xây dựng hệ thống đánh giá mới sẽ được thảo luận với hiệu trưởng các trường đại học và ủy ban kiểm tra. Kỳ thi sẽ không ảnh hưởng đến tính độc đáo và quyền tự chủ của các trường đại học.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, năm trường đại học danh tiếng nhất Bangladesh gồm Đại học Dhaka, Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Bangladesh (BUET), Đại học Rajshahi, Đại học Jahangirnagar và Đại học Chittagong chưa đưa ra quyết định. Đại diện các trường chia sẻ họ vẫn đang cân nhắc có tham gia kỳ thi tuyển sinh chung hay không.
Hiện nay, các trường đại học Bangladesh tổ chức các kỳ thi riêng hoặc theo các nhóm trường để xét tuyển. Phương thức thi đa dạng từ làm bài luận, phỏng vấn, nộp hồ sơ... Vì vậy, thí sinh phải chi nhiều tiền, di chuyển đến các thành phố khác nhau để ôn luyện và tham gia các kỳ thi riêng. Điều này khiến gia đình các em phải chi những khoản tiền lớn. |
Phó Hiệu trưởng Đại học Dhaka, ông Maksud Kaml, cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định sau khi tổ chức các cuộc thảo luận với hội đồng học thuật và các cơ quan liên quan khác, bao gồm Ủy ban Tuyển sinh trung ương. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định tốt nhất cho sinh viên”.
Đại diện UGC hy vọng 5 trường đại học sớm đưa ra quyết định để chính phủ triển khai kế hoạch trên. Nếu chậm trễ, kế hoạch sẽ không thể thực hiện đúng thời gian dự kiến.
Cựu chủ tịch UGC, GS Nazrul Islam nhận định việc tổ chức một kỳ thi duy nhất là động thái tích cực nhưng sẽ cần một “cơ quan kiểm tra chuyên nghiệp và riêng biệt có thẩm quyền”.
Ông Narzul chia sẻ: “Cơ hội vào đại học bình đẳng sẽ là điều tốt đối với sinh viên. Nếu 5 trường đại học hàng đầu không tham gia vào kỳ thi tuyển sinh chung, họ sẽ bị dồn vào chân tường và điều này không tốt cho hình ảnh của họ”.
Những năm qua, Bangladesh nỗ lực cải thiện giáo dục đại học, từ việc tuyển sinh đến chất lượng đào tạo vì ngày càng nhiều sinh viên nước này chọn du học, dẫn đến nguy cơ “chảy máu chất xám”.
Đơn cử, dữ liệu mới đây của UNESCO chỉ ra, 49.151 công dân Bangladesh đang học đại học ở nước ngoài. Con số này tăng gấp 3 lần so với mức 33.139 người vào năm 2016. Nguyên nhân có thể kể đến như chất lượng giáo dục đại học thấp, cơ hội việc làm hạn chế...
Nhìn nhận vấn đề trên, bà Dil Afroza Begum, thành viên UGC cho biết: “Sinh viên hiện nay thích các trường đại học nước ngoài hơn và nghi ngại về chất lượng giáo dục trong nước. Số lượng cơ sở giáo dục đại học ở Bangladesh đang gia tăng. Chúng tôi tập trung mở rộng cơ sở vật chất nhưng chưa duy trì được chất lượng giáo dục”.
Theo GD&TĐ