leftcenterrightdel
 Nhiều học sinh Hàn Quốc coi bắt nạt bạn bè là một hình thức giải trí.

Mới đây, bộ phim truyền hình Hàn Quốc, “The Glory” (Vinh quang trong thù hận) đã cho khán giả thấy sự nặng nề của vấn nạn bạo lực học đường qua cảnh quay một nữ sinh bị bạn cùng lớp dí máy uốn tóc nóng vào người.

Cách miêu tả không che đậy và chân thực của bộ phim đã nhận được nhiều đánh giá từ cả hai chiều. Tuy nhiên, đại bộ phận công chúng Hàn Quốc cho rằng bộ phim đã khơi lại vấn đề nhức nhối cần được giải quyết triệt để trong học đường, đó là tình trạng bạo lực.

Số liệu mới nhất từ Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, số vụ bạo lực học đường đã gia tăng liên tục trong thập kỷ vừa qua. Theo bà Kwak Keumjoo, Giáo sư tâm lý tại Đại học Quốc gia Seoul, các trường hợp bạo lực học đường xảy ra do áp lực đồng trang lứa.

Sở dĩ vấn đề bạo lực học đường ở Hàn Quốc nghiêm trọng một phần vì học sinh còn phải chịu áp lực từ việc học tập và các kỳ thi tuyển sinh. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh gay gắt, phân cấp thứ bậc. Học sinh cũng ít khi tham gia các hoạt động thể chất để giải phóng năng lượng.

Ông Lee Sang Woo, giáo viên tiểu học đồng thời là Giám đốc của Hiệp hội Giáo viên và Công nhân Giáo dục Hàn Quốc (KTU) cho biết: “Các nạn nhân thường không thể tự giải quyết vấn đề bị bắt nạt. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của họ. Nó khiến học sinh sa sút trong học tập. Nhiều em nghỉ học thời gian dài, thậm chí là bỏ học”.

Ông Lee Sang-woo phân tích

Điều đó dẫn đến một bộ phận học sinh Hàn Quốc bắt nạt bạn bè như “một hình thức giải trí”. Những vụ bạo lực học đường diễn ra theo quy mô lớn. Thủ phạm của các vụ việc này thường lập thành nhóm và hành hạ những người khác, còn nạn nhân của những nhóm bắt nạt thường sẽ bị tẩy chay bởi cả lớp, thậm chí là cả trường học.

Bên cạnh đó, bà Kwak cho rằng những hình thức bạo lực học đường tại Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng khi nhiều học sinh bắt chước hành động trong phim ảnh. Thậm chí, nhiều thủ phạm còn sử dụng mạng xã hội để chia sẻ việc mình bắt nạt người khác như một chiến tích.

Ông Lee Sang Woo, Giám đốc Hiệp hội Giáo viên và Nhân viên giáo dục Hàn Quốc (KTU), nhận định, bạo lực và bắt nạt học đường làm giảm đáng kể lòng tự trọng của học sinh, dẫn đến sự cô lập với xã hội và gia tăng tình trạng trầm cảm, lo lắng.

Một nghiên cứu gần đây về các sinh viên từng trải qua bạo lực học đường cho thấy, hơn 50% nghĩ đến việc tự tử. Sau phản ánh của các chuyên gia về các hình thức bắt nạt học đường ngày càng trở nên tồi tệ, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng trên và yêu cầu các hành vi bạo lực học đường cần phải đánh dấu vào hồ sơ đăng kí đại học.

Các nhà lập pháp và Chính phủ Hàn Quốc cũng tích cực xem xét sửa đổi các luật liên quan đến bạo lực học đường để giải quyết nhanh chóng vấn nạn này.

Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc mới đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những giải pháp giáo dục so với các biện pháp trừng phạt như việc thành lập các tổ chức dành riêng cho các thủ phạm và gia đình của họ.

Việc xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa học sinh và giáo viên để kịp nắm bắt thông tin về bạo lực học đường được đánh giá là cần thiết và hữu ích. Ngoài ra, nhiều giáo viên cho rằng cần ngăn chặn và giáo dục trẻ em ngay từ ngày đầu tiên để các em không trở thành những kẻ bắt nạt.

Theo giaoducthoidai