Tác động của bạo lực ngôn ngữ mạnh không thua gì bạo hành thể chất. Ảnh: Parenting.com.
Trong đời sống, chúng ta luôn chứng kiến nhiều bậc phụ huynh kỷ luật với con cái đến mức hà khắc. Khi con làm trái ý, họ sẽ nói rất gay gắt. Ví dụ, khi trẻ không làm bài tập về nhà, cha mẹ quát: "Đồ ngu ngốc, nói bao lần rồi, tại sao không làm bài tập?". Hay khi trẻ làm sai, làm hỏng việc gì đó, cha mẹ cũng quát: "Tao đã dạy bao lần rồi, không biết làm gì ngoài việc ăn à, nuôi cơm lãng phí".
Có một thực tế là, cha mẹ dùng những lời khiển trách nặng nề thì trẻ cũng không vì thế mà ngoan lên, giỏi hơn. Thậm chí, chúng càng buồn bã, kém tự tin và trở nên chậm chạp hơn.
Trong thực tế, theo tâm lý học, trẻ càng bị mắng chửi sẽ càng ngày càng kém thông minh. Đây là một dạng hiệu ứng ức chế về mặt xã hội, được giải thích là: Khi một người đang tập trung làm điều gì đó, hoặc khi đang loay hoay làm điều gì đó mà bản thân chưa hiểu rõ, nếu một người khác xuất hiện và quan sát, người kia sẽ lúng túng, mắc sai lầm và không thể làm tốt như khi anh ta làm việc một mình. Nếu bị quát mắng, chỉ trích, anh ta càng trở nên lo lắng, phản ứng chậm chạp hơn và khó khăn khi xử lý công việc.
Tương tự như vậy, khi cha mẹ dành cho con những lời cay nghiệt, nặng nề như dằn gắt, đây được coi là bạo lực ngôn ngữ. Tác động của loại bạo lực này mạnh không thua gì bạo hành thể chất, có thể coi là một đòn tâm lý với trẻ.
Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Martin Teicher thuộc Đại học Y khoa Harvard cho thấy, bạo lực ngôn ngữ ảnh hưởng đến các vùng não của con người, bao gồm khu thể chai (Corpus callosum), khu Hồi hải mã (Hippocampus - một bộ phận của não trước, nằm bên trong thùy thái dương) và thùy trước trán.
Ba khu vực này chịu trách nhiệm về nhận thức, quản lý cảm xúc, suy nghĩ và ra quyết định. Do vậy, với những trẻ tiếp xúc với bạo lực ngôn ngữ trong một thời gian dài, bộ não của chúng bị ảnh hưởng, dù chúng vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Bạo hành ngôn ngữ đánh vào lòng tự tin, lòng tự trọng của trẻ, tác động xấu đến não bộ đứa bé. Ảnh: Parenting.com
Để thích nghi với môi trường thực tế, não sẽ phát triển thành cấu trúc "chế độ sinh tồn" (Surviving Mode), từ đó hình thành tính cách hèn nhát, kém cỏi. Những trẻ như vậy học hành chậm chạp, vận động tư duy kém trong cuộc sống, khiến cha mẹ càng ngày càng không hài lòng, càng chửi mắng nhiều, đó là cái vòng luẩn quẩn.
Trẻ thường xuyên bị bạo lực ngôn ngữ có tuổi thơ không hạnh phúc, do thiếu những lời ngọt ngào, yêu thương từ cha mẹ và sự quan tâm của gia đình. Chất lượng tâm lý của trẻ cũng không tốt. Từ một đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, tâm lý của người này sẽ luôn là hèn nhát, trốn tránh thực tại, không thể nào bứt phá, vươn lên.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Alfred Adler người Áo từng nói: "Người hạnh phúc dùng thời thơ ấu chữa lành vết thương cho cuộc sống của họ, nhưng những người đau khổ dùng tương lai chữa lành vết thương thời thơ ấu". Khi cha mẹ buông ra những lời khó nghe, họ cho rằng đó là "roi vọt" cho con trưởng thành, thúc đẩy con tiến bộ hơn. Tuy nhiên, ngược lại, sự bạo hành ngôn ngữ này đánh vào lòng tự tin, lòng tự trọng của trẻ, tác động xấu đến não bộ đứa bé, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ cả đời.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các tội phạm, đặc biệt là tội phạm vị thành niên trải qua ấu thơ bị cha mẹ hằn gắt, dùng bạo lực lời nói và bạo lực tinh thần. Trẻ bị như vậy một thời gian có xu hướng trở nên hung bạo, máu lạnh, tàn nhẫn, dễ dẫn đến con đường phạm tội.
Cha mẹ hiện đại ngày nay càng cần phải tăng cường việc học để giao tiếp và giáo dục con. Giao tiếp, giáo dục chính xác là nhẹ nhàng, không bạo lực. Khi trẻ sai lỗi, khi trẻ có những cảm xúc nổi loạn trong cuộc sống lẫn học tập, cha mẹ không nên chửi mắng. Cần học cách lắng nghe để hiểu khó khăn, nhu cầu của con. Cần đặt ra câu hỏi: Con có ổn không, chuyện gì đã xảy ra với con? Khi tìm được nguyên nhân, ta sẽ giúp trẻ tháo gỡ vấn đề.
Xung quanh việc giải quyết các vấn đề, cha mẹ cần lưu ý không nắm bắt sai trọng tâm. Trọng tâm chính là giải quyết vấn đề, không phải là trút nỗi giận của mình. Cần hỏi con cách chúng muốn áp dụng để giải quyết vấn đề, thay vì chỉ chửi mắng "ngu dốt", "đáng xấu hổ"... Những lời nói này có thể khiến phụ huynh phút chốc bớt giận, nhưng nên nhớ, chúng sẽ gây tác hại tiêu cực cho con bạn, trong suốt cả cuộc đời.
Theo vnexpress