Một cách hữu duyên, Món chay Việt Nam trở thành quyển sách nấu ăn đầu tiên đầu bếp người Canada Cameron Stauch dành hết tâm huyết nghiên cứu sau nhiều năm sống và trải nghiệm ẩm thực ở nhiều quốc gia khác nhau.
Là một bếp trưởng đầy kinh nghiệm với 18 năm lăn lộn trong nhà bếp từ Bắc Mỹ đến châu Á, ông Stauch từng dành ra 6 năm nấu ăn cho 3 vị toàn quyền Canada tại lâu đài Rideau Hall ở thành phố Ottawa.
Trong thời gian đó, ông có cơ hội giới thiệu nền ẩm thực phong phú của Canada với nhiều nhân vật hoàng gia của thế giới, trong đó gồm nữ hoàng Elizabeth II và công tước xứ Edinburgh, hoàng tử xứ Wales và nữ công tước xứ Cornwall, vua và hoàng hậu Nhật Bản...
Sách Món chay Việt Nam vừa được đầu bếp Stauch giới thiệu tại Thái Lan - nơi ông sinh sống cùng gia đình 2 năm qua, sau khi đã xuất bản tại Anh và Mỹ cách đây vài tháng. Cơ duyên nào đã dẫn ông đến với ẩm thực Việt?
Đầu bếp Cameron Stauch và quyển Món chay Việt Nam
Cái duyên ở Việt Nam
"Nội tướng" của bếp trưởng Stauch là một nhà ngoại giao Canada. Do công việc nên vợ chồng ông phải thường xuyên thay đổi chỗ ở từ quốc gia này sang quốc gia khác.
Cứ mỗi lần như vậy ông lại tranh thủ khám phá món ăn và kỹ thuật nấu nướng của dân địa phương, mà nhiều nhất là ở Hong Kong, Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan.
Stauch đặc biệt yêu thích tìm hiểu về sản vật địa phương, gặp gỡ những người tự tay nuôi, trồng và chế biến ra các hương vị bản địa.
Vị bếp trưởng mô tả phong cách của mình là "nấu toàn cầu và tìm nguyên liệu tại chỗ". Kinh nghiệm này xuất phát từ thực tế ông thường phải điều chỉnh công thức món ăn vì nhiều lúc có 1-2 nguyên liệu không có sẵn hoặc quá đắt đỏ ở nơi ông lưu trú.
Từ năm 2012-2015, khi "bà xã" Ayesha Rekhi được bổ nhiệm làm việc ở Hà Nội, ông Stauch bỗng có cảm hứng viết quyển sách nấu ăn đầu tay về các món chay truyền thống của Việt Nam.
Bản thân không phải người ăn chay nhưng khoảng thời gian làm việc ở Ottawa giúp ông có nhiều cơ hội nấu cho những vị khách với chế độ ăn nghiêm ngặt. Stauch nghĩ sẽ rất thú vị nếu đẩy kinh nghiệm đó tiến thêm một bước nữa.
Đầu bếp Stauch và Đại sứ Canada tại Thái Lan Donica Pottie
trong buổi giới thiệu sách Món chay Việt Nam
Ý tưởng đó càng trở nên "cấp bách" do cậu con trai 4 tuổi của hai vợ chồng quyết định chuyển sang… ăn chay, không lâu sau khi họ ổn định cuộc sống ở Hà Nội. "Có lẽ vì thằng bé không muốn ăn động vật nữa" - vị đầu bếp vừa nhớ lại vừa cười trong cuộc phỏng vấn với báo The Nation của Thái Lan.
Việt Nam, theo vị đầu bếp, là một nơi tuyệt vời để tìm hiểu về ẩm thực chay.
Ông kể bản thân cảm thấy hết sức tò mò khi thấy người Việt hay ăn chay vào những ngày rằm và đầu tháng âm lịch. Vậy là ông đi khắp nước Việt Nam để nghiên cứu các món chay khác nhau, và thậm chí hình thành luôn thói quen ăn chay như người Việt!
"Chuyến đi giúp tôi phát hiện ra người Việt dùng cái gì để thay thế thịt bò và thịt heo. Tôi thấy họ dùng rau củ hoặc đậu phụ nên tôi tập trung vào cả hai" - Stauch giải thích.
Ẩm thực Việt trình làng ở Thái Lan
"Tôi tập trung làm sao để món chay đạt được hương vị gần giống nhất so với phiên bản mặn của nó" - vị đầu bếp người Canada cho biết khi đề cập đến truyền thống mô phỏng món mặn của người Việt trong ẩm thực chay.
Để tạo ra các món ăn đặc sắc của riêng mình, ông kết hợp bí quyết của các đầu bếp đường phố, dân địa phương và cả những người tu hành ở Việt Nam.
Tuần trước, người Thái đã có dịp thưởng thức các món ăn của Stauch trong bữa tiệc giới thiệu sách Món chay Việt Nam do tác giả kết hợp cùng Đại sứ quán Canada tại Thái Lan tổ chức.
Được trình bày theo phong cách buffet, các vị khách Thái được nếm các món như gỏi mít, nấm ớt xả với bánh gạo, sốt chao từ đậu nành lên men, gỏi bưởi, bánh mì kiểu Việt Nam… Cơm từ gạo jasmine thì dùng chung với cà ri chay kiểu Việt, rau củ hấp chấm chao xả ớt…
Món rau củ hấp ăn với chao xả ớt
"Stauch là một đầu bếp tài năng. Khi sống ở các nước châu Á, ông ấy luôn tìm hiểu các món ăn địa phương. Và bây giờ ông đang làm điều đó ở Thái Lan cho quyển sách nấu ăn tiếp theo" - bà Donica Pottie, đại sứ Canada tại Thái Lan, giới thiệu với quan khách.
Đại sứ Pottie cho biết điều làm bà thích thú nhất trong quyển sách của Stauch là chi tiết về các nguyên liệu có thể được dùng để thay thế trong trường hợp không tìm thấy những thứ được liệt kê.
"Đó là thiếu sót của nhiều sách nấu ăn. Thật tuyệt vời vì ông ấy mang lại cho người bình thường các công thức dễ sử dụng hơn" nhà ngoại giao ca ngợi.
Theo Tuổi trẻ