Những đôi bàn tay tỉ mẩn với từng mảnh vụn vải nhỏ. (Ảnh: Hà Hoài/Vietnam+)

 

Từ những mảnh vải vụn thường bị bỏ đi vì không còn giá trị, Hợp tác xã Vụn Art (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) đã tái chế thành các sản phẩm như túi vải, tranh dân gian, áo phông, bưu thiếp vải…

Vụn Art vừa là ngôi nhà của đa số những người không may khiếm khuyết, vừa là nơi góp phần bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh đến với cộng đồng.

Những đôi tay khéo léo

Để có được một Hợp tác xã Vụn Art như ngày hôm nay, anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã đã tự mình tìm thày học kỹ thuật làm tranh ghép vải, sử dụng khéo léo nguồn nguyên liệu từ vải thừa, vải vụn ở các xưởng.

Sau khi thành thục, anh bắt đầu vận động người dân để đào tạo với quy mô lớn hơn. Bản thân là một người khuyết tật, anh Cường rất đồng cảm với những khó khăn của những người giống mình, đặc biệt là trong chuyện tìm việc làm. Chính vì vậy, Hợp tác xã Vụn Art chính là mái nhà yêu thương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người khuyết tật.

Những bức tranh dân gian được tái hiện sống động qua bàn tay tỉ mỉ của các thành viên Vụn Art. (Ảnh: Hà Hoài/Vietnam+)

 

Hằng ngày, những bạn trẻ khuyết tật vẫn dùng những đôi bàn tay tỉ mẩn với từng mảnh vụn vải nhỏ, cắt, ghép, dán…, tạo thành những bức tranh lớn nhỏ, những chiếc túi vải… đậm màu sắc văn hóa Việt Nam. Từ các bức tranh dân gian Đông Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Gươm..., tất cả đều có ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc.

Không đơn giản chỉ là ghép vải, để làm ra sản phẩm phải trải qua khá nhiều công đoạn tỉ mỉ, kỳ công, đòi hỏi người ghép phải hội tụ đủ mọi kỹ năng, kỹ xảo, con mắt nghệ thuật tốt và đôi bàn tay khéo léo.

Phòng trưng bày các sản phẩm phục vụ khách tham quan của Vụn Art. (Ảnh: Hà Hoài/Vietnam+)

 

Những công việc này đối với người bình thường đã không dễ, đối với người không may khiếm khuyết thì cần kiên trì hơn rất nhiều.

Em Bùi Thu Dung chia sẻ: "Em làm ở đây được 4 năm rồi, hiện đang làm công đoạn vẽ và cắt. Chú Cường đã đến nhà em ba lần để hỗ trợ em đến đây làm. Lúc đầu, em thấy khó khăn lắm, cứ cắt là hỏng nhưng em đã được tận tình chỉ dạy và tự mình nỗ lực rất nhiều. Trước đây, em là người rụt rè ít nói, không bao giờ dám đi đâu xa. Giờ thì Vụn Art đã trở thành nhà của em, em có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình, vừa có thêm bạn bè và các mối quan hệ thân thiết. Bố mẹ em rất mừng và ủng hộ khi em được làm ở Hợp tác xã Vụn Art."

Doanh thu từ việc kinh doanh sẽ được tái đầu tư để dạy nghề cho người khuyết tật. (Ảnh: Hà Hoài/Vietnam+)

 

Nói về những khó khăn trong đợt dịch COVID-19, anh Cường chia sẻ thêm: “Đối tượng khách hàng chủ yếu của chúng tôi là khách du lịch trong nước và nước ngoài, tình hình dịch bệnh khiến khách không thể đến tham quan du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ duy trì nhân sự để cố gắng đảm bảo thu nhập cho mọi người, đồng thời đẩy mạnh bán hàng online."

Tái chế vải vụn - hướng đến tương lai xanh

Tại Việt Nam, ngành dệt may đang phát triển mạnh cùng với những lợi ích kinh tế to lớn. Tuy nhiên, bài toán xử lý chất thải công nghiệp, chủ yếu là vải vụn, từ các xưởng dệt may vẫn đang dừng lại ở việc thu gom, chôn lấp, đe dọa môi trường sống.

Ở Vụn Art, tận dụng nguồn vải vụn, vải thừa từ chính làng lụa Vạn Phúc, những người thợ đang ngày ngày tỉ mẩn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa truyền thống vừa hiện đại. Những miếng vải tưởng chừng như thừa thãi, chỉ để vứt đi, lại có thể được "hồi sinh" một cách sống động, rực rỡ đủ sắc màu.

Nhận thấy những tích cực mà Vụn Art đem đến cho môi trường, nhiều xưởng may đã chủ động vận chuyển vải vụn về đây. Chất liệu để sản xuất tranh vải, túi vải thường là vải nỉ, bao bố thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, các hoạt động được tổ chức thường xuyên như trải nghiệm làm tranh ghép vải, làm túi thổ cẩm cắt, dán hình… cho các em nhỏ cũng góp phần rèn luyện sự khéo léo và truyền tải đến mọi người thông điệp bảo vệ môi trường, hướng đến một 'tương lai xanh'.

Theo Vietnamplus