‘Bắt nạt trên mạng ảo còn nguy hiểm hơn ngoài đời thật’
Cập nhật lúc 09:29, Thứ ba, 23/03/2021 (GMT+7)
Hội thảo chia sẻ kết quả báo cáo “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” là một buổi trao đổi gần gũi giữa 500 em học sinh và đại diện các bộ, ngành liên quan đến trẻ em xoay quanh các chủ đề như bắt nạt trên mạng, thói quen nói tục chửi bậy...
Phó cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh: "Trẻ em rất quan trọng vì là mầm non của đất nước, trong thời đại số các em tham gia môi trường mạng và có thể là đại sứ, không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường" - Ảnh: H.Q.
Buổi đối thoại diễn ra ngày 22-3 tại Trường THCS Nam Từ Liêm, TP Hà Nội bắt đầu với phần chia sẻ về bạo lực học đường trên mạng của các bạn học sinh.
Ông Hoàng Minh Tiến - phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) - chia sẻ: "Việc sử dụng mạng Internet an toàn phụ thuộc vào các bạn. Các bạn cần có những kỹ năng cơ bản để bảo vệ mình, ví dụ như đặt mật khẩu phức tạp để người khác không lấy thông tin cá nhân của chúng ta.
Kỹ năng tiếp theo là biết nhận diện mối nguy hiểm trên mạng như có người sẽ giả vờ làm bạn với các em để lừa đảo. Khi các bạn gặp các vấn đề trên mạng, các bạn cần có hình thức chia sẻ với bố mẹ, thầy cô và bạn bè để tìm cách giải quyết".
"Bắt nạt trên mạng ảo còn nguy hiểm hơn ngoài đời thật", ông Tiến nói.
Bạn Nguyễn Việt Bách chia sẻ những "điều thầm kín" hộ rất nhiều bạn học sinh - Ảnh: H.Q.
Trong buổi đối thoại, bạn Nguyễn Việt Bách - học sinh lớp 6A5 Trường THCS Nam Từ Liêm - đưa ra quan điểm: "Theo lời bố mẹ mình nói, hư mà không chịu phạt thì sau này thành tướng cướp à? Mình thấy cũng đúng tại vì mình đã chứng kiến nhiều bạn được nuông chiều quá nên trở nên bất trị và chửi bậy, văng tục rất kinh! Theo ý kiến cá nhân của mình, nếu thuyết giảng đạo lý không có tác dụng thì mới sử dụng hình phạt tay chân (ăn vả)".
Trước chia sẻ của bạn Bách, phó vụ trưởng Vụ Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Thanh Hải phân tích rằng trong quá trình các bạn lớn lên, học tập qua mạng và từ người lớn, các bạn vô tình bắt chước thói quen nói tục từ những người xung quanh.
"Cần làm thế nào để trẻ em hiểu mình cần bỏ thói quen xấu này. Cha mẹ cần đưa ra những tấm gương tốt và chỉ cho con mình những việc làm đúng đắn. Hơn nữa, người lớn cần lắng nghe trẻ em bày tỏ ý kiến cá nhân của mình", phó vụ trưởng Vụ Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga - phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - cho biết: "Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch hướng dẫn triển khai mô hình 'Quyền tham gia của trẻ em' trong gia đình trong giai đoạn tới, không chỉ riêng TP Hà Nội mà ở các địa phương khác. Cha mẹ sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi, làm bạn đồng hành với con và chính cha mẹ cũng phải đảm bảo quyền lợi cho con em mình".
Khảo sát "Tiếng nói trẻ em Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) và SCI thực hiện với sự tham gia của 1.740 trẻ em Việt Nam từ 11 đến 16 tuổi ở 7 tỉnh, thành phố thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam. Khảo sát được thực hiện với mục đích tạo cơ hội cho trẻ em có thể lên tiếng và tham gia các vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em.
Chuỗi sự kiện "Tiếng nói trẻ em Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the children), Bộ Lao động - thương binh và xã hội và các ban bộ ngành liên quan tổ chức sẽ diễn ra tại các trường ở Miền Bắc (từ ngày 19 đến 24-4), miền Trung (từ ngày 11 đến 15-4), miền Nam (từ ngày 7 đến 10-4). |
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) miễn phí hỗ trợ và giải quyết các vấn đề như: xâm hại trẻ em; trẻ em bị mua bán, bắt cóc; tư vấn tâm lý dành cho trẻ... |
Theo tuoitre