leftcenterrightdel
 Sinh viên học làm gốm tại tỉnh Hà Bắc,cuối năm 2021. Ảnh: Hao Qunying / VCG

Cuối những năm 1970, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hy vọng giải quyết tình trạng khan hiếm nhân lực sau một thập kỷ giáo dục và kinh tế trì trệ. Đến năm 1985, chính phủ thiết lập hệ thống giáo dục hai chiều, trong đó khoảng một nửa số học sinh sẽ học nghề ở các trường trung học.

Chính sách này đã thành công trong việc thúc đẩy sự bùng nổ của các chương trình đào tạo nghề. Cuối năm 1989, có 9.173 trường trung cấp đào tạo nghề ở Trung Quốc, tuyển hơn 2,8 triệu học sinh. Lúc đó, các gia đình Trung Quốc ưa chuộng trường dạy nghề vì học sinh được đào tạo những kỹ năng thực tế, đảm bảo có công việc ổn định. Có những thời điểm 60% học sinh đã trúng tuyển các trường trung học nhưng vẫn chọn học nghề.

Tuy nhiên, cuối những năm 1990 diễn ra sự điều chỉnh lớn, cắt đứt mối quan hệ giữa trường dạy nghề và nhà tài trợ, ảnh hưởng nặng nề đến khả năng tài chính của các trường. Mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 1996 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp đại học, hệ thống này dần bị loại bỏ vì trung ương dồn sự quan tâm vào giáo dục phổ thông và chuyên sâu, đào tạo ra các nhà khoa học, quản lý doanh nghiệp, kỹ sư, bác sĩ, luật sư, nhà kinh tế và quan chức nhà nước.

Các trường đại học và cao đẳng Trung Quốc có tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm 2000. Hệ thống trường đại học lớn nhất thế giới này đã đào tạo 240 triệu sinh viên tốt nghiệp, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, chiếm gần 18% dân số nước này.

Trong khi đó, hệ thống đào tạo nghề ngày càng bị thu hẹp. Từ năm 1999 đến 2000, tỷ trọng đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng ngân sách giáo dục quốc gia giảm từ 11,53% xuống 8,42%.

Không được xã hội coi trọng, thiếu nguồn lực và sự yếu kém trong giảng dạy đã khiến nhiều trường dạy nghề ở Trung Quốc lâm vào khó khăn. Một khảo sát năm 2020 của Đại học Bắc Kinh cho thấy chỉ 35% học sinh tốt nghiệp trung học nghề có thể tìm một công việc ổn định.

Theo Wang Shoubin, Phó Giám đốc Viện Công nghệ Đào tạo nghề tại Khu công nghiệp Tô Châu, các doanh nghiệp từng là nhà tài trợ quan trọng của trường nghề dần quay lưng, bởi các cơ sở đào tạo này ngày càng khó đảm bảo nguồn lực sinh viên tốt nghiệp đủ tiêu chuẩn.

Cảnh ngộ của các trường dạy nghề phản ánh mục tiêu không rõ ràng của giáo dục nghề nghiệp ở Trung Quốc. Trong một báo cáo năm 2009, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc cho rằng quá nhiều cơ quan giám sát, nguồn lực bị phân tán và hiệu quả thấp là những vấn đề chính cản trở sự phát triển của giáo dục nghề.

Phần lớn học sinh và phụ huynh Trung Quốc ác cảm với học nghề, cho rằng các trường dạy nghề là "phân cấp thấp, chất lượng thấp" và kém hơn so với các đại học chính quy.

Nhận thức được vấn đề, nhà chức trách Trung Quốc đang ráo riết tiến hành xây dựng lại hệ thống đào tạo nghề. Tháng trước, những sửa đổi mới của Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 1996 đã có hiệu lực.

Bản sửa đổi nhấn mạnh, giáo dục nghề nghiệp ngang hàng cấp bậc với giáo dục phổ thông. Điều luật mới cũng hỗ trợ các trường dạy nghề quảng bá, khuyến khích người lao động và các doanh nghiệp tham gia và đầu tư vào các chương trình dạy nghề để tập trung nuôi dưỡng nhân tài.

Những quy định mới mang lại hy vọng về sự tái phát triển của giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc xây dựng một hệ thống đã trì trệ từ lâu và thay đổi quan điểm cố hữu của người dân đòi hỏi nhiều nỗ lực. Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng cần có những thỏa thuận để tạo cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp trường nghề có cơ hội việc làm rộng mở hơn.

Theo vnexpress