Tượng Ganesha bảo vật quốc gia - ẢNH: CỤC DI SẢN CUNG CẤP

Đi qua bom đạn chiến tranh

Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm Pa Trần Kỳ Phương, hai nhà nghiên cứu của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) là ông L.Finot và H.Parmentier đã tới nghiên cứu văn bia và nghệ thuật ở thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) từ năm 1901 - 1904. Những tài liệu cơ bản nhất để tìm hiểu văn bia cũng như nghệ thuật này đã được hai ông công bố trên đặc san của EFEO vào năm 1904. Cùng với việc công bố tài liệu, một số tác phẩm quan trọng đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Trong số này có tượng Ganesha vừa được công nhận bảo vật quốc gia. Tượng do EFEO khai quật tại tháp E5 thánh địa Mỹ Sơn vào năm 1903, sau đó được đưa về bảo tàng năm 1918.

Chính việc đưa tượng Ganesha về bảo tàng đã giúp bức tượng này tránh được bom rơi đạn lạc trong chiến tranh về sau. Cũng theo TS Trần Kỳ Phương, khoảng năm 1966 - 1968, Mỹ Sơn nằm trong vùng kiểm soát của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và trở thành khu oanh kích tự do của chính quyền VNCH. Tai họa lớn nhất xảy ra với Mỹ Sơn vào năm 1969, khi máy bay B-52 của Mỹ ném bom xuống di tích này, khiến Mỹ Sơn hoàn toàn bị biến dạng.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, tượng Ganesha bảo vật quốc gia thuộc dạng tượng tròn còn tương đối nguyên vẹn, được làm bằng sa thạch xám xanh. Tượng cao 95 cm, dài 48 cm, rộng 34 cm. Tượng được thể hiện dưới hình dáng mình người đầu voi, được tạc trong tư thế đứng thẳng, hướng nhìn về phía trước. Hai bàn chân song song đứng trên đế vuông, dưới đế có chốt nhọn để gắn vào bệ thờ. Tượng có bốn tay nhưng hiện chỉ còn tay chính bên trái và tay phụ bên phải, hai tay còn lại đã bị gãy mất phần khuỷu và bàn tay. Tay trái chính cầm chén cạn, vòi nhúng vào trong chén, tay phải phụ cầm tràng hạt. Chiếc chén này, theo giải thích của ông Trần Kỳ Phương, là chén mật Modak.

Hồ sơ cũng cho biết, theo một bức ảnh vẽ từ năm 1909 của H.Parmentier, tay trái phụ cầm một chiếc rìu nhỏ, còn tay phải chính cầm một chùm lá cây mà loài voi vốn thích ăn. Chiếc rìu nhỏ là một chi tiết thường thấy ở những tượng thần voi có niên đại sớm. Chùm lá cây được các nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng đây là đặc trưng của những tác phẩm có niên đại sớm khi thể hiện tượng Ganesha ở khu vực Đông Nam Á.

Vị thần Ấn Độ giáo nổi tiếng

Là một vị phúc thần nổi tiếng theo Hindu giáo, hình ảnh vị thần mình người đầu voi Ganesha được tìm thấy khắp Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Bali (Indonesia), Bangladesh, Nepal và một số nước Đông Nam Á. Ở VN, thần Ganesha có mặt trong hai nền văn hóa ảnh hưởng Hindu giáo là văn hóa Chăm Pa và văn hóa Óc Eo (Phù Nam) dưới những hình tượng điêu khắc rất đẹp. Tượng Ganesha bảo vật quốc gia là hiện vật minh chứng quan trọng cho sự du nhập sớm của Ấn Độ giáo vào vương quốc Chăm Pa.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết tượng Ganesha đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho đến nay được xem là bức tượng duy nhất thể hiện Ganesha ở dạng đứng được tìm thấy trong điêu khắc Chăm Pa tại VN. Các bức tượng Ganesha khác đã được phát hiện thường ở tư thế ngồi xếp bằng như: tượng Ganesha phát hiện tại tháp B3 thánh địa Mỹ Sơn vào năm 1903; tượng Ganesha phát hiện tại Trương Xá (Quảng Trị), tượng Ganesha phát hiện tại Cẩm Lệ (Đà Nẵng)…

Cũng theo hồ sơ bảo vật, một số chi tiết trang trí trên thân tượng cũng được thể hiện theo một cách thức rất riêng biệt, không giống với bất cứ tượng Ganesha nào khác được thấy cho đến nay trong nền văn hóa Chăm Pa của VN. Điều đó cho phép ta khẳng định đây là hiện vật nguyên gốc, độc bản.

Hồ sơ cũng nhấn mạnh về bố cục độc đáo của các chi tiết chạm khắc chung quanh bức tượng. Chẳng hạn, thắt lưng có ba dải tết lại và một khuy gài lớn hình chữ nhật mà ở đó khung cảnh trang trí nhiều họa tiết như các họa tiết trang trí ở đài thờ Mỹ Sơn E1. Mảng khắc tấm da hổ quanh hông cũng được khắc họa với đầu và chân hổ rõ nét. Rất hiếm thấy xuất hiện những chi tiết như vậy trên các điêu khắc Ganesha trong các nền văn hóa lân cận.

Trước khi trở thành bảo vật quốc gia, tượng Ganesha của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được mang đi giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2005, hiện vật này được đem sang Pháp triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật châu Á Guimet, Paris với giá trị bảo hiểm là 800.000 USD theo cam kết hợp đồng bảo hiểm của phía Pháp. Năm 2014, hiện vật được đem sang Mỹ triển lãm tại Bảo tàng Metropolitan, New York với giá trị bảo hiểm 800.000 USD theo cam kết bảo hiểm của phía Mỹ.

Theo thanhnien