Ông Trần là giáo viên giàu kinh nghiệm, có hai con trai Trần Định Nhất và Trần Hoằng Nhất, sinh viên Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa - hai trường top đầu Trung Quốc hiện nay.

Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con, ông Trần nhấn mạnh: "Tôi chủ yếu trau dồi cho con thói quen học tập từ bậc tiểu học. Khi thói quen được hình thành, trẻ sẽ có lực để tự học tốt ở các cấp học cao hơn".

                    Cặp song sinh nhà ông Trần. Ảnh: QQ.

Ông Trần khẳng định tiểu học đặt nền móng quan trọng cho đứa trẻ. Chỉ khi nền móng tốt thì công trình phía sau mới có thể vững chắc. "Nền móng" mà ông Trần nhắc đến bao gồm:

Trình tự học đúng

Theo ông Trần, trình tự học mà trẻ nên tuân thủ là ôn bài, làm bài, xem trước bài. Nhiều trẻ ham chơi, thường giở vở ra làm vội vàng bài tập rồi gập vở lại. Trẻ hay bỏ qua bước đầu và bước cuối của trình tự học, dẫn đến việc không nắm kỹ kiến thức đã học, không theo được nhịp độ dạy của giáo viên trên lớp.

Thạc sĩ Toán học tại Đại học Harvard Lý Phách Viễn cũng từng đề xuất phương pháp "4 giai đoạn" cho trẻ. Đó là đánh giá nhỏ (thực hiện hàng ngày), ôn tập giữa (mỗi tuần một lần, tập trung vào những chỗ chưa hiểu rõ để đảm bảo kiến thức vững), ôn tập tổng hợp (mỗi tháng một lần, nhằm phân loại kiến thức trong tháng), ôn tập trước kỳ thi lớn (xem lại các phần ôn tập tổng hợp).

Tạo thói quen xem lại bài sai

Những bài tập làm sai có thể phản ánh sơ hở trong quá trình học tập của trẻ. Cha mẹ nên tạo cho trẻ thói quen xem lại các bài mình đã sai, phân tích nguyên nhân, tìm cách làm đúng, từ đó "đóng khung" kiến thức đã học được để trẻ không mắc sai lần nữa.

Tạo cho trẻ thói quen ghi chép

Ghi chép cả ở trên lớp hay khi học ở nhà là quá trình tổng hợp, tóm tắt kiến thức trọng tâm và thiết lập chúng thành một cấu trúc. Quá trình này giúp trẻ nạp kiến thức vào đầu một cách vững chắc.

Một trong những điểm nhấn của việc dạy trẻ ghi chép là dạy học theo "sơ đồ tư duy" (Mind Map). Sơ đồ này cho phép trẻ chuyển văn bản dài thành dạng đồ họa đơn giản. Trẻ chỉ cần viết ra điểm chính, từ khóa quan trọng, đặc biệt trong các tiết học có nhịp độ quá nhanh. Nhờ thế, khi lên lớp cao, trẻ có kỹ năng tư duy vững chắc hơn.

Theo vnexpress