Scott Donnell là nhà sáng lập nền tảng vừa học vừa làm dành riêng cho trẻ em My First Sale, Chủ tịch của Apex Leadership (gây quỹ cho trường học) và CEO của Hapbee (công nghệ sinh học). Anh say mê tìm tòi và giải phóng "những yếu tố thiên tài" bên trong mỗi đứa trẻ. Từ kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến giáo dục, Scott khuyến khích các con tìm ra con đường thành công.
Tôi làm việc với nhiều doanh nghiệp, nhưng bạn tin không, điều tôi học được nhiều nhất lại đến từ việc làm móc khóa hồi năm lớp 3. Đó là những bước đầu tiên của tôi với tư cách một doanh nhân trẻ.
Tôi tin rằng mọi người không nhất thiết phải trở thành doanh nhân, nhưng mọi đứa trẻ đều có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ. Khi đã là cha của ba đứa trẻ, tôi sử dụng kinh nghiệm của mình để dạy các con thành công theo con đường riêng.
Khuyến khích trẻ trả lời câu hỏi "Tại sao?"
Mọi doanh nhân đều được thúc đẩy bởi câu hỏi "Tại sao", từ đó tìm thấy đam mê và động lực của mình. Tôi dạy con luôn đặt ra câu hỏi và tự tìm cách trả lời bởi tin rằng tò mò là chưa đủ. Thế giới hoạt động không chỉ dựa trên tiền bạc mà còn được thúc đẩy nhờ đam mê, sáng tạo của con người. Trẻ em là tương lai của chúng ta, sự tìm tòi của chúng có thể tạo ra những sản phẩm phi thường.
Để thực hiện phương pháp nuôi dạy này, bạn có thể bắt đầu bằng cuộc trò chuyện trong bữa tối. Bạn giải thích cho trẻ về lý do bạn đang làm việc này chứ không phải việc khác, và chúng mang đến lợi ích gì cho gia đình và cả thế giới. Sau đó, bạn đặt câu hỏi rằng chúng có đam mê và muốn giải quyết vấn đề gì.
Dạy về giá trị cộng đồng
Tạo ra hoặc tham gia vào một cộng đồng có chung sở thích, đam mê hoặc tương đồng về mục đích là yếu tố cần thiết để thành công. Trẻ em cần được hỗ trợ bởi những người khác cha mẹ. Tuy nhiên, những người này cũng cần yêu thương và khuyến khích, ủng hộ trẻ vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Sở dĩ đôi khi trẻ sẽ có nhiều chuyện không muốn chia sẻ với bố mẹ. Bạn nên tôn trọng điều này nhưng vẫn hướng cho trẻ tìm đến những người an toàn, tích cực. Đó có thể là bạn bè cùng trang lứa, những người họ hàng, cố vấn. Bản thân tôi cũng nhiều lần phải xin ý kiến và sự ủng hộ của cố vấn, chủ doanh nghiệp và một số nhân viên thân thiết.
Thúc đẩy học hỏi liên tục
Khao khát học tập, tìm tòi là kỹ năng sống quan trọng mà chúng ta cần truyền cảm hứng cho trẻ. Trẻ có sự tò mò sâu sắc về thế giới của chúng và đây là cơ hội để bố mẹ nuôi dưỡng điều đó, thúc đẩy thành động lực học hỏi liên tục, suốt đời.
Một số gợi ý tôi cho rằng sẽ giúp thúc đẩy, mở rộng việc học hỏi của trẻ: Giả tưởng ngôi nhà là con tàu vũ trụ, đặt câu hỏi trẻ sẽ làm gì để duy trì sự sống. Ngoài ra, bạn có thể để trẻ lập kế hoạch cho chuyến du lịch và quản lý chi tiêu.
Xây dựng thương hiệu gia đình
"Scott làm mọi thứ tốt hơn. Scott sáng tạo và có thể sửa chữa những gì bị hỏng". Đây là một trong những điều bổ ích nhất vợ chồng tôi đã dạy cho các con - xây dựng thương hiệu gia đình. Ba đứa trẻ nhà tôi biết điều tôi muốn được nhắc đến mỗi khi ai đó nói về gia đình nhà Scott. Điều này giúp chúng tự hào về gia đình, đồng thời biết điểm mạnh mà bố mẹ có thể hỗ trợ chúng trong quá trình tìm tòi lĩnh vực phù hợp bản thân.
Đôi khi thương hiệu gia đình không phải điều gì to tát, thậm chí đơn giản là "Mẹ tớ nấu ăn rất ngon" khi đứa trẻ muốn hãnh diện với bạn bè. Tuy nhiên, nếu không có, đứa trẻ sẽ không thể "nhận diện" được điều đặc biệt của gia đình mình, từ đó lạc lối trong việc xác định điều chúng đam mê.
Làm những gì đã nói
Gần đây, tôi nhận thấy mình ít tự sửa chữa đồ đạc vì quá bận rộn, thường gọi thợ đến sửa. Sau đó, tôi nhận ra nếu mình không làm những điều đó, làm sao đứa trẻ tin "Scott sáng tạo và có thể sửa chữa những gì bị hỏng"?
Vì vậy, tôi dành thời gian bên gia đình hơn, xem xét đồ đạc cho vợ và các con. Ngoài ra, tôi cũng chăm tập thể dục và rủ những đứa trẻ làm cùng. Khi bố mẹ làm được những gì mình nói, trẻ mới tin và có cơ sở học theo.
Biết hỗ trợ người khác
Những doanh nhân thành đạt luôn hỗ trợ người khác theo đuổi mục tiêu và đam mê chính đáng, tích cực. Khi tôi còn là một đứa trẻ, bố mẹ thường cho tôi 100 USD mỗi năm, yêu cầu tôi phải tìm người xứng đáng để trao tặng số tiền này. Thử thách này dạy tôi cách nhìn nhận, đánh giá để tìm ra người xứng đáng, đồng thời có thể giúp họ có niềm tin tiếp tục theo đuổi mục tiêu.
Tôi muốn những đứa trẻ của mình cũng được truyền cảm hứng về việc trở thành người cho đi chứ không phải người nhận. Việc này giúp chúng có sự nhân văn khi làm việc, không bất chấp hay chà đạp lên lợi ích của người khác để đạt được mục tiêu của mình.
Biết chấp nhận thất bại
Trước khi sở hữu những thứ hiện tại, tôi đã có gần chục mô hình kinh doanh khác và không phải tất cả đều thành công. Tôi luôn nhắc các con rằng thất bại là tốt, cần có. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng những gì đã trải qua rất quan trọng với thành công của tôi. Tôi khuyến khích trẻ không sợ thất bại bởi chúng giúp trẻ có sức mạnh, biết chấp nhận rủi ro trên con đường tìm đến thành công.
Theo vnexpress