Danielle Sabrina, người sáng lập Tribe Builder Media, một đại lý về tiếp thị kỹ thuật số, quan hệ công chúng và trải nghiệm. Là thành viên của Hội đồng cơ quan Forbes, Danielle đã chia sẻ góc nhìn của mình để giúp trẻ theo đuổi đam mê.
Là bà mẹ của hai thiếu niên, tôi tin rằng một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể nuôi dưỡng ở con mình là tính tò mò. Trẻ em có thiên hướng thích thú với thế giới xung quanh nhưng bố mẹ lại thường đóng vai trò ngăn cản, cố gắng nói chúng nên làm gì hoặc trở thành người như thế nào. Thay vì cản trở, tôi nghĩ rằng chúng ta nên khuyến khích trẻ khám phá niềm đam mê của mình.
Theo đuổi đam mê và làm những gì trẻ thích không phải lúc nào cũng dẫn chúng đến một công việc kiếm bộn tiền, nhưng chắc chắn nó có thể mang đến niềm vui, sự hạnh phúc. Đây là những cách bạn có thể làm để thúc đẩy trẻ theo đuổi đam mê của mình.
Làm gương
Nếu bạn muốn khuyến khích trẻ xác định và theo đuổi điều mình thích, hãy cho chúng thấy bạn cũng đang theo đuổi đam mê của mình. Nếu không biết ước mơ thực sự của mình là gì, đây có thể là cơ hội để bạn và trẻ khám phá cùng nhau.
Trong trường hợp đam mê của bạn là chạy bộ, uống cafe hoặc bất kỳ điều gì, hãy cho trẻ thấy bạn không chỉ dành thời gian cho điều đó, mà còn tìm cách thúc đẩy nó thành những việc làm có ích khác. Nếu trẻ bày tỏ đam mê với việc này, sau đó lại để tâm đến việc khác, hãy cho phép chúng vì ở lứa tuổi đó, việc chưa chắc chắn mình thực sự thích điều gì rất phổ biến.
Tạo thời gian và không gian
Giữa bài tập về nhà, thể thao và các hoạt động ngoại khoá, không phải lúc nào trẻ cũng có nhiều thời gian để khám phá sở thích cá nhân. Do đó, bạn hãy cho trẻ không gian và thời gian để sử dụng trí tưởng tượng của mình để thư gian, giải toả căng thẳng. Biết đâu, trẻ có thể tìm thấy đam mê trong chính những giây phút như vậy.
Hãy cho trẻ quyền được đưa ra quyết định nhiều nhất có thể. Theo tôi, khi đó, trẻ sẽ được truyền sự tự tin, cảm thấy mạnh mẽ, có thể thử một điều trước nay không dám vì sợ bị đánh giá. Sự tự tin sẽ mang đến nhiều cơ hội, giúp trẻ bước ra khỏi vùng an toàn để làm điều mình muốn.
Tôi luôn nói với hai con gái của mình rằng nếu không mắc lỗi, chúng sẽ không có cơ hội để hiểu thêm về mình và thế giới xung quanh. Chỉ khi không sợ mắc sai lầm, chúng ta mới tự tin và sống trọn vẹn cuộc sống cùng những trải nghiệm.
Khuyến khích trẻ cảm nhận theo cảm xúc của chúng
Bạn hãy hỏi trẻ xem chúng cảm thấy thế nào khi làm những việc mang lại niềm vui. Bằng cách đặt những câu hỏi này, bạn đang giúp trẻ neo giữ các mô hình tích cực trong hệ thống thần kinh của chúng, nói với bộ não và tiềm thức rằng "Tôi muốn trải nghiệm điều này nhiều hơn".
Khi giao tiếp và tìm hiểu về cảm xúc của trẻ, có thể bạn sẽ khám phá ra những cảm xúc rất riêng, điều bạn chưa từng nghĩ đến. Chẳng hạn, cậu con trai tâm sự mình thích mặc váy và muốn làm nhà thiết kế thời trang. Điều này có thể đi ngược với quan điểm của số đông hoặc của chính thành viên trong gia đình bạn.
Xét cho cùng, ngay cả khi là bố mẹ, chúng ta đều ngần ngại khi bị người khác đánh giá nên nhiều khi không làm theo sở thích, mong muốn của mình. Do đó, hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận những cảm xúc thật nhất của trẻ và giúp chúng tìm cách giải quyết.
Theo vnexpress