Châu Anh (Hàng trên bên phải) chụp ảnh cùng cô giáo và các bạn trường TH School.
Từng là cô học trò gầy gò, quê miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An, Nguyễn Châu Anh (sinh năm 2001) chưa bao giờ nghĩ có ngày được học bổng du học bốn năm 237.000 USD (hơn 5 tỷ đồng) của trường đại học danh tiếng Australia - SP Jain School of Global Management - ngành Quản trị kinh doanh.
Tốt nghiệp cấp hai, Châu Anh đỗ chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, em theo học trường làng. Khi đó, tâm trí cô học trò nhỏ chỉ nghĩ đơn giản sẽ như anh chị khóa trên - học ngày đêm, được tham gia các cuộc thi tỉnh, quốc gia để đạt giải cao, bù đầu ôn thi đại học, ra trường mong kiếm việc làm ổn định...
Tuy nhiên, sau khi nhập học ở quê hai tuần, Châu Anh nhận được học bổng toàn phần của TH School, một ngôi trường quốc tế mới hoàn thiện ở Hà Nội. "Thời điểm đó, nhiều người khuyên em ở lại vì trường mới quá, chưa biết chất lượng giảng dạy thế nào. Nhưng sau khi tìm hiểu, em đã quyết tâm theo môi trường học tập quốc tế mà em luôn mong muốn", nữ sinh Nghệ An nhớ lại.
Vốn sở hữu năng lực ngoại ngữ tốt, từng đạt nhiều giải thưởng và luôn đứng đầu lớp, nhưng khi bước chân vào trường mới, Châu Anh vẫn tự ti tiếng Anh.
Nữ sinh miền núi cho biết: "Giáo viên trong trường khi đó 100% là người nước ngoài, em nghe như 'vịt nghe sấm'. May mắn thầy cô đều nhẹ nhàng, luôn nhìn biểu hiện của học sinh để điều chỉnh cách dạy, cũng như giải thích cặn kẽ để em và các bạn bắt kịp chương trình. Nhờ vậy, hết kỳ một lớp 10, tiếng Anh của em đã cải thiện và có thể nghe hiểu hoàn toàn".
Tuy nhiên, với cô gái đến từ miền Trung này, điều thay đổi lớn nhất - không phải là khả năng sử dụng tiếng Anh mà là cách học. "Ở môi trường truyền thống, học sinh phụ thuộc vào giáo viên, nhiều bạn học với tâm lý để thi đối phó. Ở TH School, chúng em được chọn môn mình muốn học, không bắt ép. Hơn nữa, thầy cô chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, học sinh phải có ý thức tự học. Vì vậy, em luôn tập trung vào học bản chất từng môn, gắn với thực hành".
Theo đó, với các môn Hóa, Sinh, Châu Anh thường xuyên lên thư viện tìm kiếm tài liệu liên quan đến môn học, làm bài tập ngay tại lớp và đặt câu hỏi với giáo viên về những vấn đề em chưa rõ. Trường còn tạo điều kiện để Châu Anh và các bạn được thực hành những thí nghiệm mình muốn và có bài thi riêng về thực hành.
Châu Anh (Ngoài cùng bên trái) tại Hội chợ Xuân của trường.
Hiện tại, trong khi bạn bè ở nhà vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xét tuyển đại học, nữ sinh lại nhìn nhận mọi thứ nhẹ nhàng hơn vì đã chủ động cho kỳ thi này ngay từ đầu năm học. Châu Anh và các bạn cùng cấp tại trường được thầy cô hướng dẫn học để hiểu vấn đề, không phải chỉ để thi.
Cũng theo Châu Anh, nhờ trình độ tiếng Anh thành thạo cộng với bằng tú tài quốc tế (học tại trường) được đánh giá cao nên khi tìm kiếm các cơ hội du học, học sinh TH School có nhiều thuận lợi. "Thầy cô giáo chuyên trách thường xuyên tìm hiểu và tham gia các hội thảo du học để tư vấn cho học sinh, đồng thời chúng em cũng chủ động tham gia nhiều hoạt động xã hội. Trong trường còn có hội đồng học sinh và các câu lạc bộ, giúp học sinh thể hiện được khả năng lãnh đạo, quản lý – điểm cộng lớn trong hồ sơ xin học bổng các trường quốc tế", Châu Anh nói.
Suốt 3 năm cấp ba, Châu Anh còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ kinh doanh ở TH School, lọt top 20 cuộc thi Doanh nhân Teen năm 2017 và top 15 năm 2018...
Cũng là một trong những du học sinh tương lai nhận học bổng 90% trường Đại học Drexel, Mỹ, Nguyễn Trần Khánh Mai (Hà Tĩnh), sau 3 năm học ở TH School chia sẻ quan điểm về cách "học ngày, cày đêm". Theo nữ sinh, học khuya không chất lượng bằng học tại lớp và tranh thủ hỏi thầy cô về những vấn đề chưa rõ để nắm chắc kiến thức, hiểu bản chất vấn đề.
Khánh Mai (áo xanh ngồi giữa) trong một giờ học tại trường.
Khi học trong môi trường quốc tế, Khánh Mai thường tự hỏi "Tại sao học sinh Việt Nam phải học - thi nhiều. Thực tế, đối với những kiến thức phổ thông, chỉ cần tập trung học trên lớp là đã đủ", Khánh Mai khẳng định.
Nữ sinh chia sẻ thêm, ở TH school, thầy cô là người hướng dẫn, khơi gợi, học sinh không học thêm mà tập trung vào các bài tập có mục tiêu kiến thức cụ thể, có thực hành và tìm hiểu sâu vấn đề. Vì vậy, dù kiến thức rất nặng (trình độ Toán A Level tương đương với trình độ toán năm thứ hai đại học), hầu hết học sinh không bị rơi vào tình trạng "học ngày học đêm" hoặc học đối phó.
Chia sẻ thêm về kỳ thi A Level, Khánh Mai cho biết, em chọn 3 môn Toán, Lý, Kinh Doanh. Trong đó, nữ sinh ấn tượng với môn Kinh doanh bởi có nhiều trải nghiệm thực tế thú vị.
"Lớp 11, cô giáo cho cả lớp đi khảo sát thị trường, phát câu hỏi để thu thập thông tin, nghiên cứu một sản phẩm về làm đẹp. Sau khi làm bài tập, chúng em đã có cái nhìn khác, hiểu rõ hơn về thị trường mỹ phẩm. Em thấy những bài học thực tế này rất hữu ích và hấp dẫn", Khánh Mai nói.
Khánh Mai trong cuộc thi World Scholar's Cup tổ chức tại Đại học Yale (Mỹ).
Ngoài ra, điều nữ sinh Hà Tĩnh ấn tượng với ngôi trường quốc tế vì giáo viên luôn tôn trọng học sinh, không tâm lý áp đặt, coi trọng điểm số. "Khi mới vào trường, thầy Hennes, Nguyên Hiệu trưởng nhà trường, giáo viên dạy tiếng Anh đã nhắc nhở chúng em không học để chạy theo thành tích, không được so sánh bản thân với người khác. Thậm chí, thầy rất căng thẳng nếu chúng em hỏi điểm người khác. Thay vì thế, thầy muốn chúng em tự so sánh điểm của mình lần trước và lần này có tiến bộ hơn không", Khánh Mai cho hay.
Với thành tích học tập ấn tượng, Khánh Mai nhận được học bổng của 13 trường đại học khắp thế giới. Ước mơ trở thành cố vấn tài chính, nữ sinh chọn học ngành Tài chính của trường Đại học Drexel, Mỹ và sẽ nhập học vào tháng 9 tới.
Là giáo viên dạy môn Kinh doanh của Châu Anh và Khánh Mai, thầy Gordon William Robertson chia sẻ: "Nếu như Khánh Mai luôn có thái độ tích cực khi giải quyết vấn đề và làm việc nhóm thì Châu Anh khiến tôi ấn tượng bởi khả năng năng nghiên cứu độc lập tốt và luôn đặt câu hỏi khi em chưa hoàn toàn hiểu yêu cầu hay một khái niệm nào đó".
Thầy Gordon William Robertson cũng đưa ra một số quan điểm trong cách giảng dạy giúp học sinh vượt qua khó khăn khi học tiếng Anh, cũng như hiểu các khái niệm trừu tượng của môn Business. "Các bài giảng của tôi đều khá vui vẻ. Tôi luôn cố kể những câu chuyện liên quan trực tiếp đến cuộc sống của học sinh giúp các em hiểu hết khái niệm. Ngoài ra, những bài học của tôi đều có thảo luận nhóm, câu hỏi được định hướng cẩn thận và phù hợp với từng học sinh. Vì vậy, dù đã chuẩn bị giáo án cho mỗi tiết học, tôi thường thay đổi để phù hợp với tâm trạng, mối quan tâm của học sinh theo mỗi chủ đề, thầy Robertson cho hay.
Nói về những khác biệt của học sinh trong trường khi mới bắt đầu học và hiện giờ, thầy Robertson cho biết, mới đầu, các em luôn cảm thấy không chắc chắn và tự vấn những điều tôi dạy. Đến giờ, học sinh rất tin tưởng và yêu thích môn học này. Kỹ năng làm việc nhóm của các em cũng tốt hơn nhiều. Thầy cũng rất quan trọng việc xây dựng kỹ năng làm việc nhóm và sẵn sàng hỗ trợ các em khi cần.
Theo vnexpress