Ảnh: Shutterstock

Trang Reader's Digest liệt kê những cách dạy con trở nên độc lập, tự tin, lịch sự mà lại nhàn của phụ huynh Pháp.

1. Trẻ được tự do khám phá cuộc sống

"Tôi có thể làm được" là câu nói cửa miệng của nhiều trẻ em Pháp. Những năm đầu đời, trẻ được cha mẹ khuyến khích tự do khám phá cuộc sống và bản thân thông qua những hành động như vui chơi, tự tập đi xe đạp, ở nhà một mình. Cha mẹ Pháp đối xử với trẻ em như với người lớn, cho chúng tự làm mọi việc.

Họ tin rằng trẻ em cảm thấy tự tin hơn khi được làm chủ hành động và trực tiếp khám phá mọi thứ xung quanh. Khi phát hiện một điều mới thông qua thử thách, chúng sẽ ghi nhớ lâu hơn, có cảm giác đạt thành tựu và tin vào khả năng của chính mình. Nếu cha mẹ giúp trẻ vượt qua thử thách, chúng có thể quên ngay những khó khăn đó, không cảm thấy tự tin khi tự mình làm bất cứ việc gì.

2. Trẻ rất ít khi được khen ngợi

Không ít cha mẹ cho rằng, khen ngợi liên tục sẽ giúp trẻ cảm thấy được động viên, chia sẻ và có ý thức phấn đấu. Khen ngợi con là đúng nhưng nếu sai về tần suất có thể gây ảnh hưởng đến trẻ.

Cha mẹ Pháp không tiếc lời khen ngợi con nhưng tần suất rất ít. Họ chỉ khen ngợi khi con thực sự làm được một việc khó khăn mà không ai có thể làm được hoặc con đã vượt qua rào cản của bản thân để thực hiện. Ví dụ, họ không bao giờ khen ngợi khi trẻ biết nói, chỉ khen khi con nói những từ khó hoặc ý nghĩa.

Việc khen ngợi thường xuyên có thể khiến trẻ nảy sinh cảm giác tự mãn, nhưng nếu khen ngợi đúng nơi, đúng chốn, trẻ sẽ thực sự cảm thấy tự hào và trân trọng những nỗ lực của mình.

3. Tôn trọng thời gian cá nhân

Với người Pháp, trẻ em và cha mẹ là hai nhóm độc lập, có thói quen, tư duy hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, con cái không phải là tất cả của cha mẹ và ngược lại mỗi cá nhân đều có cộng đồng riêng, phải học cách hòa nhập và sinh hoạt trong cộng đồng của mình.

Cha mẹ Pháp ủng hộ con dành thời gian riêng cho bản thân và trẻ em Pháp cũng được dạy không được làm phiền cha mẹ vào thời gian riêng của họ. Ví dụ, buổi tối, trẻ em sẽ phải tự chơi một mình nếu cha mẹ bận xử lý công việc hoặc buổi sáng trẻ phải tự ăn trong khi cha mẹ chuẩn bị đi làm. Cha mẹ Pháp để con xây dựng tính độc lập, kỷ luật và hạn chế tối đa việc kiểm soát.

4. Thói quen ngủ lành mạnh

Cha mẹ Pháp hầu như không gặp khó khăn trong việc chăm trẻ sơ sinh qua đêm. Nếu nửa đêm trẻ tỉnh giấc, họ sẽ lờ đi, để trẻ tự tìm cách quay lại giấc ngủ. Vì được rèn luyện thói quen ngủ sớm và ngủ một mình từ nhỏ, trẻ em Pháp có thói quen đi ngủ rất nề nếp và dễ dàng chìm vào giấc ngủ.

Nhiều trẻ sơ sinh thường tỉnh giấc bất chợt giữa đêm, nhưng đó là những lần tỉnh giấc ngắn, trẻ có thể dễ dàng ngủ lại mà không cần sự can thiệp bên ngoài. Nếu phụ huynh dỗ thường xuyên bằng ti giả hoặc cho ăn, trẻ sẽ ỷ lại vào cha mẹ. Từ đó, khi lớn lên trẻ có thể gặp khó khăn khi ngủ một mình hoặc ngủ sớm.

5. Trái cây và rau quả là thực phẩm hàng đầu

Trẻ em Pháp rất giỏi ăn rau củ và trái cây, trái ngược với trẻ em nhiều nơi. Thói quen này được hình thành từ việc cha mẹ Pháp đưa rau củ vào bữa ăn của con từ rất sớm. Trẻ nhỏ bắt đầu ăn rau củ bằng cách xay nhuyễn. Khi lớn hơn, chúng sẽ ăn cơm cùng gia đình và cha mẹ Pháp luôn ăn rất nhiều rau, làm gương cho con.

Ngoài ăn rau, trẻ em Pháp được yêu cầu ăn nhiều loại thực phẩm để huấn luyện vị giác ngay từ nhỏ, tránh việc khảnh ăn hoặc bị dị ứng với thực phẩm. Phương pháp này cũng được người Nhật áp dụng trong nuôi dạy con, tạo ra những bữa ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho trẻ.

6. Trẻ được dạy cách cư xử lịch sự

Không giống như nhiều nước châu Âu và Mỹ coi mọi người bình đẳng và trẻ em có thể không chào hỏi mọi người, ở Pháp trẻ luôn được nhắc nhở phải cư xử lịch sự. Trẻ phải chào hỏi người quen khi gặp mặt, nắm rõ quy tắc ứng xử kính trên nhường dưới và tôn trọng những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Việc chào hỏi đối với trẻ em Pháp là vô cùng quan trọng. Khi tiếp xúc với một nhóm, trẻ vẫn phải đứng lên chào to, dõng dạc để khẳng định sự hiện diện của bản thân, từ đó góp phần xây dựng khả năng tự tin, kết nối với cộng đồng.

7. Đau đớn là cảm xúc tự nhiên

Trải nghiệm đau đớn là cơ hội tốt để khám phá cuộc sống vì cuộc sống không chỉ toàn những phút giây bằng phẳng. Nhiều cha mẹ cố gắng tránh cho con khỏi việc chịu đau đớn, tổn thương bằng cách giới hạn hoạt động của trẻ, nhưng điều này chỉ làm trì hoãn sự phát triển cảm xúc.

Trẻ em được dạy ăn rau từ sớm. Ảnh: Shutterstock

Cha mẹ Pháp quan niệm nỗi đau là một phần của sự phát triển, học cách chấp nhận đau đớn là một phần của sự trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Trẻ có thể bị thương nhẹ khi đá bóng hoặc bị xây xước khi tập đi xe đạp, nhưng cha mẹ hạn chế dỗ dành. Họ sẽ bày tỏ sự đồng cảm với nỗi đau đó và nhắc nhở con rằng đau đớn là một phần của cảm xúc.

8. Chấp nhận bị từ chối

Bạn đã bao giờ đứng trước tình huống con đòi mua một món đồ chơi, bạn nói "không" và chúng làm mọi cách để có được món đồ chơi đó, và rồi bạn đành nhượng bộ, mua cho chúng? Trường hợp này không ít cha mẹ mắc phải. Từ những ngày đầu phụ huynh không cương quyết, trẻ càng dễ lấn tới và dần dần nhận ra rằng càng hành động quá khích càng dễ có được đồ mình thích.

Cha mẹ Pháp không dạy con như vậy. Từ khi con còn nhỏ, họ cương quyết nói không với những yêu cầu của chúng. Thời gian đầu, trẻ sẽ khóc to, giận dữ nhưng cha mẹ không hề nhân nhượng.

Trải qua những lần đòi hỏi thất bại, trẻ hiểu rằng khóc to đòi mua đồ là vô nghĩa, khi cha mẹ nói không thì không thể suy chuyển được. Dần dần, trẻ học cách chấp nhận việc bị từ chối mà không lời than vãn. Thói quen này giúp trẻ trưởng thành trong khiêm tốn, bình ổn, hiểu rằng thế giới không xoay quanh mình, mọi người hoàn toàn có thể phớt lờ, từ chối những yêu cầu của chúng.

9. Quan điểm lạc quan về thế giới

Trẻ em Pháp tin rằng thế giới không chỉ đầy rẫy nguy hiểm như báo đài vẫn thường hay đưa tin. Chúng được dạy cách nhìn nhận thế giới công bằng, cả mặt tốt và mặt xấu và đề cao sự lạc quan trong cách sống.

Cha mẹ Pháp rất quan tâm đến sự an toàn của con. Họ biết rõ những vấn nạn xã hội như ấu dâm, nghiện ngập, nhưng không giống như trực thăng, bay lượn trên đầu con để giám sát.

Họ sẽ dạy con những bài học tự vệ, những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống từ khi còn nhỏ và để trẻ tự đối mặt với tương lai. Sẽ vẫn có những giới hạn, những quy định trong gia đình, nhưng cha mẹ cũng thúc đẩy, khuyến khích con khám phá cuộc sống, xoay sở với các vấn đề của riêng mình.

Theo vnexpress