Chị Nguyễn Thiện Từ Vinh, 30 tuổi, là chuyên viên phát triển dữ liệu và hệ thống báo cáo quản trị của Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm, New Zealand. Trước khi trúng tuyển vị trí này, chị từng bị gần 200 công ty lớn nhỏ từ chối.
Quyết tâm tìm được công việc dài hạn tại New Zealand, trong khoảng 3 tháng, chị Vinh đã thay đổi chiến lược xin việc. Kết quả, chị lần lượt công tác tại Bộ Điện lực, sau đó đến công việc hiện tại. Từ trải nghiệm của mình, chị Vinh chia sẻ kinh nghiệm làm hồ sơ xin việc tại các công ty lớn.
Biết mình thích gì
Trước khi gửi hồ sơ, bạn cần xác định lĩnh vực yêu thích là gì, từ đó tìm việc liên quan. Mình nghĩ không nên vì thu nhập hấp dẫn mà quên đi mục đích lớn. Bạn cần biết thế mạnh và sở trường của mình rồi nộp hồ sơ vào những vị trí có thể phát triển nó. Thời điểm bắt đầu có thể khó khăn, nhưng chúng ta sẽ nhận được thành quả lớn sau này.
Trong thời gian làm việc tại siêu thị, mình được mời vào vị trí quản lý nhưng đã từ chối để tiếp tục làm lao công. Mục đích là để tiếp tục hai việc thực tập không lương, nhưng phù hợp với ngành học. Mình nghĩ đôi khi phải từ bỏ sự an toàn, dấn thân vào chặng đường khó khăn hơn thì mới gặt hái thành công.
Khi đi học, bạn nên tìm hiểu về lĩnh vực thật sự muốn làm để tập trung khai thác, chứ không thể nói chung chung. Khi chọn việc, bạn luôn phải hỏi nó liên quan gì đến ngành học của mình, cung cấp cho mình thêm kỹ năng gì. Chẳng hạn, Quản trị kinh doanh là ngành rộng, bạn muốn ra trường làm quản trị nhà hàng, khách sạn hay quản lý hệ thống giao dịch? Nếu định nghĩa rõ từ đầu, con đường học vấn và tìm kiếm kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ của bạn sẽ thuận lợi hơn.
Học hỏi kinh nghiệm
Trong thời gian bị gần 200 công ty từ chối, mình tham gia rất nhiều workshops, hội thảo miễn phí về kỹ năng xin việc, gặp những nhà tuyển dụng để học hỏi kinh nghiệm. Mình cũng có thể liên lạc với những người đang công tác trong lĩnh vực mình quan tâm để nghe chia sẻ kinh nghiệm về ngành nghề và biết những kỹ năng cần có, từ đó bổ sung hoặc đầu tư phát triển.
Mình nghĩ đây là cách tiết kiệm và có thể đem đến cho bạn những cơ hội không ngờ. Bạn nên tận dụng những mối quan hệ đang có và trở nên năng động, chăm chỉ hơn để tìm được công việc ưng ý.
Không làm sẵn CV
Mình không chuẩn bị sẵn CV mẫu để gửi cho 200 công ty. Thay vào đó, mình làm một bản nháp gốc, lưu trữ mọi kinh nghiệm có được, rồi viết theo sát yêu cầu cụ thể của công việc (job description). Với mỗi việc, mình sẽ cân nhắc khi điền kinh nghiệm làm việc, không liệt kê toàn bộ mà chọn những cái liên quan đến vị trí mình muốn ứng tuyển.
Hãy biết cách nhấn mạnh vào những thành tựu và giá trị bạn đóng góp cho công cũ/hiện tại. Chẳng hạn, thay vì viết "Tôi có kỹ năng phỏng vấn, viết tin, bài trong lĩnh vực báo chí", bạn có thể thay bằng "Tôi đã biết 1.000 bài báo, trong đó 300 bài trên 2.000 lượt chia sẻ, 200 bài có 100 lượt bình luận của độc giả. Trong 50 nhân vật tôi phỏng vấn, 10 người công tác tại những vị trí chủ chốt của chính phủ". Khi đó, nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng với CV của bạn hơn.
Chuẩn bị trước cho buổi phỏng vấn
Mình gợi ý cách trả lời cho một số câu hỏi phỏng vấn phổ biến. Thứ nhất, "Tại sao bạn nộp vị trí này?". Bạn cần hiểu rõ yêu cầu cụ thể của công việc, lấy từ khóa và tìm hiểu tiêu chí nào phù hợp với mình. Ngoài ra, hãy tìm hiểu về thành tựu của công ty, xem cái nào khiến bạn hào hứng, phù hợp với tiêu chí bản thân và là động lực khiến bạn muốn đóng góp vào thành công của tập thể đó.
Ví dụ, Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm New Zealand, nơi mình đang công tác, được sáp nhập từ bốn bộ khác. Mình thấy rằng nơi đây có nhiều cơ hội học hỏi, làm việc đa lĩnh vực. Trong buổi phỏng vấn, mình đã trả lời như sau: "Vì là người ham học hỏi, đồng thời đã có kinh nghiệm tại nhiều vị trí, tôi nghĩ mình có thể học được nhiều thứ. Ngoài ra, với kinh nghiệm quản lý hệ thống, tôi tin mình có thể giúp công ty tăng năng suất, liên kết các nhóm làm việc tốt hơn". Khi trả lời câu hỏi này, bạn đừng quên lồng ghép thông tin về thế mạnh của mình.
Thứ hai, những câu hỏi về mức lương. Trước khi đến phỏng vấn, bạn cần tìm hiểu về công việc này, mức lương trung bình trên thị trường. Nếu được hỏi muốn đề xuất mức lương bao nhiêu trong buổi phỏng vấn, bạn có thể "câu giờ" bằng cách hỏi ngược lại nhà tuyển dụng: "Theo anh, chị, với khả năng và kinh nghiệm của em thì anh, chị nghĩ mức lương như thế nào là phù hợp?".
Trường hợp họ bắt bạn trả lời, hãy căn cứ vào thông tin bạn đã tìm hiểu, đưa ra một khoảng lương thay vì con số cụ thể. Số lương thấp nhất nên lấy từ mức trung bình của thị trường, còn con số cao nhất nên căn cứ vào thực lực của bạn cũng như số lượng công việc mà công ty yêu cầu bạn thực hiện.
Nếu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương thấp hơn khoảng bạn đưa ra, hãy hỏi về những lợi ích khác mà công ty mang lại, chẳng hạn các khóa học, training miễn phí, phụ cấp, phúc lợi xã hội... Nếu cảm thấy những lợi ích này xứng đáng, bạn có thể đồng ý. Ngược lại, bạn nên suy nghĩ là có nên vào một công ty thu nhập thấp hơn mức trung bình thị trường và không có bất kỳ lợi ích nào hay không.
Thứ ba, câu hỏi về điểm yếu. Bạn nên trung thực khi nói về điểm yếu. Trong buổi phỏng vấn, mình đã nói điểm yếu là giao tiếp, đôi khi trong công việc không hiểu các thuật ngữ kỹ thuật nên mình có thể hỏi lại nhiều. Nhưng bên cạnh việc nói về cái bạn không giỏi, đừng quên nhấn mạnh bạn sẵn sàng khắc phục, hoàn thiện nó. Hãy thể hiện bạn luôn cầu tiến, cố gắng hoàn thiện bản thân.
Ngoài ra, trong những cuộc phỏng vấn đôi khi nhà tuyển dụng sẽ hỏi những câu không liên quan. Mình từng bị hỏi nếu được chọn là một con vật, bạn sẽ là con gì. Khi đó, bất kỳ trả lời ra sao, hãy khéo léo lồng ghép điểm mạnh của bản thân trong đó. Mình đã trả lời muốn làm một con mèo vì mèo lúc nào cũng chủ động, hiếu kỳ và luôn muốn khám phá, tìm hiểu những cái mới.
Theo vnexpress