Loạt ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Thái Lan, Sarawut Intarob, 37 tuổi, cho thấy một phụ nữ Suri đội chiếc mũ làm bằng sừng động vật, miệng đeo miếng đất sét có đường kính khoảng 5 cm. Ở một bức ảnh khác, đôi môi của một người phụ nữ bị teo lại sau nhiều năm đeo loại trang sức này.

Một người phụ nữ Suri chèn tấm đất sét lớn vào môi dưới. Ảnh: Sarawut Intarob.

 

"Điều khiến tôi sốc nhất là truyền thống xỏ khuyên vào miệng của họ", nhiếp ảnh gia người Thái cho biết. "Khi ở tuổi thiếu niên, các cô gái sẽ quyết định xem họ có muốn đặt những tấm gỗ hoặc đất sét lớn trong miệng không. Họ tin rằng điều đó sẽ làm cho một người phụ nữ đẹp hơn", Intarob nói thêm.

Intarob đã tới thăm bộ lạc Suri Baale trong 9 ngày hồi tháng 1/2020, và cảm thấy con người và văn hóa ở đây "đẹp nhưng lạ".

Đôi môi của một người phụ nữ bị teo lại sau nhiều năm đeo khuyên đất sét. Ảnh: Sarawut Intarob.

 

Người Suri Baale sống ở phía tây thung lũng Omo, Ethiopia có chung ngôn ngữ với các nhóm dân tộc Chai và Timaga; được gọi chung là Surma. Họ không tiếp xúc với thế giới bên ngoài và cách thành phố gần nhất của Arba Minch, Ethiopia gần 100 km.

Thậm chí rất ít người của bộ lạc biết Amharic - ngôn ngữ chính thức của Ethiopia. "Họ vẫn sống bình thường và giữa thế kỷ 21, họ vẫn giữ truyền thống văn hóa của tổ tiên", Intarob cho biết.

Ở tuổi dậy thì, hầu hết các cô gái đều phải nhổ hai chiếc răng ở hàm dưới để kéo môi dưới giãn ra và chèn tấm gỗ hoặc đất sét vào. Điều này thường xảy ra một năm trước khi họ kết hôn. Thậm chí, đôi khi có bốn chiếc răng bị loại bỏ để tạo không gian cho một tấm lớn hơn được chèn vào, vì người ta tin rằng kích thước đại diện cho tầm quan trọng của kinh tế và xã hội đối với bộ lạc.

Các tấm đất sét với đường kính khoảng 40 cm lần đầu tiên được trao cho trẻ em khi chúng mới 12 tuổi. Chiếc đĩa càng lớn, cha của cô gái càng có thể đòi hỏi của hồi môn khi con gái lấy chồng. Đối với người Suri, gia súc vô cùng quan trọng và giá trị của đàn ông trong bộ lạc bản địa được tính bằng số lượng bò anh ta sở hữu.

Tập tục đau đớn này trở nên ít phổ biến hơn ở thế hệ phụ nữ trẻ Suri. Phụ nữ và trẻ em trong bộ lạc cũng thường làm đẹp cho mình bằng các mẫu đất sét trắng và hoa trên đầu. Nhưng không một ai biết tại sao có nghi thức đeo đĩa đất sét ở môi. Một giả thuyết cho rằng điều này giúp ngăn cản nô lệ lấy phụ nữ.

Một nhóm đàn ông người Suri trang trí cơ thể bằng đất sét, đứng canh gác bộ lạc trên một cây trơ trọi lá. Ảnh: Sarawut Intarob.

 

Là một trong những bộ lạc bản địa hung dữ nhất trên thế giới, để chiến đấu và tồn tại trên lãnh địa của mình, người Suri phải sở hữu đàn gia súc lớn. Cho đến khi được sáp nhập vào Ethiopia năm 1897, bộ tộc này đã sống ở biên giới Sudan-Ethiopian từ đầu những năm 1800 và họ cho gia súc ăn trên đồng cỏ ở Sudan.

Các làng Suri có khoảng từ 40 đến 2.500 người và các cuộc họp của làng được dẫn dắt bởi những người lớn tuổi và komoru - người đứng đầu nghi lễ. Bộ lạc Suri cũng có một số truyền thống gây đau đớn khác bao gồm khắc sẹo và đấu gậy.

"Họ trang điểm bằng cách trộn đất sét màu với nước và thoa chúng lên cơ thể. Mục đích ban đầu là để chống các loại côn trùng khác nhau", Sarawut cho biết. "Nhưng dần dần nó trở thành một phần văn hóa và vẻ đẹp của họ. Đôi khi họ cắm hoa trên đầu để kỷ niệm các sự kiện tôn giáo như tân gia và đám cưới. Và khuôn mặt được sơn bằng đất sét trắng để bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng mặt trời".

Nhiếp ảnh gia Sarawut chỉ được phép đến thăm bộ lạc nếu có hai người hướng dẫn đi cùng mọi lúc. Điều này không khiến anh bất tiện mà chỉ cảm thấy thực sự ấm áp. "Họ rất hào hứng khi gặp chúng tôi. Bất chấp rào cản ngôn ngữ, họ thân thiện với khách du lịch và mỉm cười khi thấy chính mình trong máy ảnh", anh nói.

Theo Ione