leftcenterrightdel
 Alisa Phạm, 11 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Công nghệ Auckland (AUT). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô bé có mái tóc ngắn ôm lấy gương mặt bầu bĩnh thường cười khúc khích trong cuộc phỏng vấn online. Mỗi khi khó diễn đạt bằng tiếng Việt, Alisa Phạm (Phạm Vi An) lấy tay che mặt, cười.

Từ khi được biết tới là "thần đồng", Alisa chăm soi gương và luôn chọn quần áo đẹp mỗi khi ra đường.

11 tuổi, Alisa vượt qua kỷ lục của chị gái Vicky Ngo (Ngô Ngọc Châu), trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất Đại học Công nghệ Auckland (AUT) - ngôi trường có lịch sử 120 năm. Alisa và Vicky đều là thành viên của Mensa (tổ chức của những người có điểm IQ cao hơn 98% nhân loại) và được Tổ chức Thần đồng Thế giới (Global Child Prodigy Award) công nhận là thần đồng. Họ không phải chị em ruột và hiện sống cùng mẹ, cũng là người giám hộ hợp pháp, tại New Zealand.

Người giám hộ của hai bé làm việc trong lĩnh vực tài chính, không chia sẻ kỹ về danh tính cũng như cuộc sống riêng. Chị cho biết gặp Vicky từ khi con chưa phát lộ khả năng đặc biệt. Khi Vicky nổi tiếng, chị được nhiều người hỏi về cách chọn lọc để nhận được những người con nuôi tài năng.

"Nhiều người hiểu sai cơ duyên của hai mẹ con, nghĩ rằng tôi nhận con nuôi có mục đích, tính toán", người mẹ giải thích lý do ẩn danh, để tránh gặp những câu hỏi gây tổn thương với ba mẹ con.

Bốn năm trước, Alisa từ Việt Nam đến New Zealand cùng mẹ và chị Vicky trong một chuyến đi ngẫu hứng thăm... chim cánh cụt. Sau một vòng dạo chơi Auckland, hai chị em muốn ở lại đây. Alisa khi ấy học lớp 2, biết đọc và tập tô, trong khi Vicky lên lớp 6. Cả hai sau đó được nhận vào một trường công lập tại thành phố Auckland.

Không biết tiếng Anh nên những tuần đầu, hai chị em chơi với nhau vì không có bạn. Thấy các con chưa thể hòa nhập, người mẹ gợi ý "năm câu hỏi thần kỳ" để làm quen.

"Mẹ dạy năm câu hỏi về ý nghĩa cái tên, món ăn yêu thích, bạn đến từ vùng đất nào, chơi môn thể thao gì và thích cuốn sách nào nhất. Tuy nhiên mới áp dụng hai câu đầu, em đã quen được cả lớp", nữ sinh năm nhất chuyên ngành Xây dựng thương hiệu và quảng cáo kể.

Theo Alisa, Phạm Vi An nghĩa là "bình an, hạnh phúc nho nhỏ", còn Ngô Ngọc Châu là "viên ngọc nhỏ". Hai chị em giải thích tên mình và đặt câu hỏi về ý nghĩa tên của các bạn trong lớp.

Tò mò, những đứa trẻ về hỏi bố mẹ để hôm sau giải thích với Alisa và Vicky. Khi đã thu hút được sự chú ý, hai chị em tiếp tục câu thứ hai về món ăn yêu thích. Cứ thế, sau hai tháng, Alisa và chị có thể trò chuyện với bạn bè bằng tiếng Anh.

Ở trường, chị em Alisa được đánh giá xuất sắc theo hai tiêu chí: học lực và các kỹ năng mềm. Giáo dục New Zealand chú trọng tính toàn diện, nên ngoài học lực, học sinh được xếp loại dựa trên sáu kỹ năng, gồm: Intentional - Chủ động trong môi trường học, Collaborative - Hợp tác và làm việc nhóm, Curious - Sự hiếu học, Resourceful - Khả năng xử lý tình huống, Connected - Khả năng tạo mối quan hệ và Invested - Khả năng làm việc bài bản.

Vicky có não trái, IQ cao, thiên về tính toán; còn Alisa phát triển não phải, EQ cao, có khả năng ngôn ngữ, sáng tạo và nghệ thuật. Vicky học vượt từ lớp 7 lên lớp 9 và vào thẳng AUT năm 13 tuổi. Được truyền cảm hứng từ chị, Alisa hoàn thành cấp một và cấp hai trong ba năm, cấp ba trong 10 tháng.

Em chỉ mất bốn năm để từ lớp hai vào đại học. Alisa giải thích, em học vượt cấp dễ dàng vì chương trình của New Zealand có tính ứng dụng và đề cao sự sáng tạo của học sinh. "Em cũng muốn tiết kiệm tiền, bằng cách học vượt, để mẹ đỡ vất vả", Alisa nói.

leftcenterrightdel
 Alisa (thứ hai, phải sang) và chị gái cùng Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Auckland - Derek McCormack (trái). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Muốn vào đại học ở New Zealand, Alisa phải hoàn thành 80 tín chỉ. Trong khi đó, tháng 8-11/2021, Auckland bị phong tỏa vì dịch bệnh. Thời điểm ấy, Alisa mới xong 21 tín chỉ. Đầu tháng 11, khi quay lại trường, Alisa đã hoàn thành số tín chỉ còn thiếu.

Thông thường, học sinh có ba năm để hoàn thành 60 tín chỉ, Alisa chỉ mất bốn tuần. Như thế, em phải làm sáu bài kiểm tra mỗi tuần. "Thầy cô đều nói chuyện này quá khó nhưng em vẫn kiên trì và cố gắng", Alisa nhớ lại.

Alisa thường bị lạc vì trường quá rộng nên AUT phải đặt ra hệ thống hỗ trợ em, tương tự hệ thống họ từng thiết lập cho Vicky. Trong cuộc phỏng vấn với NZ Herald hồi tháng 3, Alison Sykora, người phát ngôn của AUT, cho biết trường có hệ thống phần mềm có định vị cho Alisa và Vicky, bố trí nhóm bảo vệ 10 người hộ tống các em đến lớp và các hoạt động trong trường.

Ngoài ra, nhóm năm sinh viên khóa trên sẽ thay phiên ngồi cạnh bé trong lớp, quan sát xem em có hiểu bài không và làm báo cáo độc lập với trường. Mẹ bé cũng đến lớp và tham gia khóa học cùng con.

Hàng tuần, Alisa có ba buổi gặp giáo viên tâm lý để đánh giá xem liệu em có thích nghi được với việc học hay không. Nếu có biểu hiện căng thẳng hay quá tải, Alisa sẽ được dừng lại.

Người mẹ cho biết thêm, khi nhận Alisa vào học, từ đầu năm, trường đã bàn bạc với giáo viên bộ môn, dựng lại ví dụ trong bài học, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của bé. "Giáo trình học của Alisa không có ví dụ về bạo lực hay tình dục", người giám hộ của cô bé nói.

Thầy Andrew Codling, trưởng Văn phòng Hiệu trưởng AUT, bày tỏ hạnh phúc khi đồng hành với Alisa và Vicky. "Tôi tự hào khi chứng kiến Vicky hoàn thành đại học, cao học và giờ chuẩn bị bậc tiến sĩ. Cô bé sẽ trở thành nhà nghiên cứu trẻ nhất New Zealand sau khi tốt nghiệp và Alisa cũng vậy", thầy Codling chia sẻ.

Lớp của Alisa có 60-70 sinh viên, tuổi trung bình 23. Alisa đặc biệt thích môn Thiết kế. Cô bé thoải mái tương tác cùng bạn học lớn tuổi nhưng thiếu hứng thú với bạn bè cùng lứa.

"Hồi cấp 3, em có nhiều bạn thân là người bản địa, vẫn giao tiếp với bạn cùng tuổi nhưng không hứng thú với các chủ đề. Thay vì bàn luận về chương trình mới trên Netflix, xu hướng trên TikTok, em muốn biết làm thế nào để sở hữu một công ty như vậy", Alisa nhớ lại.

Cuối tuần, cô bé thích chơi game online, bóng quần, bơi lội, vẽ và ôm bốn con chó bông đi ngủ.

Alisa được rèn sống tự lập và biết quản lý chi tiêu từ nhỏ. Sau khi đến New Zealand, hai chị em được mẹ mở tài khoản ngân hàng. Vicky phụ trách những khoản lớn như thuê nhà, tiền ăn; Alisa trả tiền điện, nước, Internet... Hàng tháng, mẹ sẽ chuyển tiền vào hai thẻ. Nếu tiêu khéo, thừa ra một khoản, các con sẽ được sử dụng để mua món đồ yêu thích.

"Tôi chấp nhận việc các con đánh mất thẻ, chuyển nhầm tiền... nhưng bằng cách này, các bé biết lên kế hoạch, trở nên độc lập, trưởng thành và có trách nhiệm hơn", người mẹ nói, cho biết ba năm qua chị không còn phải bận tâm với quản lý chi tiêu vì mỗi tuần hai bé gửi báo cáo từng hạng mục.

leftcenterrightdel
 Vicky và Alisa (thứ hai và ba, trái sang) trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài học, Alisa và Vicky dành hai ngày cuối tuần tham gia hoạt động thiện nguyện của Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái, trao tặng sách cho các bạn nhỏ ở Việt Nam. Cả hai là sáng lập viên Ngôi nhà trí tuệ New Zealand, tổ chức các lớp học Toán, tiếng Anh, phương pháp học tập miễn phí cho học sinh khó khăn.

Hai bé cũng đang điều hành quỹ từ thiện Gamma Soldiers tài trợ cho các bạn nhỏ tài năng có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam và bảo trợ cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Ước mơ lớn nhất của Alisa là trở thành luật sư. "Em sẽ quay về Việt Nam sống và làm việc. Em dự định học nhanh để có bằng đại học trong hai năm", Alisa nói.

Theo vnexpress