Nhà có một thằng con trai hiếu động đang học lớp 2, kiểu gì chị cũng phải chuẩn bị cho tình huống sẽ bị cô giáo… mắng vốn!
|
Con trai đi học chơi cùng bạn xấu khiến mẹ lo lắng con sẽ hư giống bạn (Ảnh minh họa) |
Ba tuần học trôi qua không đến nỗi, nhưng có hôm con trai vừa được mẹ đón ở cổng đã hồn nhiên "méc": “Bữa nay cô phạt con với mấy bạn kia đứng hết giờ ra chơi vì tụi con nói chuyện trong giờ học”. Mặt con xụ xuống như bánh bao chiều khiến chị cố nín cười nhưng không thể ngừng tò mò. “Tụi con có chuyện gì mà phải nói trong giờ học, không thể nhịn đến lúc ra chơi nói à?”.
“Không được đâu mẹ, tụi con đang xin uống ké trà sữa của bạn Lộc mà, để tới ra chơi là tan đá hết”, con nói. À thì ra lại thêm cái tội lén cô ăn vụng trong lớp nữa. Chị chỉ biết lắc đầu ngao ngán dặn con bữa sau đi học không được tái phạm.
Rồi con cũng nhớ lời mẹ dặn được khoảng… 1 ngày. Tối hôm sau nữa, cô giáo gọi cho chị. Cô nói trên lớp con không tập trung nghe cô giảng, ngồi nghịch hết bút thước rồi lấy giấy xếp máy bay. Còn một chuyện động trời hơn là vừa rồi cô nghe con nói tục, nói bậy. Lúc này, chị hoang mang thật sự. Từ lúc nhỏ đến giờ, chưa khi nào chị nghe con trai thốt lên một tiếng bậy bạ nào. Nên điều cô giáo “méc” thật sự làm chị choáng váng.
Ở nhà, con chỉ có chị Hai để chơi cùng. Chị Hai lên lớp 9, hiền ngoan có tiếng trong lớp. Vợ chồng chị thì tuyệt nhiên không rồi. Từ nhỏ, ông bà ngoại đã dạy dỗ chị rất kỹ lưỡng, một dạ hai thưa với người lớn và cấm kỵ nói tục, nói bậy. Chồng chị cũng vậy. Dù có ra ngoài ra lệnh oang oang với thợ thầy, nhưng khi ở nhà với con, anh là một người cha mẫu mực. Anh chưa bao giờ cãi nhau với chị trước mặt con, cũng không khi nào văng tục.
Ở nhà, con chỉ được xem YouTube trên tivi dưới sự kiểm soát của hai vợ chồng chị. Những kênh con theo dõi, phần nhiều là những kênh phù hợp cho trẻ con như Tonytv, hoạt hình, cách giải rubik, khám phá tự nhiên…
Nhà chị cách biệt với hàng xóm, phần vì chị không thích qua lại với những người thuê trọ “nhiều chuyện”, nên chị cũng không cho phép hai đứa con la cà ra đường. Vậy thì, con chị nhiễm thói xấu nói tục từ ai, ngoài những đứa bạn học chơi chung trên lớp?
|
Con chị nhiễm thói xấu nói tục từ ai, ngoài những đứa bạn học chơi chung trên lớp? (Ảnh minh họa) |
Những lần rước con, chị để ý kỹ hơn những đứa bạn cặp kè ra cổng cùng con mình. Rồi chị sững người khi nhận ra cậu bé tên Lộc - người bạn ngồi cùng bàn với con trai. Cậu bé đang ở cùng cha mẹ trong khu phòng trọ phức tạp nhất xóm chị. Lộc thản nhiên nói tục khi đi cùng con chị ra cổng. Mới tí tuổi đầu nhưng Lộc có tính láu cá, loi nhoi nhất lớp. Năm học trước chị nghe cô giáo cũ than phiền mình bị phụ huynh nhiều em khác gọi điện méc Lộc có “động tay động chân” với con họ.
Chị âm thầm tìm hiểu về gia đình cậu bé này. Ba mẹ Lộc đều là thợ hồ và phụ hồ. Hai người cũng khá “nổi tiếng” trong xóm bởi nhiều lần choảng nhau với hàng xóm khi bị họ than phiền việc nhậu nhẹt, hát karaoke đến nửa đêm. Ba Lộc là người đàn ông nói tục như hát hay. Nguồn cơn là đây chứ đâu! Chị thở dài ngao ngán.
Chị trăn trở suốt nhiều ngày nay về việc làm sao để tách con trai mình ra khỏi Lộc. Chị đã thử đề nghị cô giáo đổi chỗ ngồi cho con chị. Nhưng cô giáo nói không cần, trên lớp cô quản được. Có đổi chỗ ngồi, mấy đứa cũng tụm vào chơi với nhau đó thôi.
Chị theo dõi con trai sát sao hơn. Cậu bé vẫn là đứa con trai kháu khỉnh dễ thương như trước đây. Thời gian ở nhà, con chưa hề mở miệng nói tục. Nhưng rồi chị lo sợ mơ hồ, dù chị uốn nắn con kỹ lưỡng, nhưng thời gian con kề cận bạn trên lớp học rất dễ lây nhiễm thói xấu của bạn. Và rồi một lúc nào đó, con sẽ bật ra thói xấu ấy từ trong tiềm thức, dù khi bên cạnh ba mẹ, người thân, con luôn ngoan hiền.
Chị cũng không thể tự tiện đề nghị ba mẹ Lộc uốn nắn lại con mình. Nói vậy khác nào chị đang tạt nước lạnh vào mặt họ. Hậu quả có khi thật khó lường.
Theo phụ nữ TPHCM