Britney Spears năm 2019 - Ảnh: Reuters
"Nơi đây, bạn rời khỏi ngày hôm nay để tiến vào thế giới của hôm qua, của ngày mai, và những điều kỳ ảo" - dòng chữ ở bên ngoài công viên giải trí Disneyland có lẽ là câu thần chú "vừng ơi mở ra" của cả thế giới Disney nói chung. Ta bước vào, bỏ lại hiện thực đằng sau và sống trong những hứa hẹn về những thứ tốt đep.
Britney Spears không phải người duy nhất bị mắc kẹt trong miền đất tưởng tượng ấy. Có bao nhiêu nàng công chúa Disney thực sự hạnh phúc? Demi Lovato nghiện rượu. Selena Gomez trầm cảm.
Miley Cyrus trải qua những tháng năm nổi loạn. Lindsay Lohan trượt dài trong tiệc tùng thác loạn. Vậy mà khi Britney xin lỗi vì "giả vờ mình ổn", đó vẫn giống như một trận động đất lật nhào mọi ảo tưởng về sự diệu kỳ.
Có lẽ là bởi trong số những ngôi sao từ Disney, Britney Spears là sự diệu kỳ lớn nhất, biểu tượng pop đầu tiên trong thời đại truyền thông, người đã thay đổi thế giới chỉ bằng cách mặc bộ đồng phục học sinh, tết tóc hai bên và nhảy múa khi giờ học kết thúc.
Bản nhạc ...Baby one more time phát hành năm 1999 là một cú ngoặt của văn hóa tuổi teen thập niên 1990 vốn ghi dấu với sự trỗi dậy của rap, cơn thịnh nộ của alternative rock và thái độ chống trả thế giới của Kurt Cobain.
Khi MV của ...Baby one more time phát hành, tất cả những ai sống vào thời điểm ấy hẳn không thể quên được ba hợp âm đầu trên đàn piano kéo tuột ta vào ca khúc, chất giọng như kẹo đường của nữ ca sĩ trẻ và gương mặt ngây thơ mà dẫn dụ tựa một nàng Lolita bình dân của tầng lớp trung lưu.
Những thiếu nữ thấy mình trong cô. Những chàng trai tìm người tình trong mộng nơi cô. Cái tên của Britney không khác gì tên một thương hiệu nước ngọt, một thương hiệu thời trang. Và từ cô, một chương mới của chủ nghĩa pop đã bắt đầu.
Bạn trai Sam Asghari cổ vũ Britney tại phiên tòa bằng cách đăng ảnh mắc áo in chữ "#FreeBritney" lên Instagram - Ảnh: FILMMAGIC
"Ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi", những dòng Nabokov mô tả Lolita vô hình trung phù hợp hoàn toàn với nàng công chúa tóc vàng. Sự yêu mến dành cho Britney là một sự giằng xé.
Những câu hát như Oh baby baby, ta vừa hiểu nó không hề nghiêm túc nhưng mặt khác nó vẫn đóng đinh vào tâm trí ta. Cách cô nhảy với một con rắn bạch tạng trên vai cuốn ta theo từng chuyển động dù ta đánh hơi được mùi vị nguy hiểm.
Tour diễn Circus đi đến đỉnh cao nghệ thuật pop như các tác phẩm của Andy Warhol thì làm ta ngấu nghiến.
Khán giả ngờ ngợ nhận ra có gì đó sai trái khi say đắm hình ảnh thiếu nữ 18 tuổi phô bày hình thể trên trang bìa tạp chí Rolling Stone, mặt khác khán giả vẫn cứ khao khát nhiều hơn mọi thứ về cô: âm nhạc, vũ điệu, câu chuyện, đời tư. Cô là nữ thần và cũng là vật tế của đám zombie thèm thuồng một thế giới khác.
Bi kịch Britney Spears là bi kịch điển hình của những ngôi sao trẻ nổi tiếng vào thập niên 1990 - Ảnh: JIVE
Khi nghĩ đến việc một ngôi sao giải trí toàn cầu như Britney Spears đã lớn lên ở bang Louisiana, nơi sản sinh ra những tượng đài âm nhạc đích thực như Louis Armstrong, Fats Domino, Sidney Bechet, Hank Williams, Wynston Marchalis, ta cảm thấy sự tạo ra biểu tượng Britney Spears đích thực là một cuộc cách mạng pop phản nghịch lại tất cả những giá trị cũ xưa.
Và, cũng trái ngang khi một cô gái da trắng sống ở miền nam lại rơi vào một bản án nô lệ hiện đại.
Trong một trong những tuyên ngôn nổi tiếng nhất đời mình, cô hát: "Là Britney đấy, đồ chó cái", vì theo cô, điều đó có nghĩa là "tôi đứng lên vì chính mình và vì những gì mình tin tưởng".
Câu hát nằm trong bản hit Gimme More, ra đời năm 2007. Một năm sau, cô bắt đầu cuộc đời bị giám hộ, bị lạm dụng, bị tước đoạt mọi tự do làm người.
Nhưng có lẽ, đã đến lúc để Britney bước ra khỏi cái miền đất tưởng tượng đã cầm chân cô quá lâu. Đã đến lúc cô bỏ lại ngày hôm qua, ngày mai, cả những điều kỳ ảo hư cấu, để trở về với ngày hôm nay, với cô như chính cô, không là nữ thần cũng không là vật tế.
Britney Spears tại một sự kiện âm nhạc vào năm 2018 - Ảnh: AFP
Britney Spears: ngày nào tôi cũng khóc Hôm 23-6, Britney Spears phát biểu qua điện thoại trước thẩm phán Brenda Penny của Tòa án Los Angeles (Mỹ) để yêu cầu chấm dứt quyền bảo hộ đối với cô trong suốt 13 năm qua. Theo Britney Spears, những người đã kiểm soát và trục lợi từ việc bảo hộ cô là gia đình bao gồm cha mẹ, người thân, người giám hộ, đội ngũ quản lý, các luật sư, bác sĩ - y tá, nhân viên bảo vệ, chuyên gia trị liệu tâm lý... Họ được thuê bằng chính tiền của cô, bòn rút cô trong suốt 13 năm qua, trái với ý muốn của cô và theo cô là trái pháp luật. Cô bị ép làm việc quá sức và bị trừng phạt nếu phản ứng, bị giám sát cả khi thay đồ, không có một chút riêng tư; bị ép đặt vòng tránh thai, cấm sinh con... Trong số đó, Britney lên án đích danh người cha Jamie Spears đã kiểm soát toàn bộ cuộc đời cô, yêu cầu bỏ tù ông và những ai liên quan. "Tôi không hạnh phúc. Tôi không ngủ được. Tôi giận dữ đến nỗi phát điên. Và tôi trầm cảm. Ngày nào tôi cũng khóc... Tôi xứng đáng có được một cuộc sống. Tôi đã làm việc cả đời. Tôi xứng đáng được nghỉ 2-3 năm và làm những gì tôi muốn..." - Britney Spears nói với tòa án. MI LY |
Theo tuoitre