Toàn cảnh bức tranh hang động cổ nhất thế giới ở Leang Tedongnge, ở Sulawesi, Indonesia. (Ảnh: AA Oktaviana.)

 

Bức tranh hang động được phát hiện trên đảo Sulawesi của Indonesia, được cho là lâu đời nhất thế giới, đang mờ đi nhanh chóng do sự ăn mòn muối, dưới tác động của biến đổi khí hậu. Đây là cảnh báo vừa được các nhà khảo cổ đưa ra.

Theo nhà khảo cổ Basran Burhan thuộc Đại học Griffith của Astralia, tác động của ăn mòn muối rất nghiêm trọng và sẽ phá hủy bức tranh vẽ, có niên đại gần 44.000 năm trước này. Do đó, giới chuyên gia đang chạy đua với thời gian để tìm cách bảo quản tác phẩm nghệ thuật từ kỷ Pleistocen vô giá này.

Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Australia và Indonesia đăng trên tạp chí Scientific Reports hồi tháng trước, việc Trái Đất ấm dần lên, cùng việc gia tăng cường độ hoạt động của hiện tượng El Nino đã đẩy nhanh việc kết tinh muối trong hang động.

Nghiên cứu chỉ rõ hạn hán kéo dài cùng những cơn mưa như trút nước trong mùa mưa đã tạo điều kiện "vô cùng thuận lợi" cho việc kết tinh muối. Chính điều này khiến màu của bức vẽ trên hang động đang bong ra. Các nhà khảo cổ cho biết một phần lớn của bức tranh đã bị bong màu trong vòng 6 tháng.

Hiện các nhà khảo cổ học sẽ làm việc theo nhóm nhỏ để theo dõi việc kết tinh muối cùng hoạt động của các sinh vật nhỏ bé trên vách hang.

Bức tranh vẽ một nhóm thú hóa, hay con người với những đặc trưng của động vật, được tìm thấy trong một hang động đá vôi trên đảo Sulawesi vào năm 2017.

Theo Vietnamplus