Úc là một trong ba điểm đến thu hút sinh viên nước ngoài sau Mỹ và Anh. Sinh viên Trung Quốc sang Úc học tập là một trong những dòng chảy giáo dục lớn nhất thế giới.
Bộ Giáo dục Úc ước tính đến cuối năm 2019 có hơn 212.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại Úc, chiếm 28% tổng số sinh viên quốc tế ở Úc.
Sinh viên Trung Quốc đóng góp 12 tỉ đôla Úc (hơn 8 tỉ USD) cho nền kinh tế Úc trong năm 2019. Trong ảnh là các sinh viên Trung Quốc trong lễ nhận bằng tốt nghiệp ở Đại học Sydney - Ảnh: AFP
Về quê và không thể trở lại
Do dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19), nhiều sinh viên Trung Quốc không thể trở lại Úc tiếp tục học.
Theo thông báo của Công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s (Mỹ) công bố ngày 6-2, ước tính ban đầu các trường đại học danh tiếng nhất ở Úc có thể mất khoảng 3 tỉ đôla Úc (hơn 2 tỉ USD) học phí.
Giáo sư Christopher Ziguras ở Đại học RMIT và giáo sư Ly Tran ở Trung tâm Nghiên cứu tác động giáo dục thuộc Đại học Deakin (Úc) nhận định dịch virus corona có lẽ là khủng hoảng lớn nhất đối với giáo dục quốc tế của Úc.
Sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, Mỹ tạm thời đóng cửa biên giới và thắt chặt cấp visa du học, đặc biệt đối với sinh viên Trung Đông.
Năm 2018, Chính phủ Saudi Arabia yêu cầu các sinh viên Saudi Arabia ở Canada phải về nước để phản đối ngoại trưởng Canada kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động nữ quyền bị giam giữ tại Saudi Arabia. Lúc bấy giờ có khoảng 12.000 sinh viên Saudi Arabia theo học ở Canada.
Song trong khủng hoảng dịch virus corona lần này, tình hình du học sinh ở Úc còn tệ hơn vì nhiều lý do.
Dịch virus corona bùng phát ở Trung Quốc chỉ vài tuần trước kỳ nhập học hằng năm của các trường đại học Úc vào tháng 2.
Lúc bấy giờ phần lớn sinh viên Trung Quốc đã trở về nước ăn tết với gia đình.
Để so sánh, dịch SARS năm 2003 không ảnh hưởng đáng kể đến công tác tuyển sinh sinh viên quốc tế của Úc vì lúc dịch lên cao điểm vào tháng 4 và 5-2003, sinh viên đã bắt đầu năm học hai tháng.
Ngay giữa mùa dịch SARS, Úc cũng không cấm đi du lịch đến các quốc gia bị ảnh hưởng.
Các địa điểm cung cấp chỗ trọ cho sinh viên Trung Quốc tại Úc cũng bị ảnh hưởng - Ảnh: ance.vic.edu.au
Xoay xở với nhiều giải pháp
Hai giáo sư Christopher Ziguras và Ly Tran ghi nhận khủng hoảng virus corona ảnh hưởng nặng nề đến các sinh viên Trung Quốc vì không chỉ gây rối loạn thời khóa biểu, nơi ăn ở, việc làm bán thời gian, các dự tính tương lai mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các sinh viên.
Số lượng du học sinh đăng ký giảm sẽ ảnh hưởng đến quy mô lớp học và lực lượng giảng dạy, đặc biệt là các lớp thạc sĩ trong các trường có đông sinh viên Trung Quốc.
Khoảng 46% sinh viên Trung Quốc đang theo học chương trình thạc sĩ sau đại học tại lớp. Nếu sĩ số quá ít, các trường buộc phải hủy lớp.
Hậu quả không chỉ có thế. Ngành du lịch, các nơi cung cấp chỗ trọ, các nhà hàng và các nhà bán lẻ phục vụ cho du học sinh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Sinh viên Trung Quốc đóng góp 12 tỉ đôla Úc (hơn 8 tỉ USD) cho nền kinh tế Úc trong năm 2019, vì vậy tác động tài chính rất đáng kể.
Hiện nay các trường đại học Úc đang xem xét nhiều giải pháp như dạy học trực tuyến; mở các khóa cấp tốc và các khóa mùa hè hoặc mùa đông; sắp xếp thời điểm bắt đầu học kỳ; hoàn trả học phí và hoãn lớp học; hỗ trợ học tập và phúc lợi, tư vấn, đường dây trợ giúp đặc biệt, hướng dẫn thông tin cụ thể về virus corona; hỗ trợ các vấn đề về visa, chỗ ở và sắp xếp việc làm.
Một số trường đại học Úc đã đề nghị hoãn năm học sang năm 2021 và hoàn trả học phí. Tuy nhiên, nhiều trường đang chờ đợi.
Đại học Sydney đã hoãn ngày sinh viên đến trường vào ngày 30-3 và đang thực hiện hệ thống giảng dạy từ xa.
Công ty Standard & Poor’s nhận xét các trường đại học Úc sẽ mất cân đối tài chính nhưng có thể chịu đựng cú sốc, ít nhất là trong giai đoạn tạm thời.
Hai giáo sư Christopher Ziguras và Ly Tran đề nghị điều quan trọng nhất là ưu tiên tập trung vào hậu quả về con người trong thảm kịch virus corona vì nếu tập trung quá nhiều vào doanh thu bị mất trong thời điểm này sẽ gây khó chịu cho du học sinh Trung Quốc và những người tham gia giáo dục quốc tế. |
Theo Tuoitre