Bảng Current Index. Dữ liệu đầu vào là các công bố từ 1/6/2018 đến 31/5/2019

Current Index, một bảng xếp hạng nhánh của Nature Index, vừa công bố top 10 các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam trong khung thời gian từ 1-6-2018 đến 31-5-2019.

Top 10 cơ sở nghiên cứu của Việt Nam

Theo bảng Current Index, top 10 cơ sở nghiên cứu của Việt Nam gồm 2 đại học Quốc gia: ĐHQG Hà Nội (VNU) và ĐHQG TP.HCM (VNU-HCM);  4 trường đại học: ĐH Bách khoa Hà Nội (HUST), ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội (HUS-VNU), ĐH Duy Tân (DTU), ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU); 4 viện và trung tâm nghiên cứu: Viện Hàn lâm khoa học & công nghệ Việt Nam (VAST), Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành - Quy Nhơn (ICISE), Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử - ĐHQG HCM (INOMAR), đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford tại Việt Nam (OUCRU)

Ba vị trí đầu bảng vẫn là những cái tên quen thuộc khi so với bảng xếp hạng theo năm 2019 cũng của Nature Index (Annual Table 2019), gồm Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST), trường ĐH Bách khoa Hà Nội (HUST), trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội.

Tuy nhiên, có sự thay đổi mạnh ở nhóm phía sau với sự vươn lên vị trí thứ 4 của ĐH Duy Tân, và sự lùi xuống vị trí 6 của ĐHQG Tp. HCM (VNU-HCM) và thứ 7 của ĐH Tôn Đức Thắng, như sau: trường ĐH Duy Tân, trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành - Quy Nhơn (ICISE), ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (VNU-HCM), ĐH Tôn Đức Thắng.

Nature Index chọn lọc ra 82 tạp chí hàng đầu thế giới từ hàng chục nghìn tạp chí quốc tế uy tín để đưa vào đánh giá xếp hạng, thuộc 4 nhóm lĩnh vực: vật lý, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, và khoa học sự sống.

Trong bảng Current Index hiện hành, đóng góp vào chỉ số xếp hạng FC = 14.08 của Việt Nam có: 63% đến từ lĩnh vực vật lý,17% từ khoa học trái đất và môi trường,15% từ hóa học, và 5% từ khoa học sự sống.

Theo Nature Research, Current Index là bảng xếp hạng được công bố liên tục hàng tháng, với dữ liệu đầu vào là những bài báo được công bố trong vòng một năm kể từ tháng đó trở về trước. Vì vậy, có thể hiểu bảng này cho sẽ phép đánh giá mức độ tích cực trong công bố quốc tế xuyên suốt một năm gần nhất của một đơn vị nghiên cứu hoặc một quốc gia. 

Ngoài ra, Nature Index còn có một bảng Annual Table công bố các xếp hạng theo năm tài chính, trong đó dữ liệu đầu vào là bài báo được công bố trong khung thời gian cố định từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 12 hàng năm (của năm ngay trước đó).

Xếp hạng theo quốc gia & vùng lãnh thổ

Xét ở góc độ quốc gia, bảng Annual Table 2019 (với dữ liệu từ 1/1/2018 đến 31/1/2018) cho thấy lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng và chất lượng công bố tốt nhất trên thế giới, với chỉ số FC là 16.11 - tăng 50.5 % so với bảng 2018. 

Năm nay, Mỹ vẫn giữ vững ngôi đầu với FC là 20061.64 - gấp 1.8 và 4.5 lần các quốc gia xếp thứ hai và ba là Trung Quốc và Đức, mặc dù có giảm nhẹ 2.9% so với năm trước.

Bảng xếp hạng Annual Table 2019 theo quốc gia và vùng lãnh thổ của Nature Index

Ở khu vực Đông Nam Á, top 50 còn có các quốc gia như Singapore (vị trí 17, FC = 597.81), Thái Lan (41,38.65). Đáng ngạc nhiên là không có Malaysia, quốc gia có lượng công bố quốc tế tăng rất nhanh và luôn xếp trên Việt Nam trong nhiều bảng xếp hạng những năm gần đây. 

Càng ngạc nhiên hơn khi Malaysia cũng không có tên trong top 50 ở cả 4 bảng Annual Table từ 2016 đến 2019. Chỉ số FC trong bảng 2019 của quốc gia này cũng chỉ đạt 9.52, dù số lượng bài báo (chỉ số AC) lớn hơn của Việt Nam (136 so với 81). 

Tất cả những dữ liệu này đặt ra một dấu hỏi về mức độ đóng góp của các tác giả đến từ Malaysia trong các bài báo,cũng như mức độ hợp táctrong công bố quốc tế của quốc gia này.

Hợp tác quốc tế và mức độ đóng góp trong các công bố

Trong thời đại ngày nay, hợp tác quốc tế trong công bố khoa học là xu hướng tất yếu, không chỉ riêng Việt Nam, mà còn với tất cả các nước. Biểu đồ trên cho thấy Việt Nam hợp tác công bố chung với các nước ở cả 5 châu lục trong giai đoạn 1-6-2018 đến 31-5-2019. 

Hợp tác quốc tế của Việt Nam trong công bố. Nguồn: Nature Index

Xét về số lượng quốc gia, Việt Nam hợp tác với nhiều quốc gia châu Âu hơn cả. Trong khi đó, nếu tính trên số lượng các công bố, Việt Nam lại hợp tác công bố nhiều nhất với Mỹ, sau đó là với Nga, Singapore,…

Để đo lường mức độ hợp tác quốc tế và mức độ đóng góp trong công bố, Nature Research đưa ra hai thông số: chỉ số hợp tác (Score) và tỉ lệ đóng góp (Contributor). Có thể hiểu, chỉ số hợp tác sẽ tỉ lệ với số lượng công bố và số lượng các quốc gia khác cùng đứng chung trong công bố của một quốc gia nào đó. Còn tỉ lệ đóng góp sẽ cho biết quốc gia đó đóng góp bao nhiêu phần trăm trong các công bố hợp tác.

So sánh mức độ hợp tác quốc tế và tỉ lệ đóng góp của các quốc gia trong các công bố. Nguồn: Nature Index

Trong giai đoạn 1-6-2018 đến 31-5-2019, Mỹ xếp số 1 về chỉ số hợp tác, và đóng góp tới 60.8% trong các công bố. Singapore cũng có tỉ lệ đóng góp đáng kể với 47.9 %. Tỉ lệ đóng góp bằng nội lực của Việt Nam là 28.6 %. Trong khi đó, 15.7% là tỉ lệ của Malaysia.

Đã từng có các chuyên gia cho rằng trong hợp tác quốc tế, khi tỉ lệ đóng góp từ nội lực bằng hoặc dưới 20%, nghĩa là đang "lệ thuộc" vào nước ngoài [1]. Nếu áp dụng tỉ lệ này thì có thể thấy Malaysia, mặc dù số lượng công bố rất ấn tượng những năm gần đây, nhưng dường như đang có dấu hiệu phụ thuộc vào quốc tế trong công bố quốc tế. Điều này đồng nghĩa với nội lực nghiên cứu khoa học của quốc gia này chưa cao.

(Trích nguồn: Khoa Bảo - Research Informeta Group)

Nature Index là bảng xếp hạng các đơn vị nghiên cứu hoặc quốc gia, được xây dựng dựa trên nền tảng 82 tạp chí khoa học thuộc 4 nhóm lĩnh vực, gồm: hóa học, vật lý học, khoa học trái đất & môi trường, và khoa học sự sống. Đây là những tạp chí rất danh tiếng, được chọn lọc ra từ hàng chục nghìn tạp chí khoa học uy tín trên khắp thế giới.

Phương pháp đánh giá của Nature Index chủ yếu dựa vào 2 chỉ số là AC (Article Count) – số lượng bài báo của đơn vị/quốc gia trong khung thời gian đang xét, và FC (Fractional Count) – tỉ lệ đóng góp của các tác giả từ đơn vị/quốc gia đó, có xét đến số địa chỉ công tác của tác giả trên mỗi bài báo. Trong đó, chỉ số FC sẽ được dùng để xếp hạng. 

Theo tuoitre