leftcenterrightdel
Giáo dục tài chính từ sớm mang lại lợi ích trọn đời. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc giáo dục tài chính từ sớm mang lại giá trị trọn đời.

Với mức học phí hơn 160 nghìn USD một năm, Học viện Rosenberg, Thuỵ Sĩ, là một trong những trường nội trú đắt đỏ nhất thế giới. Một trong những ưu thế của trường là dạy học sinh quản lý tài chính như một môn học bắt buộc.

Tuy nhiên, thay vì dạy lập ngân sách, quản lý tín dụng, trường dạy Quản lý tài chính, đề cập đến nhiều loại tài sản khác nhau và các hoạt động tài chính như tạo ra của cải, hoạt động từ thiện, quản lý kế nhiệm…

Môn Quản lý tài chính sẽ dành cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi. Ví dụ, trong một tiết học, học sinh sẽ thực hành quản lý danh mục đầu tư giả định trị giá một triệu USD và thuyết phục hội đồng quản trị giả định. Học sinh phải lên phương án, dự trù kinh phí, tính toán rủi ro để trình ra dự án đầu tư hoàn chỉnh nhất.

Ông Bernhard Gademann, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nội dung quản lý tài chính thường không xuất hiện trong chương trình giảng dạy truyền thống vì được coi là “phi học thuật”. Tuy nhiên, giáo dục tài chính có nhiều nội dung tương tự với toán học và nó tốt cho tư duy của học sinh.

Tương tự, ngày càng nhiều trường trung học ở Mỹ giáo dục kiến thức tài chính. Theo dữ liệu mới nhất từ Next Gen Personal Finance, tổ chức phi lợi nhuận cung cấp giáo dục tài chính cho học sinh THCS, THPT, tính đến năm 2024, hơn 50% tiểu bang đã yêu cầu hoặc đang trong quá trình yêu cầu học sinh trung học phải học về tài chính cá nhân trước khi tốt nghiệp.

Điều này phù hợp với xu hướng giới trẻ hiện nay quan tâm về tài chính và đầu tư. Do đó, giáo viên thường bắt đầu khoá học tài chính từ đầu tư vì nội dung này thu hút đông học sinh nhất.

Nghiên cứu cho thấy giáo dục tài chính ở trường trung học đem lại hiệu quả cao. Trên thực tế, theo báo cáo của công ty tư vấn Tyton Partners và Next Gen, mỗi học sinh hoàn thành khoá học một học kỳ về tài chính cá nhân có thể hưởng lợi ích trọn đời trị giá khoảng 100 nghìn USD. Phần lớn lợi ích tài chính đến từ việc không bị lừa đảo tiền bạc, tận dụng lãi suất, ưu đãi ngân hàng.

Việc giáo dục tài chính cho học sinh còn có tính chất lan truyền. Khi được trang bị đầy đủ kiến thức, các em sẽ quay về hướng dẫn cho gia đình, từ đó, mở rộng số lượng người hiểu biết về tài chính.

Cô Kerri Herrild, giảng dạy về tài chính cá nhân tại Trường Trung học De Pere, Mỹ, cho biết: “Tôi chỉ cho học sinh thấy giá trị của một tài khoản tiết kiệm và các em có thể chia sẻ điều đó với phụ huynh. Chúng tôi gọi đây là hiệu ứng lan tỏa”. Có được những kiến thức cơ bản này là rất tuyệt vời”.

Còn thầy Christopher Jackson, giáo viên Trường Trung học DaVinci Communication, Mỹ, cho biết: “Tôi bắt đầu lớp học tài chính của mình bằng cách nói với học sinh rằng mục tiêu hàng đầu của tôi là tác động đến thế hệ con cháu của các em; rằng đây sẽ là lớp học quan trọng nhất mà các em sẽ tham gia trong cuộc đời”.

“Việc đào tạo những nhà lãnh đạo tài chính giúp chúng tôi đi tiên phong trong lĩnh vực giáo dục tài chính. Mọi người đều nên biết về lãi suất, lạm phát, danh mục đầu tư cổ phiếu nhưng không ai dạy những điều này”, ông Bernhard Gademann, Hiệu trưởng Học viện Rosenberg, Thuỵ Sĩ, cho biết.

Theo giaoducthoidai