leftcenterrightdel
 Các diễn giả thảo luận về vai trò của nữ giới trong khối ngành STEM. Ảnh: BTC

Diễn đàn “Tăng cường vai trò nữ giới trong khối ngành STEM” diễn ra dựa vào những thành quả của mô hình đối tác chiến lược giữa USAID, dự án BUILD-IT và các trường đại học. Đây là diễn đàn cuối cùng trong chuỗi diễn đàn Playbook gồm sáu phần. Diễn đàn này là nơi quy tụ của các chuyên gia đến từ các trường đại học, doanh nghiệp và Chính phủ đã chia sẻ về tầm quan trọng cũng như thành công và các thách thức của phụ nữ trong lĩnh vực STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán).

Tham gia diễn đàn, TS. Lopa BaSu, cố vấn cấp cao của USAID tại Việt Nam, chia sẻ cuốn sổ tay Dự án về nữ giới trong khối ngành STEM là một nỗ lực hợp tác giữa ASU và sáu trường đại học đối tác chiến lược. Thông qua tài liệu này, các trường đối tác của dự án BUILD-IT đã tiếp cận được nguồn tư liệu dành cho các giảng viên đã được thử nghiệm và chứng minh nhằm đảm bảo rằng phụ nữ cũng có thể tiếp cận những tiếp nhận những lợi ích đến từ các dự án ứng dụng thực tiễn tại các địa điểm tại Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai và TP.HCM. Đây là khởi điểm truyền cảm hứng cho chương trình, đáp ứng các vấn đề về giới, giảm thiểu rào cản giới tính và thúc đẩy bình đẳng trong chuẩn đầu ra cho các dự án ứng dụng thực tiễn này.

STEM đóng góp nhiều vào các hoạt động đổi mới sáng tạo trong xã hội cũng như giải quyết những thách thức như biến đổi khí hậu, đại dịch, vấn đề về an ninh thực phẩm… Khi nhu cầu về nhân lực khối ngành STEM tăng lên, nữ giới cũng cần phải đóng góp công bằng như nam giới và cần phải có những cơ hội bình đẳng để tham gia học hỏi, làm việc về lĩnh vực này.

Trong bài phát biểu của TS. Đỗ Lan Đài, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Lạc Hồng, cho biết thống kê của UNESCO, chỉ có 28% nghiên cứu khoa học toàn cầu đứng tên phụ nữ và ở Việt Nam con số này thậm chí còn thấp hơn. Vấn đề về bình đẳng giới đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục STEM vẫn còn là một thách thức, chưa nhận được đầy đủ sự quan tâm. Nếu như không có các biện pháp khuyến khích và thúc đẩy sinh viên nữ theo đuổi ngành học STEM thì sẽ dẫn đến sự mất cân bằng của lực lượng lao động, làm cản trở sự phát triển kinh tế của xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Nho giáo, về vai trò chặt chẽ của nam giới trong xã hội, định kiến này đã định hình thái độ cũng như sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ, khiến cho học sinh nữ ngần ngại trong việc theo đuổi những công việc hoặc lựa chọn học tập trong lĩnh vực STEM. Trong doanh nghiệp (DN), một số người vẫn còn những định kiến về giới trong việc tuyển chọn. Có trường hợp, chủ cơ sở lao động còn nêu rõ ưu tiên về giới vào trong quá trình tuyển dụng lao động ở các vị trí khác nhau.

Để xóa bỏ định kiến rào cản đối với nữ giới tham gia vào các hoạt động trong STEM, TS. Bùi Thị Ngân - Phó trưởng ban Quản lý dự án Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, chia sẻ: "Trong các diễn đàn như thế này rất cần có sự tham gia của các DN. Về bản thân một số DN cũng có định kiến là chỉ muốn tuyển dụng nam giới, không muốn tuyển nhiều sinh viên nữ, bởi DN sợ các lao động nữ khi mới vào chưa lâu các em lại phải sinh em bé, lại phải đảm nhiệm các công việc gia đình…”.

Bà cũng cho rằng trong lĩnh vực STEM, càng ở vị trí cao thì càng ít phụ nữ thành công để có thể trở thành hình ảnh mẫu cho sinh viên nữ noi theo. Nếu như có thể truyền thông cho sinh viên biết nhiều hơn những hình mẫu phụ nữ thành công trong lĩnh vực STEM thì sẽ có khả năng thu hút nhiều sinh viên nữ đăng kí vào học lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
Sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng trong một giờ học thực hành. Ảnh minh hoạ: LHU 

 

Ngành STEM và lợi thế đặc biệt của nữ giới

Trong khuôn khổ các phiên thảo luận tại diễn đàn, PGS-TS. Đàm Sao Mai - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, nêu rõ thực trạng cùng một vị trí việc làm, bằng cấp tương đương nhau, DN vẫn có xu thế lựa chọn tuyển dụng nam giới. Điều này dẫn tới việc phụ nữ phải cố gắng hơn rất nhiều trong xã hội để đạt được thành công. Tuy nhiên, một khi đã đam mê thì thậm chí nữ giới có biểu hiện còn nổi bật và xuất sắc hơn nam giới rất nhiều.

“Bây giờ phụ nữ phải có một điều gì đó đặc biệt hơn để ít ra là được chấp nhận với mức lương tương đương hoặc cạnh tranh công bằng với nam giới. Đối với tôi, phụ nữ  có một đặc trưng là học kỹ năng mềm tốt hơn và nhạy cảm hơn nam giới. Trong một số vấn đề, nếu như có thể tận dụng được những kiến thức, kỹ năng mềm đó thì nữ giới sẽ đạt được lợi thế trong việc ứng tuyển vào các DN STEM” - PGS-TS. Đàm Sao Mai nhận định.

Bà Nguyễn Khánh Thuyên - Quản lý cấp cao mảng tái chế và quản lý nguồn nước thải của First Solar Việt Nam, cho rằng yếu tố làm nên thành công của mình đó là không bao giờ đặt bản thân vào vị trí yếu thế hay cần đối đãi khác biệt so với nam giới. Đối với mỗi người lao động trong thời đại hiện nay, năng lực quan trọng hơn rất nhiều. Một người đam mê con đường kỹ thuật thì cứ mạnh dạn đi theo, nhu cầu đam mê được thỏa mãn thì sẽ cống hiến được nhiều hơn cho xã hội. Ngược lại, nếu phụ nữ nghĩ mình là nữ và có những cản trở so với nam giới thì cũng sẽ không có được sự tự tin cho chính mình.

Ở góc độ của người quản lý, bà Hồ Uyên - Giám đốc công chúng của Intel Việt Nam, nhìn nhận các DN có nam lẫn nữ cùng tham gia vào Hội đồng quản trị và đội quản lý thì thành quả của các DN đó thường sẽ tốt hơn những DN có các nhà lãnh đạo chỉ có nữ hoặc chỉ toàn nam. Bởi vì không chỉ là về vấn đề bình đẳng giới mà là vì DN đó sẽ có những góc nhìn khác nhau từ hai giới, sản sinh được nhiều cách giải quyết đa dạng và mới mẻ, từ đó hướng đến mục tiêu chung và tổng hợp ra những lối giải quyết hiệu quả hơn cho DN.

Theo nguoidothi