|
|
Một số trường cao đẳng và đại học ở Trung Quốc có thói quen chia sẻ bảng điểm của học sinh với phụ huynh, cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình học tập của họ. (Nguồn: Unischolars) |
Hồi tháng Một, Wang Kemeng, một sinh viên theo học tại Đại học Dầu khí Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết mẹ cô đã nhận được một bưu phẩm qua đường bưu điện.
Bên trong là bảng điểm của Wang, cùng với một lá thư từ trường của cô khuyến khích phụ huynh chú ý hơn đến việc học tập của con mình.
Điều tương tự cũng xảy ra với một sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật điện tại một trường đại học khác của Trung Quốc, chỉ có điều bố mẹ anh nhầm số tín chỉ anh nhận được cho mỗi khóa học là điểm thi. Họ rất lo lắng về điều này và cuối tuần đó, anh ấy phải về nhà để giải thích cho bố mẹ hiểu các con số.
Cố vấn học tập tại một số trường đại học thậm chí còn chia sẻ kết quả thi và thứ hạng xếp loại vào cuối mỗi học kỳ trong các nhóm trò chuyện được tạo cho phụ huynh trên nền tảng WeChat.
Gửi bảng điểm cho phụ huynh
Trong 10 năm qua, một số trường cao đẳng và đại học ở Trung Quốc có thói quen chia sẻ bảng điểm của học sinh với phụ huynh, cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình học tập của họ.
Tuy nhiên, cách làm này đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi vào đầu tháng Tư khi sinh viên tại Đại học Chiết Giang, một trong những trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, nói rằng nhà trường đã gửi thông tin của họ mà không thông báo trước.
Sinh viên cảm thấy điều đó xâm phạm quyền riêng tư và phàn nàn rằng họ bị đối xử giống trẻ con hơn.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại có quan điểm trái chiều, nhiều người bày tỏ rằng họ có quyền biết điểm của con mình vì họ là người đóng học phí.
Wang Chenfeng, cố vấn học tập tại một trường đại học ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc, cho biết: “Gửi bảng điểm cho phụ huynh có vẻ như là một vấn đề nhỏ, nhưng nó là một phần của vấn đề lớn hơn.”
Theo thầy Wang, các trường đại học đang phải chịu những áp lực rất lớn. Nếu sự cố nghiêm trọng xảy ra, ví dụ như sinh viên tử vong, giáo sư hoặc toàn bộ giảng viên của trường có thể sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thầy giáo lấy ví dụ một sinh viên trường ông phải học lại một năm do bị điểm kém. Sinh viên này không cho các giáo sư thông báo tình hình đến phụ huynh. Sau đó, sinh viên này đã tự sát và nhiều người nghi ngờ thành tích học tập có thể là một phần nguyên nhân.
Chia sẻ bảng điểm với phụ huynh là một kiểu “duy trì sự ổn định,” thầy Wang nói. Mặc dù hành vi này có thể hy sinh lợi ích của một số cá nhân, cũng như có khả năng gây ra xung đột giữa các thành viên trong gia đình, nhưng ông tin rằng nó có thể giúp ngăn ngừa những sự việc nghiêm trọng hơn bằng cách thông báo cho phụ huynh để họ giám sát việc học của con mình.
Ở Trung Quốc, người ta thường cho rằng sau thời gian học tập căng thẳng ở trường trung học, học sinh mong muốn được thư giãn khi vào đại học.
Kết quả là một số đã thất bại, và trong những năm gần đây, một số trường đại học thông báo rằng ngày càng nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp phải chuyển sang các chương trình dạy nghề sau khi trượt quá nhiều môn.
Năm 2018, ông Wu Yan, khi đó là Giám đốc Cục Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục Trung Quốc), nói rằng không nên có những trường trung học "điên rồ," cũng không nên có những trường đại học "hạnh phúc." Khi đối mặt với cuộc sống khác lạ so với trường trung học, một số sinh viên có thể sẽ bối rối, vỡ mộng vì vậy việc sinh viên chưa tốt nghiệp bị đuổi học sẽ tăng lên ở mức độ vừa phải là điều không thể tránh khỏi.
Mẹ của một sinh viên tại Đại học Chiết Giang, người muốn giấu tên, nói rằng bà lo ngại về việc nhiều sinh viên bị đuổi học mỗi năm vì trượt quá nhiều môn. Do vậy, bà hoàn toàn ủng hộ việc chia sẻ bảng điểm của học sinh với phụ huynh.
“Trẻ em ngày nay khác với thế hệ trước vì chúng bị giám sát suốt cuộc đời. Đột nhiên buông bỏ chúng khi chúng đang học đại học có thể gây ra vấn đề lớn,” bà nói.
|
|
Một tin nhắn về điểm số gửi cho phụ huynh. (Nguồn: Jimu News) |
Tuy nhiên, Yuan Jing, người có con trai cũng học tại Đại học Chiết Giang, cho rằng điểm số nên được coi là riêng tư và bí mật. Bà nói rằng bà rất ngạc nhiên khi nhận được thành tích học tập của con trai mình qua thư, đồng thời nói thêm rằng nếu con trai không đề cập đến kết quả thi thì bà cũng không hỏi về điều đó.
“Việc phụ huynh trả học phí không có nghĩa là họ nên thách thức quyền riêng tư của con mình. Tôi cũng mua quần áo cho con trai tôi. Nếu con trai phải cởi quần áo vì tôi yêu cầu thì liệu chúng còn chút tự trọng nào không?"
Yuan nói rằng bà tin tưởng con trai mình. Khi cậu ấy còn là sinh viên năm nhất, bà đã đưa đủ tiền để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt trong cả 4 năm, đồng thời nói rõ rằng sẽ không đưa thêm bất kỳ khoản nào nữa. Bà hy vọng con mình sẽ học được cách quản lý ngân sách, điều mà bà cho là quan trọng như các kiến thức học thuật.
Kiểu "học sinh trung học" học đại học
Có thể hiểu lý do tại sao các trường đại học lại hành động như vậy, nhưng cũng có nhiều bằng chứng cho thấy việc công bố bảng điểm gây gánh nặng đáng kể cho một số sinh viên.
Một cô gái trẻ đã tốt nghiệp cách đây hơn một năm kể lại khi biết tin bảng điểm của mình sẽ được gửi về cho bố mẹ, phản ứng đầu tiên của cô là sợ hãi.
Là người kém môn Toán, cô đã trượt môn giải tích vào năm thứ nhất. Vào năm thứ hai, nhà trường bất ngờ thông báo sẽ gửi bảng điểm cho phụ huynh. Cô cho rằng gia đình sẽ không hài lòng về kết quả học tập của mình. Cô nói: “Điều đó sẽ không thay đổi được tình hình và tôi sẽ bị mắng.”
Sợ bị bố mẹ mắng, sinh viên này đành phải nhờ lớp trưởng đổi địa chỉ gửi bảng điểm. Do vậy, đến nay, bố mẹ cô vẫn chưa hề biết cô từng trượt môn ở đại học.
|
|
Việc công bố bảng điểm gây gánh nặng đáng kể cho một số sinh viên. (Nguồn: VCG) |
Wang Kemeng, sinh viên của Đại học Dầu khí Trung Quốc, không hề khó chịu về việc nhà trường gửi bảng điểm vì bố mẹ không gây áp lực cho cô, nhưng cô vẫn cảm thấy điều đó thật kỳ lạ.
Cô nói: “Mặc dù tôi sẽ sớm phải tìm việc làm và tự nuôi sống bản thân nhưng tôi vẫn phải bắt bố mẹ xem xét điểm số của mình. Tôi có cảm giác mình lại trở lại cuộc sống ở trường trung học. Thật bối rối… Tôi không hoàn toàn là người lớn cũng chẳng phải là trẻ con.”
Li Jingwen, một học sinh ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, sẽ tốt nghiệp trong năm nay, mô tả cảm giác giống như “một học sinh trung học vừa học xong đại học.”
Khi cô mới vào đại học, một cố vấn học tập đã cung cấp mã QR của nhóm WeChat cho tất cả phụ huynh. Họ sẽ sử dụng nhóm này để thường xuyên cập nhật điểm thi, nội dung học, giải thưởng, ngày nghỉ...
Li cho biết sự quan tâm và can thiệp liên tục của cha mẹ cô đã tạo ra rất nhiều áp lực. Họ không chấp nhận việc cô hẹn hò khi còn học đại học hay “mặc váy quá ngắn hoặc ăn mặc hở hang” và đặt giờ giới nghiêm cho cô. Bố cô sẽ gọi điện để kiểm tra ngay khi đồng hồ điểm 10 giờ đêm.
Chen Jin, một sinh viên tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, có mối quan hệ hòa thuận với bố mẹ, đã chia sẻ điểm số và nói chuyện với mẹ gần như hằng ngày.
Tuy nhiên, anh ấy thường gặp khó khăn với việc “làm thế nào để cân bằng giữa việc là con người thật của mình và việc là một đứa trẻ.”
Anh ấy nói rằng mẹ anh ấy thường xuyên kiểm tra tài khoản của anh ấy trên mạng nội bộ của trường. Trên đó hiển thị lịch trình khóa học, điểm số, điểm bài tập, thứ hạng và thậm chí mọi giao dịch được thực hiện trên thẻ sinh viên của anh ấy.
Mặc dù Chen không bận tâm nhưng đôi khi anh cảm thấy bà lo lắng quá nhiều cho mình. “Tôi hy vọng mẹ có thể dành nhiều năng lượng hơn cho bản thân thay vì tập trung vào tôi,” anh nói.
Có nên quản lý sinh viên bằng cách như vậy?
Giám sát chặt chẽ bằng việc gửi bảng điểm cho phụ huynh chỉ là một trong nhiều công cụ mà các trường đại học Trung Quốc sử dụng để quản lý sinh viên của mình.
Tuy nhiên, Lin Huiying, người đã làm cố vấn tại một trường đại học hàng đầu trong hơn một thập kỷ, tin rằng việc chia sẻ hồ sơ học tập là một ví dụ về “quản lý quá mức.”
Cô nói: “Các trường đại học không nên giống như các trường cấp hai và cấp ba, nơi mà nếu tính kỷ luật của trẻ kém, phản ứng tự động là liên hệ với phụ huynh.” “Một khi họ bước vào xã hội, nếu họ luôn đi làm muộn hoặc về sớm, liệu công ty có liên lạc với bố mẹ họ không?”
Theo ý kiến của cô, sinh viên đại học nên được khuyến khích trưởng thành một cách độc lập.
Zhang Lei, một cố vấn đã làm việc tại một trường cao đẳng nghề ở tỉnh An Huy được 11 năm, cho biết trường của anh hiện không gửi bảng điểm cho phụ huynh, nhưng đã bắt đầu tạo các cuộc trò chuyện nhóm cho họ trong năm nay.
Từ góc độ giáo dục, anh không đồng tình và nói: “Bạn đang đối xử với sinh viên đại học như học sinh tiểu học, điều này gây bất lợi cho sự phát triển của họ.”
Li Jingwen, người sẽ tốt nghiệp vào mùa Hè này, đã tóm tắt quan điểm của cô về cuộc sống đại học như thế này: “Kiến thức chúng ta học phải chuyên sâu và phù hợp với các quan điểm khác nhau. Chúng ta nên dành nhiều thời gian để phát triển kỹ năng và sở thích của mình. Một trường đại học tốt không nên là một hòn đảo biệt lập có tường bao quanh”./.
Theo vietnamplus