Năm năm trước, khi biết mình mang thai con trai đầu lòng, tôi vô cùng phấn khích, vui mừng và rồi lo lắng về sự nóng giận, đặc điểm chung của nhiều chàng trai. Qua sách báo, tôi nhận ra những vụ xả súng tại trường học gần đây đa phần được gây ra bởi nam giới. Có một mối liên quan giữa con trai, súng và cơn thịnh nộ. Vì vậy, suốt thời kỳ thai sản, tôi lo mình sẽ nuôi dạy một chàng trai cục tính.
Hiện tại, sau năm năm nuôi dạy các con, nỗi sợ hãi của tôi vơi đi phần nào. Tôi theo dõi từng bước phát triển của các con, chú ý đến tính cách của từng đứa để kịp thời thay đổi hoặc phát hiện mầm mống của sự tức giận.
Tất nhiên, không phải chúng dễ nổi cáu vì là con trai. Sự tức giận dần được nuôi dưỡng trong tâm hồn con qua những lần thất vọng hoặc khi bị yêu cầu làm điều không muốn. Tôi sẽ không thể khiến các con luôn vui vẻ, chan hòa vì tức giận là một phần hoàn toàn bình thường của xúc cảm. Khi dạy con, tôi luôn cố gắng giúp chúng hiểu rằng cảm thấy tức giận là hoàn toàn bình thường nhưng biến cảm xúc đó thành những hành vi hung hăng là không thể chấp nhận.
Trước tiên, phụ huynh nên biết rằng có sự khác biệt giữa con trai và con gái trong việc thể hiện sự tức giận. Các nhà tâm lý học chỉ ra nam giới tức giận nhiều hơn nữ giới và cách biểu lộ cơn giận ở hai giới khác nhau.
Con trai có xu hướng "ngoại hóa", tức thể hiện sự tức giận ra bên ngoài bằng lời nói và hành động bạo lực. Ngược lại, con gái thường "nội tâm hóa" cơn giận, tức hướng sự nóng nảy về phía mình, tự mình giữ và nuốt lấy những cảm xúc tiêu cực. Phương pháp của con gái có thể khiến họ có khả năng mắc chứng trầm cảm nhiều hơn con trai. Vì vậy, đôi khi việc bộc lộ cơn giận chưa hẳn đã là điều xấu nên phụ huynh chớ lo lắng việc con trai giải tỏa cảm xúc không giống con gái.
Sau khi đã hiểu ra cách thức bộc lộ cảm xúc của con, hãy giúp chúng xác định cảm xúc của mình. "Bước đầu để giải quyết căng thẳng và giận dữ là giúp con bạn xác định được những gì đang diễn ra bên trong chúng và thấu hiểu nó", Kelsey Torgerson Dunn, người sáng lập Trung tâm tư vấn và kiểm soát cơn giận của thanh thiếu niên tại thành phố St. Louis (Mỹ) từng nói.
|
Con trai thường thể hiện sự tức giận ra bên ngoài. Ảnh:Shutterstock |
Vì không hiểu nội tâm của mình hay suy nghĩ, cảm xúc thực sự của bản thân, những người trẻ có xu hướng bộc lộ cảm xúc bằng bạo lực. Nhưng nếu có thể hiểu vấn đề mình đang trải qua, biết rõ bản thân cảm thấy ra sao và muốn như thế nào, họ sẽ kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn. Để làm được điều này, ngay từ nhỏ, phụ huynh nên dạy trẻ cách chia sẻ và gọi tên cảm xúc.
Lấy ví dụ nếu giả sử bạn nói "không" với yêu cầu của con và chúng quay ra cáu giận, đập phá đồ đạc. Bạn có thể hỏi con rằng: "Có phải con đang cảm thấy tức giận, khó chịu vì bị bố/mẹ từ chối yêu cầu?". Suy đoán của bạn có thể đúng hoặc sai nhưng đừng ngại nói ra. Nếu bạn đúng, con trai có thể nhận thức được tại sao chúng lại đập phá đồ đạc hay tại sao thấy bức bối trong người. Nếu bạn sai, con sẽ phải tìm cách diễn đạt cảm xúc của mình cho bạn hiểu, qua đó chúng sẽ hiểu bản thân.
Con bạn có thể nói "Không, con cảm thấy thất vọng" hoặc "Con muốn có được thứ mình muốn". Từ đó, cha mẹ có thể đưa ra những lời khuyên để con giải quyết vấn đề trong cảm xúc của mình mà không cần dùng đến bạo lực hoặc hành động. Việc nói ra giúp con bạn thấy nhẹ nhõm hơn, được giải tỏa cảm xúc.
Bước tiếp theo, hãy nhẹ nhàng đối phó với cơn giận của trẻ. Sau khi quan sát, tôi nhận thấy khi con trai của bạn bè tôi tỏ ra cáu giận, họ thường mặc kệ, phớt lờ vì nghĩ rằng: "Chúng cáu một lát rồi thôi". Chiến lược này hoàn toàn sai vì nó khiến cơn giận bùng phát mạnh mẽ hơn.
Vì vậy, cha mẹ hãy cố gắng làm dịu hoặc an ủi những chàng trai đang cáu giận. Điều này đòi hỏi bạn phải dành thời gian cho con, kiên nhẫn và bình tĩnh. Hãy nhẹ nhàng kể một câu chuyện cười để con rời sự chú ý khỏi cơn giận hoặc kiên nhẫn rủ con tập thể dục, đi lại một vài phút và bạn cũng nên làm gương.
Bạn cũng có thể chia sẻ trải nghiệm từng cảm thấy tức giận như con lúc này, sau đó bạn đã giải quyết nó ra sao. Mục đích cuối cùng của những hành động này là giúp trẻ có thể tự làm dịu cơn giận của mình, biết được một số phương pháp giải tỏa giận dữ.
Đưa ra hậu quả là biện pháp cần thiết nếu các chàng trai để cơn giận điều khiển và thực hiện hành vi không phù hợp. Tôi vẫn thường nói "Các con có thể cảm thấy như thế nào cũng được, nhưng không thể làm bất cứ điều gì con muốn".
Nếu con bạn chuyển từ cảm xúc tức giận sang hành vi hung hăng, hãy lập tức đưa ra hình phạt. Các hình phạt có thể khác nhau, tùy thuộc vào con bạn bao nhiêu tuổi, hoàn cảnh cụ thể là gì và có thể thay đổi theo ngày.
Một số hình phạt nhỏ bạn có thể áp dụng là không cho phép con làm việc chúng yêu thích hoặc rút ngắn thời gian vui chơi. Những hình phạt này sẽ dạy con trai bạn hiểu rằng có sự khác biệt giữa cảm xúc và hành vi, rằng nếu chúng giải quyết cảm xúc của mình sẽ không phải nhận hậu quả nào, nhưng nếu để cảm xúc điều khiển và gây nên những hành vi xấu, chúng sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cuối cùng, đừng ngại ngần tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia để giải quyết cơn giận của con trai. Nhiều đứa trẻ không thể kiểm soát cơn giận do các rối loạn trong cơ thể và cần sự can thiệp của các bác sĩ tâm lý. Bạn cũng nên quan sát hành động của con ở trường vì nhiều đứa trẻ thường nén cơn giận ở nhà để bộc phát tại trường học hoặc môi trường ngoài gia đình và nói chuyện với giáo viên để tìm hướng giải quyết phù hợp.
Theo vnexpress