Hai năm trước khi cho ra đời cuốn tự truyện "Becoming" (Trưởng thành), cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama khẳng định bà nhận được sự giáo dục tốt từ bố mẹ ngay từ nhỏ.

"Bố mẹ tôi để cho con cái tự do bày tỏ quan điểm và được làm điều mình thích. Do đó tôi được trưởng thành với sự tự tin, dũng cảm, dám đương đầu với mọi khó khăn", Michelle Obama viết trong "Becoming".

                       Gia đình của Michelle Obama khi bà còn nhỏ. Ảnh: ES.

Cuốn sách này sau đó đã bán được 5 triệu bản trên toàn thế giới và xếp hạng đầu tiên trong danh sách bán chạy nhất của Amazon thời điểm đó. Từ câu chuyện của con gái, cách dạy con của bố mẹ Michelle Obama cũng trở nên nổi tiếng.

Giáo dục là quản lý tài chính, dạy con cách "đầu tư"

Gia đình Michelle không giàu có, và vì là người gốc Phi nên nhiều lúc bị phân biệt đối xử. Họ sống trong căn nhà nhỏ ở khu vực dành cho tầng lớp lao động chân tay tại thành phố Chicago. Nhưng cha mẹ bà không lấy lý do này để buông xuôi, họ đã chi rất nhiều tiền đầu tư giáo dục cho hai đứa con của mình.

Theo quan điểm của người cha, dù khó khăn như thế nào gia đình vẫn phải có khoản tiết kiệm nhỏ. "Không phải để bố mẹ dưỡng già, mà là để đầu tư giáo dục cho con cái khi cần thiết", Michelle Obama viết.

Khi anh trai của Michelle bước chân vào đại học, có hai lựa chọn khiến chàng trai này băn khoăn. Một là trường đại học có được học bổng toàn phần, đó là thông tin tốt cho các gia đình nghèo. Hai là trường đại học Princeton nổi tiếng nhưng không có học bổng, nhưng đó là trường anh trai khao khát.

Biết được băn khoăn của con trai, cha mẹ Michelle nói: "Con không cần lo lắng cho bố mẹ. Chỉ cần chọn trường mà con mong muốn".

Cô con gái út Michelle cũng được đầu tư không kém người anh trai.

Tại trung học, do thành tích học tập xuất sắc nên Michelle có tên trong danh sách được đến Paris du học ngắn hạn. Nhưng cô bé biết rằng ra nước ngoài sẽ rất tốn kém và không sẵn lòng đặt bố mẹ dưới áp lực tiền bạc, đành chôn vùi việc du học vào trong lòng.

Vì một lý do nào đó, bố mẹ biết chuyện, chủ động nói với cô: "Dù sao con cũng phải đi học. Việc du học sẽ cho con mở rộng kiến thức và tầm nhìn, đó là một cơ hội hiếm có".

Cha mẹ của Michelle không bao giờ cảm thấy tốn kém khi họ chi tiền cho giáo dục. Họ đã làm mọi việc có thể để hỗ trợ các con được học tại những trường danh tiếng và có một cuộc sống thành công sau này.

Ngoài đầu tư tài chính, đầu tư tinh thần của cha mẹ vào con cái cũng được bắt đầu từ khi Michelle còn nhỏ.

Hàng ngày đi bộ đưa con đến trường, mẹ của Michelle thường dẫn cô vào thư viện, hai mẹ con cùng đọc sách.

Những cuốn sách đã mang đến nhiều kiến thức hơn cho cô so với các bạn cùng trang lứa. Do đó ở trường, Michelle luôn tràn đầy tự tin và tinh thần này đã đồng hành cùng cô suốt cuộc đời.

Anh trai của Michelle say mê chơi bóng rổ từ khi còn nhỏ. Để khuyến khích con nhảy lên cao hơn, mỗi ngày người cha đều đặt một đồng xu vào khung cửa, nơi phải rất cố gắng anh trai mới với tới được.

                     Michelle Obama trong lễ tốt nghiệp trường Luật của Đại học Harvard. Ảnh: ES.

Cha mẹ nên cho con biết, con rất quan trọng

Michelle từng nói, trên con đường phát triển, phương pháp giáo dục sâu sắc nhất của cha mẹ là truyền tải thông điệp: "Con là người quan trọng".

Một buổi sáng, Michelle, người chưa bao giờ thích món trứng, đã hỏi mẹ: "Tại sao chúng ta phải ăn trứng mỗi sáng?" Câu hỏi nhỏ này đã kích hoạt một cuộc thảo luận của cả gia đình về chủ đề protein.

Trong cuộc thảo luận, Michelle khi đó đang học tiểu học đề xuất: "Bơ đậu phộng cũng có thể thay thế protein". Người mẹ suy nghĩ và nói với con bà sẽ xem xét lại quan điểm chỉ ăn trứng để bổ sung protein. Từ đó trở đi, bữa sáng của Michelle là một miếng bánh mì phết bơ đậu phộng và không có trứng.

Con cái thắc mắc gì, dù nhỏ nhất nhưng luôn được cha mẹ trả lời nghiêm túc. Họ luôn làm cho Michelle cảm thấy ở nhà cô là một thành viên quan trọng, được quan tâm và yêu thương.

"Bạn trở nên quan trọng không có nghĩa là do được nuông chiều hay bị bố mẹ tạo quá nhiều kỳ vọng. Trong gia đình, chỉ cần một không gian bình đẳng, nơi có thể nghe thấy tiếng nói và quan điểm của trẻ", Michelle Obama viết trong Becoming.

Trở thành một phụ huynh tốt cần rút lui đúng lúc

Mặc dù cha mẹ của Michelle rất coi trọng con cái nhưng khi chúng có những vấn đề cá nhân, họ không can thiệp quá sâu mà để chúng tự học cách giải quyết vấn đề một cách độc lập.

"Bởi vì bố mẹ tôi cho rằng, trẻ em lớn lên từng ngày và không thể là trẻ em cả đời", cựu đệ nhất phu nhân Mỹ nói.

Mỗi khi vui chơi quá đà và về nhà lúc nửa đêm, thay vì trừng phạt con như nhiều phụ huynh khác, bố mẹ Michelle đã nói chuyện với con và thảo luận thời gian nào về nhà hợp lý nhất. "Bố mẹ chỉ đưa gợi ý, con hãy làm theo những gì mà con thấy đúng và đủ", người mẹ nói.

Phương pháp giáo dục này cho phép trẻ em học cách chịu trách nhiệm về lời nói và việc làm và tự lên kế hoạch cho cuộc sống của mình. Do đó "rút lui đúng lúc" là khi cha mẹ học cách buông bỏ để con cái học cách tự lập.

Michelle Obama  cho rằng bà luôn mạnh mẽ và tự tin bởi cách giáo dục từ nhỏ của gia đình. Ảnh: ES.

Khi Michelle đang học tiểu học bị một bạn nam trong lớp đánh, cô đã sợ hãi khóc suốt buổi học hôm đó. Sau khi mẹ biết chuyện, bà đã lập tức chạy đến trường. Bà nói với con gái: "Cậu bé này đánh con không phải là do con, mà do tính cách thích bắt nạt người khác của cậu ấy. Con phải cho cậu ta biết mình mạnh mẽ như thế nào".

Những lời nói của mẹ đã khiến Michelle học được cách vươn lên. Cô không còn sợ bị bắt nạt trong trường học nữa, mà sẵn sàng tự bảo vệ mình trước những kẻ mạnh hơn.

Tính cách này cũng theo Michelle đến mãi sau này khi chồng bà, cựu tổng thống Barack Obama ra tranh cử và đối mặt với rất nhiều tranh cãi khác nhau. Lúc này,  Michelle luôn sát cánh bên chồng, đáp trả những lời lẽ thiếu tôn trọng người da màu. "Sự tự tin. mạnh mẽ của vợ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cả quá trình tranh cử tổng thống của tôi", vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ thừa nhận.

Trong phần cuối chương kể về tuổi thơ và cha mẹ mình, Michelle viết: "Cách giáo dục của mỗi gia đình không bao giờ giống nhau, quan trọng là cách nào phù hợp nhất với đứa con của mình. Nhưng dù thế nào thì yêu thương và tôn trọng con cái là từ khóa bắt buộc để cha mẹ có được những người con trưởng thành".

Theo vnexpress