leftcenterrightdel
Nhiều sinh viên đại học cởi mở với kiến thức mới sẽ học, nhưng nhiều sinh viên thì ngược lại. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels 

Emily Zurek Small lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Đông Bắc Pennsylvania. Cô luôn có tham vọng nghề nghiệp và cho rằng đại học là con đường rõ ràng nhất để dẫn cô đến thành công.

Chia sẻ với GS Jonathan Malesic, ĐH Texas Dallas (Mỹ), Zurek Small nói rằng cô luôn muốn học hỏi, muốn được trò chuyện một cách thông minh và có hiểu biết về thế giới.

Cô đăng ký học tại Catholic College, chuyên ngành Khoa học thần kinh. Năm 2016, Zurek Small trở thành người đầu tiên trong gia đình có bằng cử nhân, sau đó là bằng thạc sĩ. Hiện tại, cô ấy đang là nhà tâm lý học ở Virginia.

Đặt vấn đề

Viết trên New York Times, GS Malesi cho biết ông đã quan sát kỹ quá trình học tập của Zurek Small trong 2 lớp thần học do ông giảng dạy. Zurek Small là một sinh viên giỏi, nhưng điều khiến vị giáo sư ấn tượng hơn cả là sự chăm chú của cô ấy. Ở trong lớp, cô luôn đặt câu hỏi và khám phá những ý tưởng mà cô cho rằng có ý nghĩa với bản thân.

Một lý do khác khiến Zurek Small chăm chú vào bài giảng là cô ấy đang trả tiền theo cách riêng của mình. Do đó, cô nhận thức rõ ràng về chi phí giáo dục.

“Nếu tôi không chú tâm hoặc không tham gia lớp học, tôi chỉ đang ném tiền qua cửa sổ. Việc tham gia đó đã giúp tôi nhận ra suy nghĩ và ý kiến của mình rất quan trọng", Zurek Small nói.

Khi các trường đại học ở nhiều nước bị giảm số lượng tuyển sinh, họ cần đưa ra những tình huống mở cho việc đi học lại, bất chấp việc họ đang tranh luận để đưa ra phương án tốt nhất nhằm giúp sinh viên đi học sau sự gián đoạn của Covid-19.

Nhiều câu hỏi được đặt ra, như "Các trường nên thực hiện việc dạy học từ xa thế nào?", "Họ nên dạy viết thế nào trong thời đại trí tuệ nhân tạo?", "Việc qua môn hóa hữu cơ sẽ khó như thế nào đối với sinh viên?"...

Nhưng, một câu hỏi quan trọng không kém mà chỉ sinh viên mới có thể trả lời: Họ sẽ làm gì để đạt kết quả cao nhất khi học đại học?

Sẵn sàng học hỏi

Yếu tố quan trọng nhất giúp Zurek Small thành công chính là việc cô luôn sẵn sàng học hỏi. Điều này quá rõ ràng để nhắc đến, nhưng trên thực tế, nó cần được quan tâm và thảo luận nhiều hơn.

Trong hơn 20 giảng dạy đại học, GS Malesi nhận thấy nhiều sinh viên cởi mở với kiến thức mới sẽ học, nhưng nhiều sinh viên thì không. Tuy nhiên, thái độ học tập này không cố định.

GS Malesi cho rằng sự khiêm tốn và tham vọng đều nên được trau dồi, dù 2 yếu tố này nghe có vẻ trái ngược. Đó là những điều cần thiết để việc học diễn ra tốt nhất.

Việc sẵn sàng cho học hỏi có liên quan đến tư duy phát triển, có nghĩa là bạn tin rằng khả năng của bạn không cố định, nó có thể cải thiện. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý, niềm tin chủ yếu không phải về bản thân, mà là về thế giới.

GS Malesi giải thích người ta tin rằng mỗi lớp học đều cung cấp một thứ gì đó đáng giá, ngay cả khi bạn không biết trước thứ đó là gì. Không may, những trở ngại về kinh tế và văn hóa lại đối lập với niềm tin đó.

leftcenterrightdel
GS Malesi cho rằng việc sẵn sàng học hỏi là yếu tố giúp sinh viên học đại học thành công. Ảnh: Pexels 

Trở ngại

Trở ngại đầu tiên là chủ nghĩa nghề nghiệp. Đa số sinh viên ngày nay coi đại học là đào tạo nghề - con đường dẫn đến một nghề nghiệp ổn định.

Tư tưởng này không sai bởi những người có bằng cử nhân thường có mức lương cao hơn 70% so với những lao động chỉ có bằng tốt nghiệp trung học.

Tuy nhiên, định hướng này có thể khiến sinh viên không học được những điều có ích cho triển vọng nghề nghiệp của họ. Thực tế, các sinh viên của GS Malesi thường càu nhàu về việc phải đáp ứng một yêu cầu. Họ thường đặt câu hỏi tại sao phải biết về thần học trong khi họ làm kế toán, huấn luận viên thể thao hoặc quản lý quảng cáo.

Tuy nhiên, GS Malesi cho rằng trí óc con người có khả năng làm được nhiều hơn những gì công việc đòi hỏi. Những lớp học tưởng như vô dụng như triết học, văn học, thiên văn học và âm nhạc có nhiều điều để học hơn sinh viên nghĩ.

“Trong 25 năm, tôi đã không phải giải một bài toán giải tích. Nhưng việc học nó giúp tôi mở rộng trí não, không đơn giản chỉ nằm ở việc học nó để đạt những kỹ năng cần có trong công việc", GS Malesi nói.

Một trở ngại lớn khác đối với sự sẵn sàng học hỏi là việc thôi thúc thể hiện bản thân. Nhà triết học Jonathan Lear gọi thái độ này là sự hiểu biết. Ông coi đó là một căn bệnh cản trở việc sinh viên đạt được kiến thức chân chính.

Theo nhà triết học Jonathan Lear, sự hiểu biết ở khắp mọi nơi xung quanh con người. Điều này khiến con người luôn có áp lực phải hiểu biết, buộc phải đọc, nghe và đưa ra trả lời, thay vì nhu cầu tiếp cận các sự việc dưới góc độ tò mò.

GS Malesi cho biết mỗi học kỳ ông giảng dạy thần học, ngày đầu tiên đến lớp, sinh viên sẽ nói với ông rằng họ sẽ đạt điểm A, bởi họ có 12 năm học ở trường công giáo.

Nhưng thông thường, họ chỉ nhận được điểm C. Những giả định của họ thường khiến họ không học được cách tiếp cận quan trọng hơn đối với chủ đề mà vị giáo sư giảng dạy.

Sự hiểu biết là mối nguy hiểm đặc biệt đối với những sinh viên tài năng - những người đã được khen thưởng vì luôn có câu trả lời đúng.

GS Malesi cho rằng trường đại học là nhà máy sản xuất trí thức của nhân loại. Đồng thời, chúng cũng là “tượng đài" của sự hiểu biết cá nhân. Theo đó, các trường đại học đưa sinh viên vào các lớp học với các nhà nghiên cứu - những người có hiểu biết sâu sắc về tất cả những gì sinh viên không biết.

Trong đó, không ít giáo sư kiêu ngạo, nhưng nhận thức khiêm tốn về giới hạn của kiến thức là bước đầu tiên để họ khám phá thêm một chút.

Phải làm gì?

Để vượt qua chủ nghĩa nghề nghiệp và sự hiểu biết, đồng thời truyền cho sinh viên niềm khao khát học hỏi, nhà trường và phụ huynh cần thuyết phục sinh viên rằng đại học mang lại nhiều điều hơn là đào tạo nghề.

“Bạn chỉ là một công nhân trong một phần nhỏ cuộc đời. Nhưng bạn còn là một con người, một sinh viên có bộ não mạnh mẽ và hoàn toàn có thể phát triển nó", GS Malesi nói.

Ngoài ra, người lớn cần cho học sinh bậc phổ thông thấy rằng chưa biết điều gì đó cũng không sao.

Trường học không phải là chương trình đố vui và học sinh không nhất thiết phải là người đầu tiên trả lời đúng để có phần thưởng lớn nhất. Thay vào đó, nhà trường nên nuôi dưỡng sự tò mò, khám phá của học sinh và để chúng cảm thấy hồi hộp khi tìm ra câu trả lời cho điều gì đó.

GS Malesi tin rằng các giáo viên đều nhận thức được tầm quan trọng của việc này, nhưng rất khó để họ khuyến khích sự tò mò không giới hạn của học sinh bởi các trường đều được đánh giá bằng điểm kiểm tra.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa nghề nghiệp hẹp hòi cũng rất khó để loại bỏ khi toàn bộ nền kinh tế gần như bắt buộc điều đó.

Theo Zingnews