Là nhà văn, người sáng lập chương trình Nuôi dạy con cái tích cực (Positive Parenting Solutions), Amy McCready, sống tại Mỹ, chia sẻ phương pháp giúp trẻ xây dựng tính trung thực.
Sarah, bạn của tôi, lo lắng việc con gái nói dối. Sarah kể con gái đã lấy trộm tiền trong ví của cô. Dù đã phạt cô bé bà mẹ vẫn không yên tâm, cảm thấy các biện pháp chưa đủ triệt để.
Sự bối rối của Sarah là điều dễ hiểu vì không gì đáng lo ngại bằng việc thấy con mình nói dối, dù là về ăn vụng một chiếc bánh hay bị điểm kém trong bài kiểm tra. Tuy nhiên, trên thực tế, các hình phạt của bố mẹ không thể giải quyết hoàn toàn hành động nói dối. Ngược lại, những hình phạt như quát mắng, đòn roi còn khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Đó cũng là lý do Sarah cảm thấy chưa yên tâm.
Từng lắng nghe chia sẻ và làm việc với nhiều phụ huynh trong tình huống tương tự, tôi rút ra bảy phương pháp khuyến khích trẻ trung thực.
1. Thái độ của phụ huynh
Trước khi hành động, phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí của trẻ. Ngay cả người lớn nhiều khi cũng nói dối để bảo vệ bản thân nên việc trẻ nói dối là điều không thể tránh khỏi. Trẻ che giấu sự thật có thể vì lo sợ thái độ của bố mẹ đối với hành vi sai lầm của mình. Chẳng hạn, nếu bạn la hét con vì tội ăn vụng, cháu sẽ ghi nhớ thái độ của bạn. Lần sau, để không bị mắng, cháu sẽ nói dối.
Vì vậy, trước các hành vi sai lầm của trẻ, phụ huynh cần giữ thái độ bình tĩnh, không la mắng hay đòn roi. Lần tới nếu mắc lỗi, trẻ sẽ không tìm cách nói dối để trốn tội mà sẽ nói sự thật.
2. Chuyển hướng giải pháp
Thay vì tập trung vào kết tội, bố mẹ hãy chuyển hướng sang giải pháp khắc phục các hành vi sai trái. Chẳng hạn, khi trẻ đi giày bẩn vào nhà, bạn hãy hỏi: "Vết bẩn này nên dọn thế nào đây?", thay cho câu: "Ai đã làm bẩn ra sàn?".
Nếu bạn hỏi ai làm bẩn, nhiều khả năng trẻ sẽ nói dối. Nhưng nếu hỏi về cách dọn dẹp, bạn sẽ trao con cơ hội thể hiện khả năng giải quyết vấn đề, tinh thần trách nhiệm. Những lần sau, trẻ sẽ ghi nhớ để không tái phạm.
3. Hỏi thay vì buộc tội
Nếu bạn muốn thảo luận về hành vi nói dối của trẻ, hãy tìm hiểu lý do tại sao các bé không nói sự thật. Thay vì chì chiết, la mắng ép trẻ phải thú nhận đã nói dối, bạn nên khuyến khích trẻ chia sẻ lý do không nói thật.
Ảnh: Theasianparent.
Chẳng hạn, hãy nói rằng: "Bố/mẹ hiểu con cảm thấy khó khăn khi nói về những gì thực sự đã diễn ra. Bố/mẹ muốn lắng nghe câu chuyện. Con hãy nói cho bố/mẹ nghe nhé". Bằng cách bắt đầu câu chuyện theo hướng này, bạn đang khuyến khích con trung thực trong tương lai. Đồng thời, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi nói về gánh nặng trong lòng.
4. Khuyến khích sự trung thực
Bất cứ khi nào trẻ nói thật, bố mẹ hãy khen ngợi con. Điều này khiến trẻ nhận ra rằng nói thật đôi khi cần rất nhiều dũng cảm, nhưng đổi lại đây là hành động đúng đắn, được bố mẹ ủng hộ. Từ đó, giúp trẻ xây dựng tính cách trung thực.
5. Sửa lỗi
Khi phát hiện con nói dối, bố mẹ nên cùng con thảo luận hướng giải quyết hoặc cách làm khác trong trường hợp tương tự. Chẳng hạn, hãy yêu cầu các bé suy nghĩ thêm những biện pháp giải quyết vấn đề thay vì nói dối. Bài học này có tính định hướng, giúp trẻ học hỏi thêm các cách giải quyết vấn đề thay vì lấp liếm nó.
6. Yêu vô điều kiện
Đôi khi, trẻ em nói dối vì sợ khi biết sự thật, bố mẹ sẽ không còn yêu thương mình. Nỗi sợ này có thể xuất phát từ việc các em ít khi được bố mẹ quan tâm, chăm sóc hoặc được bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng, dẫn đến áp lực phải là người con hoàn hảo.
Bạn cần thể hiện tình yêu, sự quan tâm đến con, dù các bé có phạm sai lầm. Khi đã nhận ra tấm lòng của bố mẹ, nhiều khả năng trẻ sẽ cảm thấy yên tâm, thoải mái chia sẻ cảm xúc thật.
7. Làm gương
Trước khi lo lắng về việc trẻ nói dối, phụ huynh cần nhìn nhận lại bản thân xem mình đã là tấm gương tốt cho con cái hay chưa. Ví dụ, khi bạn bè mời bạn đi ăn tối nhưng bạn nói dối có việc bận, bạn bè sẽ không biết sự thật nhưng con bạn thì có. Từ hành động của bố mẹ, trẻ sẽ hiểu nhầm rằng việc nói dối là có thể chấp nhận được.
Trẻ có thể chưa phân biệt được giữa những lời nói dối vô hại và tiêu cực, không biết nói dối là xấu. Vì vậy, bố mẹ phải là tấm gương về lòng trung thực cho con. Nếu cần từ chối khéo léo người khác, bạn nên nói khi không có mặt trẻ. Bạn cũng nên đề nghị mọi thành viên trong gia đình không nói dối nhau, cố gắng chia sẻ chân thành chuyện cá nhân để trẻ lấy làm học tập.
Theo vnexpress