Những quyết định của bố mẹ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Những điều tưởng chừng đơn giản như chọn thái độ nghiêm khắc hay khoan dung vốn là điều không dễ dàng. Nghiên cứu đã chỉ ra có 4 kiểu giáo dục phổ biến của các bậc cha mẹ, đi kèm với những tác động khác nhau đến con trẻ.
1. Khắt khe và kiểm soát
Cha mẹ độc đoán là những người rất nghiêm khắc và kiểm soát. Con cái của họ phải răm rắp tuân theo quy tắc của họ mà không được phép thắc mắc. Thương lượng là điều gần như không xảy ra, bởi họ sẽ xem đó là phản kháng. Những cha mẹ này không để tâm đến cảm xúc và ý kiến của con. Khi trẻ phạm lỗi, họ sẽ thường dùng hình phạt nặng tay thay vì kỷ luật nhẹ nhàng hơn. Những phụ huynh này tin rằng sự khó khăn đó sẽ giúp cho con họ làm quen với sự khắc nghiệt và chuẩn bị tinh thần đối mặt với thế giới thực.
Tuy nhiên, phong cách nuôi dạy này thực ra có thể gây hại đến trẻ. Con cái của những phụ huynh độc tài như vậy có xu hướng trở nên ít độc lập, bất an hơn, cũng như nảy sinh các vấn đề về lòng tự trọng, không có các kỹ năng xã hội quan trọng. Điều này là vì trẻ lớn lên trong một môi trường không xem trọng ý kiến riêng của chúng và bố mẹ luôn là người quyết định mọi thứ.
Sự độc đoán từ phía bố mẹ còn có thể khiến trẻ trở thành người hung hăng và cứng nhắc trong các mối quan hệ sau này. Những đứa trẻ như vậy có thể sẽ không phân biệt được điều đúng-sai vì chúng đã quen với việc không bao giờ được giải thích. Chúng cũng có khả năng nói dối nhiều hơn vì muốn tránh bị trừng phạt. Bị áp đặt luật lệ quá nghiêm ngặt cũng có thể khiến sẽ gặp vấn đề với sự tự chủ.
2. Chu đáo và tôn trọng
Cha mẹ xem trọng con cái có điểm tương đồng với những phụ huynh độc đoán ở chỗ họ đều đặt ra ranh giới và tạo ra quy tắc. Tuy nhiên, điều khác biệt là họ giải thích các hành động và quyết định của mình cho con cái. Họ dành nhiều sự chú ý đến suy nghĩ và cảm xúc của con. Thay vì “trừng phạt” nặng nề, họ dùng đến kỷ luật động viên những hành vi tốt.
Kiểu nuôi dạy con cái này còn được gọi là “dân chủ”, vì trẻ em được phép nói lên ý kiến của mình và thảo luận với cha mẹ. Các phụ huynh thuộc nhóm này cũng đầu tư rất nhiều tâm sức vào sự phát triển của con cái nhưng không kiểm soát quá mức. Con cái của họ được phép mắc lỗi và học hỏi từ sai lầm mà không phải chịu đòn roi, hay các hình thức “trừng phạt” đáng sợ khác.
Con cái của những bậc cha mẹ thuộc nhóm phong cách này thường độc lập và tự tin hơn. Những người trẻ này có xu hướng tự ra quyết định và sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt. Họ cũng có thể kiểm soát bản thân và cảm xúc ổn định hơn, cũng như thấu cảm cho người khác hơn. Tất cả những kỹ năng này có thể giúp họ thành công trong cuộc sống.
3. Quá thoải mái
Cha mẹ dễ dãi cũng có thể đặt ra các quy tắc, nhưng lại hiếm khi thực hiện. Họ có thể khó từ chối hoặc hiếm khi kỷ luật con cái. Với họ, hành vi xấu dễ dàng được cho qua. Họ hành xử giống như bạn bè của con hơn là cha mẹ đúng nghĩa. Những phụ huynh dễ dãi coi trọng cảm xúc và mong muốn của con cái có phần quá mức. Điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
Vì bố mẹ nuông chiều hiếm khi sử dụng kỷ luật, con cái của họ có thể gặp vấn đề với việc tự kiểm soát và tuân theo các quy tắc. Về lâu dài, điều này có thể có tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của trẻ. Những người lớn lên trong môi trường như vậy cũng có thể cảm thấy có quyền có được bất cứ thứ gì họ muốn. Hệ quả thường thấy là những trẻ em này thường không có lòng tự trọng cao và thành tích học tập không tốt.
4. Thờ ơ, vô tâm
Những bậc cha mẹ này thường không tỏ ra quan tâm, hầu như không có mặt trong cuộc sống của con cái. Do đó, họ cũng có rất ít ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Họ không đặt ra quy tắc, không hỗ trợ hoặc hướng dẫn gì mà chỉ nghĩ rằng con cái của họ sẽ tự lớn lên. Sự “lơ là” này không phải khi nào cũng là cố ý. Trường hợp này thường xảy ra trong các gia đình với phụ huynh quá bận rộn và có nhiều vấn đề cá nhân, chẳng hạn như căng thẳng công việc hoặc gặp nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần.
Con cái của những phụ huynh này có thể sẽ gặp vấn đề về lòng tự trọng và khả năng học tập. Các em cũng có khả năng gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dẫn đến xu hướng bốc đồng. Bên cạnh đó, trẻ sẽ khó tuân theo các quy tắc, khó giao tiếp và hạn chế trong việc hình thành mối quan hệ thân thiết với những người khác, đơn giản vì các em không nhận được sự yêu thương và hỗ trợ khi còn nhỏ.
Theo vtv