Những người nước ngoài đưa ra những nhận xét kiểu này cũng thường thắc mắc về lý do tại sao trẻ em Nhật Bản lại như vậy.
Họ cho rằng: Phong cách nuôi dạy con của người Nhật rất nghiêm khắc; Nhật Bản rất an toàn, cho trẻ em nhiều cơ hội hơn để học tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ; Các bà mẹ Nhật Bản không chiều con nhiều như các bậc cha mẹ phương Tây.
Phong cách nuôi dạy con điển hình của người Nhật là gì?
Nhà tâm lý học Heidi Keller xác định hai kiểu nuôi dạy con cái cơ bản đó là: Gần gũi và giữ khoảng cách.
Phong cách nuôi dạy con gần gũi gắn liền với sự tiếp xúc cơ thể nhất quán và kéo dài giữa mẹ và con, trong khi phong cách nuôi dạy con cái "có khoảng cách" chú trọng nhiều hơn vào giao tiếp bằng mắt và giao tiếp thông qua nét mặt và lời nói.
Phong cách nuôi dạy con gần gũi là phổ biến ở Nhật Bản. Vì vậy, những việc như ngủ chung, tắm chung và chơi cùng nhau giữa mẹ và con nhỏ là rất bình thường.
Các bà mẹ Nhật Bản cũng được biết đến với việc chủ động dự đoán nhu cầu của con mình, khiến việc ngăn ngừa con quấy khóc trở thành ưu tiên hàng đầu.
Các bà mẹ Nhật Bản hầu như luôn ở bên con mình trong hai năm đầu đời của đứa trẻ. Trên thực tế, một cuộc khảo sát cho thấy các bà mẹ Nhật Bản chỉ dành trung bình 2 giờ mỗi tuần để xa con, so với các bà mẹ Mỹ dành 24 giờ mỗi tuần.
Những thứ như, nhờ người trông trẻ, những buổi tối để con nhỏ ở nhà và đi xem phim, hoặc những chuyến đi cuối tuần chỉ dành cho bố và mẹ... không phổ biến trong văn hóa Nhật Bản. Nếu bạn là một người mẹ "chuẩn chỉ" ở Nhật Bản, bạn sẽ muốn con được bố mẹ quan tâm đầy đủ nhất trong hai năm đầu tiên của cuộc đời.
Ở phương Tây, các bà mẹ thường khuyến khích con cái độc lập. Em bé phương Tây thường được dạy tính tự lập sớm. Đối với một bà mẹ phương Tây, cho phép trẻ quấy khóc tức là cho trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng về thể hiện bản thân và tính quyết đoán.
Các bà mẹ Nhật Bản lại có xu hướng nhìn nhận rằng con nhỏ hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Vì thế, các ranh giới giữa hai mẹ con bị xóa nhòa, mong muốn của đứa trẻ gần như trở thành của người mẹ và ngược lại.
Kết quả của phong cách nuôi dạy con kiểu Nhật là gì?
Nhà tâm lý học Heidi Keller, ngoài việc xác định hai phong cách nuôi dạy con, đã tìm thấy mối tương quan cao giữa phong cách nuôi dạy con kiểu Nhật và sự phát triển sớm của khả năng tự điều chỉnh.
Tự điều chỉnh đề cập đến khả năng kiểm soát và giám sát cảm xúc, hành vi, suy nghĩ và sự chú ý của chính mình. Tự điều chỉnh có thể được nhìn thấy trong việc trẻ lắng nghe lời chỉ dẫn của cha mẹ, khả năng tự phục hồi sau nỗi đau khổ về cảm xúc hoặc có thể kiên trì thực hiện một nhiệm vụ, ngay cả sau khi thất bại.
Vì vậy, nhìn chung, trẻ em Nhật Bản có khả năng tự điều chỉnh bản thân khá tốt ngay từ khi còn nhỏ.
Một ví dụ hoàn hảo về khả năng tự điều chỉnh ở trẻ em Nhật Bản được thể hiện qua chương trình truyền hình thực tế My First Errand. Đây là một chương trình được phát sóng từ năm 1991 trên Đài truyền hình Nippon.
Chương trình mô tả nỗ lực của những em nhỏ Nhật Bản (từ 3-6 tuổi) tự mình ra phố làm các việc như mua hàng tạp hóa, giao gói hàng (có sự đồng hành của nhóm quay phim). Chương trình này từng được đông đảo khán giả xem truyền hình yêu thích.
Tầm quan trọng của sự đồng cảm
Xem xét hành động của chính mình có ảnh hưởng đến người khác như thế nào là rất quan trọng để duy trì một trong những điều quý giá nhất ở Nhật Bản: Sự hòa hợp trong nhóm.
Điều này làm cho sự đồng cảm trở thành cốt lõi của văn hóa Nhật Bản và không có gì ngạc nhiên khi đó là cốt lõi của cách nuôi dạy con cái của người Nhật.
Trong khi các bậc cha mẹ phương Tây thường yêu cầu con cái vâng lời thông qua việc sử dụng các mệnh lệnh và hình phạt bằng lời nói thì các bà mẹ Nhật Bản được biết đến là người thường xuyên cho con cái biết rằng, hành động của chúng ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác hoặc thậm chí là cảm xúc của đồ vật như thế nào.
Trẻ em Nhật Bản ngay từ khi còn nhỏ đã bắt đầu thấm nhuần tầm quan trọng của việc nghĩ cho người khác trước khi hành động.
Tính kỷ luật ở Nhật Bản
Các bậc cha mẹ ở Nhật Bản có xu hướng đưa ra nhiều quy tắc hơn và không phụ thuộc quá nhiều vào hình phạt.
Thay vào đó, trẻ em Nhật Bản là một phần của các nhóm nhỏ tại trường học, câu lạc bộ sau giờ học... Nhóm này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và hòa hợp. Áp lực xã hội từ các tập thể này gián tiếp yêu cầu trẻ phải tuân thủ quy định và dạy trẻ cách cư xử đúng đắn và biết vâng lời.
Văn hóa và trẻ em
Văn hóa bắt đầu ảnh hưởng đến trẻ em ngay cả trước khi chúng được sinh ra, từ những thứ mẹ chúng ăn đến âm thanh chúng bắt đầu nghe thấy khi còn trong bụng mẹ.
Sau khi trẻ em được sinh ra, ảnh hưởng của văn hóa gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Thời điểm phát triển một số kỹ năng nhất định ở trẻ em phụ thuộc vào tầm quan trọng của nền văn hóa đối với kỹ năng đó.
Vì vậy, ở Nhật Bản, nơi những thứ như sự đồng cảm và hạn chế bộc lộ cảm xúc được coi trọng, trẻ em có thể phát triển những kỹ năng này từ rất sớm.
Nhiều người băn khoăn không biết cách nuôi dạy con cái theo kiểu Nhật hay kiểu Tây tốt hơn? Thực ra, đó đơn giản là sự khác biệt giữa các nền văn hóa.
Thay vào việc so sánh, có lẽ những câu hỏi hay hơn nên hỏi là: "Tôi có thể học được gì từ những cách nuôi dạy con cái như thế này? Có điều gì tôi có thể học hỏi từ phong cách nuôi dạy con cái của người Nhật và áp dụng vào cuộc sống của chính mình không?".
Theo dantri.com.vn