Phan Quang Nghĩa, 24 tuổi, cựu sinh viên Đại học châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan (Ritsumeikan Asia Pacific University, Nhật Bản). Năm 2020, Nghĩa giành học bổng Erasmus Mundus, chương trình European Politics and Society (Chính trị và Xã hội châu Âu) trị giá 47.000 euro (khoảng 1,2 tỷ đồng).

Trong hai năm, Nghĩa sẽ lần lượt học tại Cộng hòa Séc, Ba Lan và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do Covid-19 và gặp trục trặc visa, Nghĩa đã phải học online trong năm đầu tiên và muốn chia sẻ trải nghiệm này với những du học sinh đang gặp tình cảnh tương tự.

Lý do mình không sang được châu Âu

Do đã học đại học ở Nhật Bản, để xin được visa đi Cộng hòa Séc cho học kỳ đầu tiên của chương trình thạc sĩ, mình cần có lý lịch tư pháp (police check) từ phía Nhật Bản. Quá trình này mất rất nhiều thời gian (khoảng 2,5 tháng) nên đến cuối tháng 10/2020 mình mới đủ giấy tờ để nộp xin visa sang Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, ngày nhận được visa là 7/1/2021, khi học kỳ 1 vừa kết thúc nên mình đã không thể đến quốc gia đầu tiên trong chương trình học.

Đến học kỳ 2 (tháng 2/2021), lẽ ra mình sẽ đến Ba Lan nhưng lúc đó tình hình dịch bệnh ở châu Âu căng thẳng trong khi Việt Nam đang ổn định. Trường mình theo học cũng quyết định dạy online toàn bộ kỳ 2 nên dù có sang, mình cũng không thể học trực tiếp. Ngành của mình không yêu cầu nghiên cứu ở phòng lab nên không bắt buộc sang. Do vậy, mình quyết định ở nhà.

Phan Quang Nghĩa, học giả chương trình European Politics and Society, học bổng Erasmus Mundus 2020-2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chỉ nên học online khi bất khả kháng

Trừ khi học online là không thể tránh khỏi, bạn không nên chủ động lựa chọn hình thức này. Khi không kịp xin visa, mình đã tự an ủi bản thân bằng suy nghĩ "mình từng học ở nước ngoài rồi, sự háo hức sẽ không còn nhiều như những bạn du học lần đầu". Tuy nhiên, đến khi trực tiếp trải nghiệm một năm học online, mình nghĩ rằng sang được tận trường, học trực tiếp vẫn tốt hơn nhiều.

Về khía cạnh học tập, cả sinh viên và giảng viên trong chương trình của mình đều không thích học online vì việc truyền tải và tiếp nhận kiến thức đều kém hiệu quả hơn so với học trực tiếp. Bên cạnh đó, thời gian các lớp học diễn ra đều rơi vào khoảng chiều tối ở Việt Nam, một số lớp tối muộn nên bạn sẽ rất khó tập trung được vì mệt mỏi.

Kiến thức chủ yếu được tiếp nhận thông qua đọc tài liệu chứ việc nghe giảng và trao đổi trên lớp không hiệu quả cao. Thế nhưng việc tiếp cận thư viện điện tử cũng khó khăn hơn nhiều do không phải tài liệu nào bạn cần cũng có bản điện tử. Ngoài ra, các môn xã hội sẽ có hình thức kiểm tra mới, chuyển từ trắc nghiệm sang viết luận, tạo ra nhiều vấn đề không được lường trước.

Xét về khía cạnh xây dựng mối quan hệ trong khi học, giáo viên hầu như không thể nhớ được bạn do tính chất học online. Điều này khiến quan hệ giữa bạn với thầy cô kém hơn, ảnh hưởng đến khả năng xin thư giới thiệu về sau. Bạn bè cùng khóa, những người đã gặp gỡ và tương tác trực tiếp, cũng thân với nhau hơn nên bạn có thể cảm thấy lạc lõng.

Về sinh hoạt cá nhân, việc dành thời gian chủ yếu ở nhà bên máy tính ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của mình. Mình cảm giác thấy khó phân biệt thời gian làm việc, học tập với thời gian sinh hoạt cá nhân, từ đó việc nghỉ ngơi và thư giãn trở nên khó hơn.

Điều mình tự an ủi là học online ở Việt Nam có thể giúp mình tiết kiệm tương đối nhiều tiền sinh hoạt phí. Mình luôn tự nhủ là sẽ dùng khoản tiền này để du lịch châu Âu, bù lại những ngày không thể lên lớp trực tiếp.

Nếu phải học online, bạn nên làm gì?

Kỳ học online đầu tiên, điểm của mình không cao, hầu hết B, C do chưa quen cách học, đồng thời chật vật vượt qua stress. Đến kỳ 2, khi đã tìm ra phương pháp hợp lý, điểm số của mình được cải thiện rõ rệt với toàn bộ điểm A.

Mình nghĩ, bạn cần đầu tư cho không gian học, nghiên cứu bằng bộ bàn ghế tốt, rộng rãi. Một chiếc máy tính rời cũng sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, nên đầu tư một màn hình có công nghệ giảm ánh sáng xanh. Bạn sẽ nhìn màn hình rất nhiều nên hãy tìm mọi cách để mắt nghỉ ngơi, uống thuốc bổ và sử dụng loại kính chống ánh sáng xanh.

Khi học online, bạn sẽ vận động ít hơn rất nhiều so với người khác. Do vậy, hãy lên lịch cụ thể để tập thể dục mỗi ngày. Nếu không, sau một thời gian bận rộn với việc học, bạn sẽ lười tập luyện thể chất, từ đó gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần.

Học online là quá trình khó khăn, do vậy bạn không nên quá hà khắc với bản thân. Ngoài học, hãy tranh thủ thời gian thư giãn, làm những việc mình thấy vui. Giữa những kỳ học, vì không thể đi chơi, khám phá châu Âu, mình thực hiện những dự án cá nhân. Việc này giúp mình bận rộn hơn, đỡ suy nghĩ lung tung và có thêm nhiều hoạt động giúp ích cho sau này.

Nghe có vẻ thừa, nhưng mình nghĩ bạn nên tranh thủ gặp nhiều người nhất có thể để đổi không khí, cũng như bù đắp cho việc thiếu tương tác xã hội của việc học online. Ngoài ra, vì từng stress trong học kỳ đầu tiên, mình hiểu tầm quan trọng của dịch vụ tư vấn tâm lý. Chương trình học vốn đã vất vả, nhất là trong điều kiện dịch bệnh nên đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ về tinh thần khi cần thiết.

Bên cạnh đó, việc bạn ở nhà và ôm máy tính suốt ngày có thể khiến người thân khó có thể nhận ra những áp lực bạn đang phải đối mặt. Do đó hãy cố gắng giải thích cho gia đình hiểu bạn đang trải qua điều gì, từ đó tạo ra không gian và tinh thần học tập hiệu quả hơn.