Bài viết của nhà văn Văn Quyên đăng trên diễn đàn làm cha mẹ của trang sohu.com
Đồng nghiệp của tôi kể một lần tình cờ đọc được nhật ký của con gái, trong đó viết: "Tôi đã đến sân chơi với những người bạn của mình để thử thách ngôi nhà ma. Tôi nghĩ rằng trong đó sẽ rất khủng khiếp, nhưng rồi thấy sai lầm. Mọi thứ không gì khủng khiếp bằng khi mẹ giận tôi".
Vị đồng nghiệp đó rất chán nản, cô nói rằng không thể kiềm chế nổi cảm xúc mỗi khi giáo dục bọn trẻ, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình lại gớm ghiếc trong đầu chúng như vậy.
Có thể thấy cơn nóng giận của người mẹ ảnh hưởng sâu sắc đến đứa trẻ như thế nào. Đôi khi cảm xúc giống như ma quỷ, làm tổn thương người khác và bản thân, nhưng người mẹ không kiểm soát được cảm xúc của mình có thể mang đến những tác hại không ngờ cho con cái.
Không thể tính toán được mức nguy hiểm của cảm xúc đối với trẻ em
Có nhiều sự vụ gần đây được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người phản ứng gay gắt: Do con gái gây rối trong lớp học và mâu thuẫn với bạn cùng lớp, người mẹ vì quá tức giận đã tát túi bụi con gái ngay tại khuôn viên trường. Một đứa trẻ khác mải chơi game không làm bài tập về nhà, người mẹ trong một phút bốc đồng sau khi cãi vã với con đã nhảy sông tự vẫn. May mắn bà được người đi đường cứu sống.
Hành vi của những bà mẹ này sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy tình yêu mẹ dành cho mình là có điều kiện. Nếu con nghe lời, mẹ sẽ yêu con. Ngược lại nếu không ngoan ngoãn, mẹ sẽ không cần con, thậm chí có thể từ bỏ mạng sống để chứng minh điều đó.
Những hành vi này khiến trẻ có cái nhìn sai lầm về cuộc sống và gây tổn thương tinh thần cho chúng.
Chúng ta luôn phàn nàn rằng con cái chúng ta quá nghịch, không tuân theo kỷ luật. Thực tế, sự phát triển tính cách của trẻ không thể tách rời gia đình. Cha mẹ nếu không kiểm soát được cảm xúc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến con cái.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Trung Quốc Vũ Chí Hồng từng nói: Con cái là nơi thu nhận cảm xúc của cha mẹ, khi cha mẹ bực bội, trẻ sẽ lập tức cảnh giác. Khi cha mẹ thư giãn, đứa trẻ cảm nhận được hạnh phúc. Những cảm xúc mà cha mẹ không bao giờ để ý đó giống như một hạt giống vô tình gieo mầm vào tâm hồn đứa trẻ rồi đâm chồi nảy lộc.
Tôi từng thấy câu chuyện được chia sẻ trên một diễn đàn:
"Mẹ luôn mất bình tĩnh, tôi không biết lý do và thực sự rất khó chịu. Mẹ sẽ mắng nếu con học không tốt. Nếu học tốt hơn mẹ sẽ nói con ngoan trước mặt người ngoài nhưng vẫn mắng con. Tôi không thích làm việc nhà, thậm chí còn rất ghét vì mẹ thường yêu cầu tôi làm việc đó, nếu làm không tốt hoặc sai cũng sẽ bị mẹ mắng. Tâm trạng không tốt của mẹ khiến tôi trở nên yếu đuối và sợ phản kháng. Tôi luôn thấy tự ti và cảm thấy mình là người thất bại. Tóm lại tôi ghét về nhà và không muốn gặp mẹ. Tôi khao khát độc lập về tài chính và muốn bỏ nhà đi nhưng tôi sợ bước vào xã hội".
Trong cuốn sách: "Khi cơn giận dữ làm tổn thương con bạn" có viết: Sự tức giận sẽ phủ bóng đen lâu dài. Nó không gây chết người ngay lập tức nhưng sẽ gây tổn hại đến trí tuệ và tính xã hội của trẻ.
Cảm xúc của mẹ quyết định "nhiệt độ" trong gia đình
Nữ diễn viên Trung Quốc Hải Thanh từng chia sẻ câu chuyện của con trai mình.
"Tôi từng tức giận với con trai vì một sự cố nhỏ. Không ngờ hôm sau, con trai vẽ tặng tôi một bức tranh, phía sau có viết: Mẹ dạo này tính khí không ổn định. Hãy đọc kinh niệm phật, uống trà và thư giãn. Điều này rất tốt cho sức khỏe". Câu cuối cậu bé tô đậm dòng chữ: "Mẹ khỏe thì con mới khỏe. Mẹ bình an thì gia đình mới bình an".
Khi mẹ có tâm trạng không tốt, đứa trẻ không chỉ chạm vào được mà còn cảm nhận được cảm xúc của mẹ sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình. Vì vậy, có một người mẹ ổn định tâm lý rất quan trọng đối với cả gia đình.
Hồng Lan, nhà tâm lý học Đài Loan, một diễn giả thường xuất hiện trên TED Talk, từng nói: "Mẹ là linh hồn của gia đình. Mẹ vui thì gia đình hạnh phúc, mẹ lo lắng thì gia đình cũng bất an".
Cha mẹ thông minh không để con trả giá cho cảm xúc tồi tệ của mình
Trong chương trình "Hello, Mom", người dẫn chương trình hỏi diễn viên Đào Hồng: "Bạn có hiểu được sự lo lắng, tức giận của những bậc phụ huynh khi kèm con cái mình học tập không?"
Đào Hồng nói: "Có thể hiểu được. Nhưng sự tức giận, lo lắng lúc đó sẽ khiến trí tuệ trở về con số 0. Một khi bạn là ngòi nổ thì những cuộc chiến sau đó sẽ vì bạn mà xảy ra. Khi sự tức giận và lo lắng của bạn lên đến đỉnh điểm, bạn nên dừng lại một lúc và đừng phản ứng với trẻ ngay lập tức", nữ diễn viên chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Bản chất của giáo dục thực sự là sự rèn luyện của cha mẹ. Trước tiên cha mẹ phải đạt được sự ổn định và xử lý được cảm xúc của mình một cách chính xác. Chỉ như vậy trẻ mới có thể tự tin đối mặt với khó khăn trở ngại và bao dung hơn với thế giới.
Trải nghiệm của tác giả Lưu Kế Vinh trong cuốn sách "Những người ngồi bên đường vỗ tay" rất cảm động:
Cách đây không lâu, cô nghe con trai nói với các bạn qua điện thoại rằng cậu không vui. Nhớ lại buổi họp phụ huynh vài hôm trước, cô giáo nói rằng con trai Lưu gần đây trở nên cực đoan, mỗi khi viết bài luận, cậu có lời lẽ đầy bi quan và tiêu cực. Lưu tò mò con trai đã có tất cả, sao lại không vui?
Rồi Lưu ngẫm nghĩ, gần một năm nay ngày nào bà cũng bước về nhà với vẻ mặt chua chát sau khi tan sở. Bà cũng không ngừng kêu ca, phàn nàn khắp nơi, con trai bắt đầu ngấm những cảm xúc tồi tệ từ mẹ. Lưu bắt đầu suy nghĩ, làm sao một người mẹ không hạnh phúc lại có thể nuôi dưỡng một đứa trẻ trở nên hạnh phúc? Vì con trai, cô quyết định thay đổi bản thân.
Trước khi vào nhà, dù mệt đến đâu Lưu cũng nở một nụ cười niềm nở. Khi rửa rau và nấu ăn, cô không còn thở dài thườn thượt như trước. Sau khi ăn tối, cô dành thời gian tập thể dục hoặc chơi bóng bàn. Cô cùng con trai nghe nhạc, ra công viên ngắm hoa nở, đạp xe tới ngoại ô, nghe con ngồi trên bậc thềm réo rắt hát. Dần dà, Lưu thấy nụ cười và sự hài lòng trên khuôn mặt của con trai mình. Trong bài luận mới nhất, con trai có viết: "Tôi sẽ đưa cuộc đời mình vào thơ". Lời nhận xét của cô giáo càng làm người mẹ này vui hơn: "Trẻ có hạnh phúc thì mới viết được những vần thơ vui như thế".
Nhà giáo dục người Ukraina V.A.Xukhômlinxk từng nói: "Mỗi giây phút nhìn thấy con, bạn cũng nhìn thấy chính mình. Khi giáo dục con cái, bạn cũng đang giáo dục và kiểm tra lại nhân cách của mình".
Cha mẹ tốt không bao giờ để những cảm xúc xấu ảnh hưởng đến con cái, mà tạo không khí tốt để chúng lớn lên, đồng thời không ngừng suy ngẫm, hoàn thiện bản thân, giúp cuộc sống hài hòa và tốt đẹp hơn.
Vì con cái, vì gia đình, hãy là một người mẹ vững vàng về tình cảm. Hãy từ từ bớt nóng nảy, thay đổi cách giáo dục và hít thở sâu vài lần trước khi nổi nóng, có thể những thay đổi của con sẽ khiến bạn bất ngờ.
Tuổi thơ chỉ có một lần và thời gian sẽ không bao giờ quay trở lại. Con đường trưởng thành của con cái cũng là con đường thực hành của cha mẹ.
Theo vnexpress