Nếu lớn lên trong một gia đình Á Đông, hẳn bạn đã từng nghe nhiều lời cằn nhằn của bố mẹ. Những câu nói ấy không chỉ thách thức sự kiên nhẫn mà còn động chạm tới cái "tôi" của bạn.
Theo chuyên gia trị liệu tâm lý người Mỹ gốc Hoa Sam Louie, bố mẹ Á Đông cằn nhằn về mọi vấn đề: cân nặng, sức khỏe, điểm số, công việc, tình yêu. "Tôi mới có con. Bố mẹ tôi thường cằn nhằn vì tôi không mặc quần áo cho bé khi trời lạnh và để con chơi bên ngoài lúc mưa", Louie kể.
|
Cằn nhằn con cái là thói quen của nhiều bố mẹ Á Đông. Ảnh:Shutterstock. |
Tại gia đình Louie, mẹ anh trở thành "nhà trị liệu" các vấn đề hôn nhân, luôn luôn yêu cầu con trai ngừng bất đồng với vợ. Bố Louie thì hay chê anh quá tự phụ khi tự tin vào khả năng lái xe.Tới lúc Louie ốm, họ tỏ ra là những chuyên gia y tế tự tin chẩn bệnh: "Con mệt là do uống không đủ nước đấy".
Vậy tại sao bố mẹ Á Đông lại thích cằn nhằn? "Hiện tượng này liên quan đến truyền thống giao tiếp gián tiếp", Louie giải thích. Suốt nhiều thế hệ, các bố mẹ Á Đông không trực tiếp nói yêu con mà truyền đạt qua việc nấu ăn, dọn dẹp, trả tiền học và cằn nhằn. Đối với họ, có yêu thương, quan tâm mới cằn nhằn.
Ngoài ra, lời cằn nhằn là một lớp bảo vệ của bố mẹ Á Đông. Họ chưa bao giờ được dạy cách cởi mở, sống thật với tình cảm nên cố gắng giấu đi những cảm xúc mà họ nhầm tưởng là yếu đuối.
Louis nhận định lối hành xử trên trái ngược với bố mẹ phương Tây và dễ phản tác dụng. Rất thường xuyên, thông điệp bị truyền đi sai lệch khiến trẻ nghĩ rằng bố mẹ hách dịch, thiếu đồng cảm và quá sức chịu đựng.
Để tránh mâu thuẫn, bố mẹ Á Đông hãy cố gắng nói ra tình cảm của mình, chủ động chia sẻ để con cái hiểu đúng ẩn ý đằng sau lời cằn nhằn.
"Thỉnh thoảng tôi phải nhắc nhở bản thân rằng bố mẹ cằn nhằn vì muốn nói lời yêu", Louie giãi bày. "Mẹ tôi cũng thừa nhận dù không nói ra, tận sâu trái tim họ vẫn là tình yêu dành cho các con".
Theo vnexpress