Tôn chỉ của Ryerson là phải dựa vào chương trình giáo dục khung và sách giáo khoa chỉ là một trong những công cụ để đạt mục tiêu của chương trình giáo dục. Tuy vậy, Ryerson đề ra việc kiểm soát nội dung sách giáo khoa bằng việc chỉ những bộ sách được Bộ Giáo dục tỉnh ban phê duyệt mới được đưa vào giảng dạy. Các Sở Giáo dục sử dụng những loại sách giáo khoa không nằm trong danh mục phê duyệt sẽ không nhận được hỗ trợ tài chính của tỉnh bang. Điều này nhằm đảm bảo học sinh được giảng dạy những điều tốt đẹp và không bị định hướng thiên lệch về nguồn gốc, giới tính, văn hóa hay tôn giáo.

Vì không phụ thuộc một bộ sách giáo khoa chuẩn nào, các nhà quản lý giáo dục không phải bận tâm về việc biên soạn sách giáo khoa đáp ứng chương trình giáo dục khung, ngay cả khi chương trình ấy thay đổi. Không có cách nào khác, những người viết sách, nhà xuất bản muốn sách mình được sử dụng thì phải tổ chức biên soạn thật tốt để có cơ hội được đưa vào danh mục sách được phê duyệt. Việc biên soạn và phát hành sách đã được xã hội hóa, không phải là nhiệm vụ của cơ quan quản lý giáo dục.

Tại Canada, phụ huynh và học sinh không bắt buộc bỏ tiền mua sách giáo khoa. Thay vào đó, học sinh có thể mượn sách miễn phí từ thư viện của trường. Thư viện trường là một phần quan trọng, không thể thiếu trong hệ thống giáo dục công tại Canada. Nó không chỉ đơn thuần là không gian học hành, nghiên cứu thêm của học sinh mà còn là đầu mối cung cấp thông tin, bổ trợ kiến thức và hỗ trợ việc giảng dạy của giáo viên. Ngoài cho mượn sách giáo khoa, thư viện còn cho mượn nhạc cụ, thiết bị điện tử, đồng phục thể thao...

Từ những năm 1930-1940, Canada bắt đầu chuyển sang áp dụng hình thức giáo dục trải nghiệm, lấy học sinh làm trung tâm. Thay vì bám víu vào sách giáo khoa, tích lũy và ghi nhớ các sự kiện, học sinh tiếp thu kiến thức thông qua thực hành, trải nghiệm và phát triển tư duy. Việc áp dụng phổ biến hình thức giáo dục trải nghiệm ngày nay càng làm giảm sự phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Chương trình giáo dục khung được đổi mới gần đây tại các tỉnh bang xác định mọi học sinh đều khác nhau và có những cách học khác nhau. Do đó, khung chương trình chỉ nêu ra cần "dạy cái gì" chứ không xác định cách tổ chức, thời gian, không gian hay phương pháp dạy học. Nghĩa là thay vì chỉ bám vào nội dung đào tạo, chương trình giáo dục khung chỉ đề ra những khái niệm chính, mục tiêu cần đạt và cách thức đánh giá kết quả để giáo viên thực hiện.

Nhờ được trao quyền tự chủ, giáo viên có thể sử dụng một loạt công cụ và nguồn tài nguyên học tập do Bộ Giáo dục cung cấp để hỗ trợ giảng dạy. Giáo viên được khuyến khích sáng tạo trải nghiệm học tập khác nhau để đáp ứng nhu cầu và sở thích của học sinh. Từ đó, giáo viên có được niềm đam mê giảng dạy, và học sinh sẽ có được những trải nghiệm học tập phong phú.


                                                                     Tài liệu học tập của một học sinh lớp 2 ở Canada do giáo viên tự soạn và phát miễn phí cho học sinh. Ảnh: Anh Thi

Dĩ nhiên, giáo viên có thể sử dụng sách giáo khoa có sẵn nếu cảm thấy có lợi để cung cấp chương trình giảng dạy, nhưng không bắt buộc sử dụng. Không thể nói rằng sách giáo khoa không hữu ích, nhưng việc quá phụ thuộc vào sách không cho phép sự linh hoạt trong giáo dục và học tập. Việc xây dựng chương trình giáo dục khung của các tỉnh bang tại Canada còn có mục tiêu giúp học sinh phát triển năng lực cốt lõi là kỹ năng giao tiếp, tư duy sáng tạo và phản biện, tự nhận thức, tự quản lý, hiểu biết xã hội, xây dựng quan hệ và ra quyết định có trách nhiệm.

Với giáo dục trung học, bên cạnh môn bắt buộc, học sinh được quyền lựa chọn môn học theo sở thích, năng khiếu và phù hợp với định hướng học tập sau trung học hay phát triển nghề nghiệp. Nếu đạt đủ số tín chỉ theo yêu cầu, học sinh được xét tốt nghiệp mà không cần thi tốt nghiệp cuối cấp. Các trường đại học xét tuyển sinh viên đầu vào không chỉ dựa trên thành tích học tập mà còn xem xét kỹ năng và khả năng đóng góp cho xã hội của sinh viên trong tương lai.

Giáo dục phổ thông công lập miễn phí

Tại Canada, giáo dục công lập từ mẫu giáo đến hết trung học hoàn toàn miễn phí cho tất cả cư dân ở Canada nếu hoàn thành chương trình giáo dục trung học ở một độ tuổi nhất định (thường là 19) và đáp ứng yêu cầu về tình trạng cư trú, bao gồm cả con cái của những người tạm trú có giấy phép lao động hoặc của du học sinh. Ngân sách cấp cho giáo dục được thu qua thuế tài sản.

Hàng năm, các sở giáo dục địa phương được Bộ Giáo dục tỉnh bang cấp ngân sách hoạt động dựa trên số học sinh. Đây là khoản tiền cố định tính trên mỗi học sinh theo học hoặc trên số giờ tín chỉ mà học sinh đăng ký ở các trường trung học. Ngoài ra, học phí của sinh viên quốc tế cũng là nguồn thu cho các sở.

Một số tỉnh bang, chẳng hạn Alberta, British Columbia và Ontario, còn tài trợ ngân sách cho số lượng lớn trường tôn giáo, chủ yếu là trường Công giáo. Vài tỉnh bang còn tài trợ một phần kinh phí cho các trường tư thục nếu đáp ứng các tiêu chí nhất định, chẳng hạn tuân theo chương trình giáo dục khung và sử dụng giáo viên được cấp tỉnh chứng nhận.

Tuy vậy, đa số trường tư không nhận tài trợ từ bất kỳ nguồn nào của chính phủ. Họ có thể tự chọn học sinh và tính học phí. Các trường này không bắt buộc phải tuân theo chương trình giáo dục khung của tỉnh bang. Hiện chỉ có dưới 7% số học sinh phổ thông học trường tư ở Canada.


                                                                                                Một buổi học trải nghiệm về môi trường của học sinh tiểu học. Ảnh: Anh Thi

Chất lượng và lương giáo viên

Chất lượng giáo viên là thế mạnh của nền giáo dục Canada. Đảm bảo chất lượng giáo viên bắt đầu từ các chương trình đào tạo, vốn có tính chọn lọc cao và thu hút học sinh trung học hàng đầu của mỗi tỉnh bang. Hiện có khoảng 50 chương trình đào tạo giáo viên ở Canada trong các trường đại học. Chính quyền tỉnh bang kiểm soát chất lượng sinh viên đầu vào và giám sát chất lượng đào tạo để đảm bảo rằng giáo viên tương lai có thể đáp ứng yêu cầu mã xã hội đang cần.

Để trở thành giáo viên, sinh viên phải hoàn thành bằng cử nhân giáo dục hoặc một bằng cử nhân với chứng chỉ giáo dục bổ sung. Đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải có chứng chỉ giảng dạy (Teaching Certificate) được cấp bởi Bộ Giáo dục tỉnh bang. Ngoài ra, để thành giáo viên trung học và chuyên dạy một môn cụ thể, giáo viên đó còn phải thỏa mãn yêu cầu về trình độ chuyên môn với môn học đó.

Nghề giáo được xã hội trọng vọng tại Canada. Mức lương của giáo viên luôn cao hơn GDP bình quân đầu người của Canada và cao hơn lương giáo viên trung bình của 30 nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tùy thuộc vào từng tỉnh bang, mức lương khởi điểm trung bình của một giáo viên trung học Canada năm 2015 là 39.179 USD. Trong khi đó, lương khởi điểm trung bình của giáo viên trung học của OECD là 32.202 USD một năm.

Với 15 năm kinh nghiệm, mức lương trung bình của giáo viên trung học tại Canada là 65.621 USD một năm, so với mức trung bình của OECD là 44.623 USD. Mức lương giáo viên trung học với 15 năm kinh nghiệm dao động 56.000 USD đến khoảng 85.000 USD một năm, tùy thuộc vào tỉnh bang.

Theo vnexpress