leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Hà Nội chiếm 1/4 số lượng du học sinh cả nước

Đánh giá về nhu cầu du học hiện nay, chỉ tính riêng Hà Nội, số lượng du học sinh đã chiếm 1/4 tổng số du học sinh của cả nước. So với 10 năm trước, tỷ lệ học sinh Hà Nội đi du học tăng 2,5 lần. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều du học sinh là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức và Đài Loan (Trung Quốc)...

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, công tác quản lý Nhà nước đối với các trung tâm đang gặp không ít khó khăn do số lượng trung tâm lớn, có trung tâm dời địa điểm hoạt động 2 - 3 lần trong một chu kỳ cấp phép, có hiện tượng ký hợp đồng và thu phí sau quy định… 

Trong bối cảnh nhu cầu đi học tập ở nước ngoài ngày càng tăng, đây là một thách thức lớn trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi sai phạm để bảo đảm quyền lợi của người học.

Tính đến ngày 30/11/2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.078 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Trước nhu cầu du học ngày càng tăng, nhằm bảo đảm quyền lợi người học, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, cơ quan này đã tăng cường công tác quản lý và tạo thuận lợi cho người học thông qua việc công khai danh sách các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đã được cấp phép hoạt động trên Cổng thông tin điện tử của ngành tại địa chỉ http://hanoi.edu.vn. 

Đây là kênh thông tin nhằm huy động sự tham gia của người dân và các lực lượng xã hội trong việc giám sát tình hình hoạt động của các trung tâm.

leftcenterrightdel
Hà Nội họp bàn về việc quản lý chặt chẽ hơn hoạt động tư vấn du học trong năm 2024 

 

Tăng cường biện pháp quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ

Đại diện một công ty tư vấn du học Đức cho biết, tình trạng bát nháo trong đào tạo tiếng Đức để đưa du học sinh đi mà không có trình độ thực chất đang diễn ra khá phổ biến. Điều này sẽ gây khó khăn, thậm chí thiệt hại lớn cho người học bởi sau khi ra nước ngoài nhưng không có thực lực về ngôn ngữ thì khó có thể theo kịp các chương trình đào tạo, dẫn tới bị kéo dài thời gian học, thậm chí phải quay về nước. 

Bên cạnh đó, việc cố tình không công khai quy định việc dịch hồ sơ phục vụ sang Đức học tập, chỉ cần qua giấy tờ công chứng, không ít trung tâm tư vấn đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người học để yêu cầu nộp hồ sơ gốc nhằm "giữ chân", gây khó cho học sinh.

Ngoài ra, kết quả kiểm tra từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, có những trung tâm quảng cáo tuyển sinh du học khi chưa đăng ký hoặc quảng cáo không chính xác về điều kiện học tập, năng lực đào tạo của đơn vị đối tác ở nước ngoài. 

Nhiều tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học chưa công khai đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc công khai chưa đúng với thực tế; chưa đảm bảo nguyên tắc quy định, thậm chí có tổ chức tư vấn đến những trường chưa ký kết hợp tác, chưa có đủ thông tin về tính pháp lý và tình trạng kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục ở nước ngoài.

Trước tình trạng một số đơn vị tư vấn du học quảng cáo có hàng trăm đối tác nước ngoài nhưng thực tế lại không có hợp đồng ký kết hợp tác hoặc chỉ ký hợp đồng với vài tổ chức giáo dục nhưng các tổ chức này lại liên kết với vài trăm trường đại học trên thế giới, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, các trung tâm phải có minh chứng và có thỏa thuận, ký hợp đồng liên kết trực tiếp với các cơ sở giáo dục ở nước ngoài thì mới được triển khai hoạt động tư vấn cho học sinh đi học tập ở các trường này.

Theo đó, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP về quy định hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, chấp hành đúng quy định khi ký với đối tượng liên kết phải bảo đảm các yêu cầu: 

Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp ở nước ngoài; được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, những trường hợp khiếu nại của phụ huynh, người học, thời gian qua phần lớn do sự thiếu trách nhiệm của đơn vị tư vấn; nội dung giao kết hợp đồng với học sinh/cha mẹ học sinh chưa chặt chẽ, chưa rõ trách nhiệm và cam kết của các bên.

Một số đơn vị bất chấp các quy định của pháp luật làm giả năng lực tài chính nhân thân, không trả hồ sơ cho học sinh bị trượt tư cách lưu trú, phần khác do hạn chế về năng lực, kỹ năng truyền thông, xử lý tình huống của cán bộ tư vấn, cán bộ tuyển sinh; có hiện tượng ký hợp đồng và thực hiện thu phí sai quy định.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động này, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm 2024, Sở sẽ tăng cường biện pháp quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, phối hợp với các cơ quan liên ngành trong việc xác định rõ trách nhiệm các đơn vị; phát hiện, ngăn chặn, kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật. 

Đồng thời rà soát, thực hiện thủ tục đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động đối với những tổ chức không đủ điều kiện, không thực hiện đúng trách nhiệm của tổ chức theo quy định.

Thu Anh