Triển lãm ‘Câu chuyện của cô ấy - Xóa bỏ bạo lực giới năm 2020’ tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Bắc Kinh, đến hết ngày 1.12 - ẢNH: SCMP
Bên trong một căn phòng tối ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là bức ảnh lớn chụp khuôn mặt của người đàn ông trên phông nền trắng. Bên dưới bức ảnh chụp gương mặt người đàn ông rải đầy những bản kiến nghị yêu cầu những người đàn ông quấy rối tình dục và bạo hành tự nộp mình. Bức tường bên cạnh trưng các bức vẽ của nạn nhân về kẻ bạo hành trong các vụ việc xảy ra từ năm 2018. Bao trùm căn phòng là âm thanh của các cuộc độc thoại, ghi lại từ các nạn nhân bị quấy rối tình dục, phát ra từ chiếc loa được đặt trên sàn phát cùng một lúc.
Trên trần căn phòng chi chít những lá thư kêu gọi những kẻ quấy rối tình dục tự đầu thú. Ở một mảng tường, những tờ giấy màu được chấp nối thành chữ Resist (tạm dịch: chống cự). Một tác phẩm sắp đặt khác cũng gây chú ý là 30 chiếc loa nhỏ phát những câu chuyện từ nạn nhân bị quấy rối tình dục. Đính bên trên những chiếc loa là bản in các câu chuyện và chúng nối với nhau đoạn dây điện dài loằng ngoằng. Chỉ khi cúi xuống thật gần chiếc loa đạt trên sàn nào đấy, người xem mới có thể nghe được rõ ràng từng câu chuyện.
Một số tác phẩm tại triển lãm ‘Câu chuyện của cô ấy - Xóa bỏ bạo lực giới năm 2020’ - ẢNH: SCMP
Theo tờ South China Morning Post, triển lãm Câu chuyện của cô ấy - Xóa bỏ bạo lực giới 2020 do các nhà hoạt động nữ quyền tổ chức tại Bắc Kinh, nằm trong các hoạt động đánh dấu ngày 25.11 hàng năm được Liên Hiệp Quốc lấy là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 1.12. Ban tổ chức cho biết đây là cuộc triển lãm hiếm hoi về lạm dụng tình dục và bạo lực đối với phụ nữ ở Trung Quốc.
Quá trình đấu tranh đầy gian nan
Phong trào #MeToo (phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục) ở Trung Quốc bắt đầu vào đầu năm 2018, khi La Khê Khê, người từng lấy bằng thạc sĩ của Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh tiết lộ từng bị một trong những giảng viên của mình quấy rối tình dục khi còn học ở trường cách đây 12 năm. Nối tiếp, những phụ nữ khác lên tiếng phanh phui. Vụ việc gần đây nhất xảy ra với ngôi sao mạng xã hội Lamu, sống tại tỉnh Tứ Xuyên, bị chồng cũ thiêu sống khi đang livestream, dấy lên làn sóng phẫn nộ về bạo lực gia đình ở Trung Quốc.
Những người ủng hộ #MeToo cho rằng phong trào vẫn còn một chặng đường dài trước mắt. Nhiều nhóm hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối tìm kiếm lời khuyên pháp lý dần được hình thành. Năm 2019, các nhà hoạt động đã thu thập những câu chuyện từ các nạn nhân, tự hỏi liệu họ có thể thực hiện một cuộc triển lãm hay không. Ban tổ chức cho rằng khi nạn nhân đứng lên, họ phải đối mặt với rất nhiều áp lực của dư luận. Do đó, những cuộc triển lãm nghệ thuật như thế này là động lực cổ vũ họ lên tiếng.
Nghệ sĩ Sara Ayman Ragab (phải) và bộ váy áo trang trí bằng những lời lẽ xúc phạm và hạ thấp phụ nữ Ai Cập - ẢNH: EGYPTIAN STREETS, INSTAGRAM
Cũng nhằm nỗ lực xóa bỏ bạo lực, quấy rối phụ nữ, nghệ sĩ người Ai Cập Sara Ayman Ragab trưng bày bộ váy áo viết những lời lẽ xúc phạm và hạ thấp phụ nữ Ai Cập phải đối mặt hằng ngày tại phòng trưng bày nghệ thuật đương đại Mashrabia ở thủ đô Cairo. Sử dụng trang phục để ghi lại trải nghiệm đau buồn của một số phụ nữ Ai Cập, Sara Ayman thể hiện “bức chân dung đáng nguyền rủa về văn hóa quấy rối tình dục”.
Theo thanhnien