leftcenterrightdel
Đại học Chicago nổi tiếng với những đề bài "oái oăm". Ảnh: AP. 

Đang học năm cuối tại trường Trung học Kỹ thuật Brooklyn (New York, Mỹ), Rachel Quaye-Asamoah dự định học chuyên ngành kinh tế của một trong mấy trường đại học top đầu. Cô đã chuẩn bị một bài luận nói về quá trình tìm hiểu và hiểu biết của mình về tiền bạc cũng như chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, một số trường đại học lại không thích hỏi ứng viên những câu như thế.

Đại học Chicago là một ví dụ. Câu hỏi tuyển sinh của trường này năm nay là "Một chiếc răng khôn có thể dạy bạn điều gì?".

"Tôi chịu. Tôi phải làm gì với cái đề này?", Rachel nói trong khi vẫn đang cân nhắc vào trường.

Mùa tựu trường đang tới gần. Hầu hết trường đại học đã bắt đầu mở cổng nhận hồ sơ xét tuyển hôm 5/9. Và một bài luận hoàn hảo là một điều không thể thiếu để làm mùa tuyển đại học tại Mỹ trở nên khốc liệt.

Vốn đã rất quan trọng, các bài luận giờ đây còn có nhiều sức nặng hơn trong quy trình tuyển sinh ngày một cạnh tranh. Khoảng 72% trường đại học tuyên bố không yêu cầu sinh viên phải nộp kết quả SAT hoặc ACT, và điều này khiến số lượng hồ sơ xét tuyển tăng vọt. Khi điểm số đã không còn được đặt nặng, những bài luận sẽ là cơ hội để các ứng viên tỏa sáng.

Đa dạng đề thi

 Một vấn đề khó khăn mà gần như ai cũng gặp là xử lý các đề bài luận.

Một số trường sẽ hỏi những câu hỏi kiểu mẫu như "Tại sao bạn chọn học đại học?" hay "Bạn đã học hỏi và vượt qua khó khăn như thế nào?". Tuy nhiên, những trường khác lại không như thế. Họ đưa ra những đề bài oái oăm một cách có mục đích.

"Không ngừng phá bỏ ranh giới và sáng tạo là mục đích chúng tôi hướng đến", Peter Wilson, Giám đốc Bộ phận Tuyển sinh của Đại học Chicago, giải thích về đề bài "chiếc răng khôn" của trường.

Trong khi Đại học Chapman yêu cầu các ứng viên nêu tên một món ăn sẽ nấu cho bộ phận tuyển sinh của trường, Đại học Vermont lại yêu cầu ứng viên mô tả bản thân qua một hương vị kem Ben & Jerry (có thực hoặc tưởng tượng).

"Bài hát nào đại diện cho nhạc phim của cuộc đời bạn vào lúc này?" là câu hỏi của Đại học Princeton.

Để được vào được Đại học Pomona, các học sinh năm ngoái phải đưa ra câu trả lời trong vòng 50 chữ cho câu hỏi “Marvel hay DC? Pepsi hay Coke? Instagram hay TikTok? Bạn yêu thích và lựa chọn cái nào?".

Đại học Rice có một truyền thống lâu đời có tên "chiếc hộp", yêu cầu các ứng viên gửi một hình ảnh không có chú thích để thu hút họ thay cho một bài luận.

Yvonne Romero DaSilva, Phó giám đốc phụ trách tuyển sinh của Rice, cho biết hơn một số ứng viên đã gửi một bức ảnh về gạo (tiếng Anh là "rice" - PV).

"Nhiều người cho đó là thông minh, nhưng vì được lặp lại nhiều lần nên nó không còn đặc biệt", cô nói.

Không chỉ là "răng khôn"

 Nếu có cuộc thi ra đề luận văn độc đáo, Đại học Chicago chắc chắn sẽ là quán quân. Mỗi năm, ứng viên phải trả lời một trong số rất nhiều câu hỏi được ra bởi sinh viên, cựu sinh viên trường.

Các ứng viên có thể tham khảo các câu hỏi của những năm trước từ kho lưu trữ bài luận của trường. Tại đây, người ta có thể bắt gặp các câu hỏi có liên quan đến một câu thành ngữ chơi chữ, một nhân vật hoạt hình nổi tiếng như "Waldo (Nhân vật chính của series phim hoạt hình phiêu lưu nổi tiếng tại Mỹ Where's Waldo? - PV) ở đâu?" hay chỉ đơn giản là "Tìm x".

"Đây chắc chắn là một trò đùa!", Bethel Agyeman, một học sinh 16 tuổi, đọc câu hỏi bài luận của trường và nghĩ.

Cô đã bối rối nhưng cũng không kìm được cảm giác thích thú khi đọc được câu hỏi như "Thành Cát Tư Hãn với chiếc xe đua F1. George Washington với Siêu Soaker. Hoàng đế Nero với chiếc máy nướng bánh mì. Leonardo da Vinci với một chiếc Furby. Nếu bạn có thể cấp bất kỳ một sản phẩm công nghệ cho một nhân vật lịch sử, bạn sẽ cấp cái gì cho ai và tại sao?".

Tương tự Agyeman, Leah Beach, sinh viên Đại học Chicago đến từ Houston, cũng thích thú với những câu hỏi bất thường của trường khi cô nộp đơn xét tuyển vào năm ngoái.

leftcenterrightdel
 Leah Beach trúng tuyển vào Đại học Chicago với đề thi chơi chữ. Giờ đây, cô lại tiếp tục ra đề thi tương tự cho các ứng viên.

Một trong số đó là "Từ floccinaucinihilipilification là hành động hoặc thói quen mô tả hoặc liên quan đến một thứ gì đó không quan trọng hoặc không có giá trị. Nó có nguồn gốc vào giữa thế kỷ 18 từ các từ Latin 'floccus', 'naucum,' 'nihilum' và 'pilus'. Tất cả chúng đều có nghĩa là 'ít được sử dụng'. Chọn một ngôn ngữ bất kỳ và sáng tạo nó tương tự như trên".

Beach đã trúng tuyển vào trường nhờ câu trả lời solipsilocosm, có nghĩa là "vũ trụ chuyển động trong yên tĩnh. Từ này bắt nguồn từ "sol", có nghĩa là một mình hoặc thoải mái trong tiếng Latinh, "psil", có nghĩa là trần trụi trong tiếng Hy Lạp và chứa từ gốc Latinh "sil" có nghĩa là yên tĩnh hoặc vũ trụ.

Lấy cảm hứng từ một bộ phim tài liệu có bài hát Bob của Al Yankovic, có lời bài hát và tiêu đề đều là palindrome (những câu nói đọc xuôi hay ngược đều giống nhau - PV), Beach đã gửi câu hỏi của mình cho Đại học Chicago để phục vụ cho mùa tuyển sinh năm học 2022 - 2023 sắp tới.

Đề bài của cô là "Có phải tôi đã nhìn thấy một con mèo không? Yo-no-na-ka, ho-ka-ho-ka na-no-yo (tiếng Nhật có nghĩa là 'thế giới là một nơi ấm áp'). Moze jutro ta dama da seeku jezom (tiếng Ba Lan có nghĩa là 'có thể ngày mai quý cô sẽ tặng bánh cho những chú nhím'). Chia sẻ một palindrome bằng một ngôn ngữ bất kỳ và câu chuyện đằng sau nó".

Theo zingnews