leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Con trẻ thiết lập kết nối ban đầu với thế giới thông qua cha mẹ của mình. Những lời nói và việc làm của cha mẹ có thể tác động đến cuộc sống sau này của con. Đúng như nhà tâm lý học nổi tiếng Trung Quốc Vũ Chí Hồng đã nói: "Cha mẹ là định mệnh lớn nhất của con cái!". Bởi, một đứa trẻ trong tương lai có trở nên tài giỏi và hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh và phẩm cách của cha mẹ.

Bản lĩnh của cha

Nhà tâm lý học người Mỹ Spencer Johnson từng khẳng định: "Cha là người dẫn đường chỉ lối cho con bước ra thế giới bên ngoài". Tương lai của con trẻ phụ thuộc vào tầm nhìn và bản lĩnh của người cha. Người cha có bản lĩnh như thế nào, người con có cao độ cuộc đời như thế.

Một người bạn của tôi từng kể câu chuyện về gia đình bác hàng xóm và 3 người con như thế này: Gia đình bác Mỗ 3 người con gái nhưng do nhà anh trai của bác không có con nên đã nhận nuôi cô con gái út của bác Mỗ làm con. Bác Mỗ sau khi tốt nghiệp cấp 3 thì kinh doanh cửa hàng ngũ cốc, gia đình cũng gọi là có của ăn của để. Theo bác nghĩ, con cái có đi học hay không chẳng quan trọng, cùng lắm thì kinh doanh cửa tiệm như bác, mưu sinh không phải vấn đề lớn.

Anh trai bác Mỗ từng là sinh viên đại học, tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng rất coi trọng việc giáo dục con cái. Ngày thường, ông đều đọc sách buổi sáng cùng con, cũng sẽ hướng dẫn con đọc các thể loại sách. Ông chú ý đến việc bồi dưỡng nội tâm con trẻ hơn là thành tích. Mỗi khi được nghỉ, vợ chồng ông đều đưa con đi tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa khác nhau để làm phong phú trải nghiệm thế giới quan của con.

16 năm trôi qua, cuộc sống của 3 con gái bác Mỗ rẽ sang các hướng khác nhau hoàn toàn. Trong số 2 người con ở với bác Mỗ, một người bỏ học từ cấp 3, người còn lại đi học đại học, sau đó thì đều lấy chồng sinh con sớm, sống theo lối sống của cha mẹ. Trong khi đó, đứa con gái út được nhận nuôi không chỉ thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng mà còn trở thành một nhiếp ảnh gia có tiếng, sống cuộc đời mà 2 người chị ngưỡng mộ không thôi.

Cùng là những đứa trẻ nhưng sống cùng những người cha khác nhau lại có những cuộc đời khác nhau. Có thể thấy rằng tầm nhìn và kiến thức của người cha quyết định phần nhiều đến tầm cao mà đứa trẻ có thể chạm tới. Học giả Hoàng Tịnh Khiết từng nêu quan điểm về lối giáo dục trong gia đình: Dùng tầm nhìn rộng lớn giáo dục phụ huynh chứ không phải nuôi dạy con cái dưới tầm nhìn hạn hẹp.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Ảnh hưởng từ tính cách của mẹ

Tôi từng đọc được một bài viết trên mạng: Blogger này là một cô gái rất tự ti và thiếu cảm giác an toàn. Người gây ra nỗi đau trong cô, không ai khác chính là mẹ cô. Mẹ cô rất nóng tính, thường chỉ vì chút việc không vừa ý đã nổi nóng với cô. Khi rửa bát, cô bất cẩn làm vỡ một chiếc bát, mẹ cô sẽ vô cùng tức tối mà hét lên rồi la mắng cô thậm tệ.

Trước đây, mẹ cô là người hiếu thắng, vì mang thai cô mà để lỡ cơ hội thăng chức nên luôn dùng giọng điệu phẫn uất để chỉ trích con: "Nếu không phải vì sinh ra mày thì tao đã không ra nông nỗi này". Tính khí của mẹ dần trở thành cơn ác mộng kéo dài trong cô. Cô trở nên yếu đuối, tự ti, phủ định chính mình và luôn cảm thấy mặc cảm. Cô khao khát được gần gũi, cô đã gặp được người mình thích nhưng vì mặc cảm và sợ sệt mà chưa dám bắt đầu một mối quan hệ tình cảm, vẫn luôn độc thân đến hiện tại.

Chỉ qua các con chữ, tôi cũng có thể cảm nhận được nỗi đau trong cô. Dù thương cô nhưng tôi vẫn phải thừa nhận rằng: Chính tính khí của người mẹ đã gây nên sự tổn thương sâu sắc cho người con. Nhiều người thậm chí cả đời cùng không được chữa lành, cứ vậy mang theo gánh nặng mà bước tiếp.

Nhà văn Vũ Chí Hồng từng nói: "Ảnh hướng của người mẹ với con trẻ là rất lớn, đặc biệt là ảnh hưởng về cảm xúc, nó sẽ đi theo con đến suốt cuộc đời".

Người mẹ hay cáu kỉnh, gắt gỏng sẽ chỉ làm gia tăng sự bất an và sợ hãi của trẻ, khiến mối quan hệ không tốt đẹp này tiếp diễn mãi. Ngược lại, người mẹ có tính cách dịu dàng có thể khiến trẻ cảm thấy được yêu thương và sẽ dễ dàng trở thành một người ấm áp.

Sự ảnh hưởng của tính cách người mẹ đối với con trẻ được khắc sâu trong tính cách, in sâu trong tâm hồn con. Muốn giáo dục con, trước hết cha mẹ hãy học cách ổn định cảm xúc, dùng chấp nhận thay thế chỉ trích, dùng bao dung thay thế mắng mỏ, bình tĩnh biểu đạt suy nghĩ của chính mình. Chỉ như vậy mới có thể nuôi dạy được một đứa trẻ hạnh phúc.

Khánh Nguyên (tổng hợp)