Chị Kim, một bà nội trợ ở Seoul gần đây đã phát hiện ra mình mâu thuẫn với chồng về chi phí học thêm cho đứa con 13 tuổi của họ.
"Chi phí dạy kèm hiện là gánh nặng lớn nhất đối với ngân sách gia đình của chúng tôi. Tôi đang cố gắng hết sức để giảm số lớp mà con tôi theo học, nhưng thật khó để quyết định nên bỏ lớp nào. Mỗi môn học đều được coi là quan trọng để đạt điểm trung bình tốt tại trường học và tôi không muốn con mình bị bỏ lại phía sau", chị Kim cho biết.
Một bà mẹ khác có 2 đứa con, 1 trẻ 3 tuổi và con 7 tuổi bày tỏ sự lo lắng của mình với những khoản chi cho giáo dục. Mặc dù là một người mẹ tận tụy đã từ bỏ công việc của mình để toàn tâm toàn ý nuôi dạy con cái, nhưng chị không khỏi cảm thấy choáng ngợp khi biết những bà mẹ khác đầu tư hàng triệu won vào việc giáo dục tư nhân cho con cái. Ở Hàn Quốc, xu hướng này được gọi là "hagwon".
"Nếu tôi cố gắng theo kịp các bậc cha mẹ khác, tôi không nghĩ mình có thể đảm bảo an ninh tài chính cho tuổi già của mình" - chị Yoon nói. "Tôi đã không nhận ra rằng trẻ em sẽ cần được giáo dục tư nhân nhiều như vậy khi chúng lên lớp. Có thời điểm, tôi thậm chí còn hối hận vì đã ở nhà thay vì tiếp tục đi làm" - chị nói thêm.
Nỗi lo lắng của Kim và Yoon phản ánh thực tế các hộ gia đình Hàn Quốc đang chi một phần đáng kể thu nhập của họ cho việc dạy kèm cho con cái. Theo dữ liệu gần đây từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, chi phí học thêm thậm chí còn vượt quá chi tiêu cho thực phẩm hoặc nhà ở trong quý đầu tiên của năm nay.
Dữ liệu cho thấy những người trong khung thu nhập trung bình đã chi 1,14 triệu won (869 USD) hàng tháng cho việc dạy kèm cho con cái họ ở độ tuổi từ 13 đến 18. Con số này chiếm 17,5% thu nhập hàng tháng của họ.
|
|
Một học sinh đi ngang qua con phố có các học viện dạy kèm tư nhân, được gọi là "hagwon", ở Daechidong, phía nam Seoul |
Số tiền chi cho việc học thêm gần bằng tổng số tiền chi cho thực phẩm và nhà ở với khoảng 636.000 won và 539.000 won. Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn cũng không khác nhiều. Những người thuộc dưới mức trung bình thì chi 482.000 won cho việc học thêm, 481.000 won cho thức ăn và 356.000 won cho nhà ở. "Dù phải thắt lưng buộc bụng nhưng chúng tôi có thể làm gì khác? Tôi muốn chu cấp mọi thứ cho con mình", Kim nói.
Theo khu vực, chi tiêu trung bình hàng tháng cho giáo dục tư nhân của Seoul là cao nhất với 596.000 won. Tiếp theo là tỉnh Gyeonggi (446.000 won), Daegu (437.000 won) và Sejong (418.000 won).
Tỷ lệ học sinh được giáo dục tư nhân cũng cao nhất ở Seoul với 84,3%. Tỉnh Gyeonggi và Sejong theo sát với tỷ lệ lần lượt là 82,1% và 80,5%. Tại Seoul, 91,2% học sinh tiểu học cư trú tại thủ đô tham gia giáo dục tư nhân.
Trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, chính phủ Hàn Quốc hứa sẽ công bố các biện pháp đối phó toàn diện đối với ngành giáo dục tư nhân. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ loại bỏ các hành vi không công bằng trong lĩnh vực giáo dục tư nhân, đe dọa giáo dục công lập và đặt gánh nặng tài chính nghiêm trọng lên học sinh và phụ huynh của họ.
Theo phụ nữ TPHCM