Gần 50% trẻ tham gia khảo sát cho rằng cha mẹ khắt khe và áp lực học tập là hai tác nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các em.

Trong khi đó, gần 80% phụ huynh và hơn 90% giáo viên đánh giá nguyên nhân của phần lớn vấn đề tâm lý trong trẻ là do trẻ tiếp cận công nghệ hiện đại sớm và hành vi nghiện sử dụng Internet ở trẻ.

Đáng ngạc nhiên, gần 25% giáo viên lý giải vấn đề sức khỏe tâm thần bắt nguồn ở trẻ từ thế lực siêu nhiên, huyền bí như ma quỷ, trời phật, lời nguyền rủa…

Cha mẹ khắt khe và áp lực học tập tác động tới sức khỏe tâm thần của trẻ em - 1

Học sinh nêu ý kiến về việc muốn có được sự giúp đỡ của thầy cô giáo trong những vấn đề về tâm lý. (Ảnh: T.V).

Đây là ba trong những kết quả nghiên cứu rất đáng chú ý đã được giới thiệu tại Hội thảo "Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học: Từ chính sách đến thực tiễn" diễn ra ngày 24/11.

Những kết quả nghiên cứu cho thấy các bên cần hợp lực thúc đẩy nhận thức và hành động mạnh mẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và chính phủ trong bối cảnh hậu đại dịch.

Hội thảo đã mở ra cơ hội cho các bên liên quan nhìn thẳng vào vấn đề sức khỏe tâm thần cùng những khó khăn trong việc chia sẻ và giải quyết vấn đề này giữa học sinh, phụ huynh, và nhà trường. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều khuyến nghị ở tất cả các cấp - từ gia đình, nhà trường tới các nhà chức trách, đồng thời đề xuất kế hoạch hành động thí điểm nhằm giúp trẻ, đặc biệt là các em hệ tiểu học, tiếp cận với chăm sóc sức khỏe tâm thần, một chủ đề còn chưa được quan tâm thỏa đáng, an toàn và không phán xét.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, một trong ba đơn vị tài trợ và thực hiện nghiên cứu, chia sẻ: "Cùng với Nghị định 80 của Chính phủ về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý dành cho học sinh tại trường phổ thông và Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Mới đây nhất, Quyết định số 1442/QĐ-BGDĐT ngày 1/6/2022 ban hành Chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025 của ngành Giáo dục đã nhấn mạnh cần xây dựng và triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tâm thần trong trường học.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 70% trường học trong cả nước không có phòng tham vấn tâm lý học đường đạt chuẩn, khiến các em thiếu đi sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp".

Cha mẹ khắt khe và áp lực học tập tác động tới sức khỏe tâm thần của trẻ em - 2

Các em nhỏ muốn thầy cô và cha mẹ gần gũi, luôn tạo bầu không khí vui vẻ (Ảnh: T.V).

Hội thảo là một hoạt động trong chương trình hợp tác "Trường học An toàn và Chất lượng cho Trẻ" giữa Quỹ Trẻ em và Gia đình Đài Loan (TFCF), Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV).

Chương trình kéo dài từ năm 2019 - 2025, hỗ trợ học sinh tiểu học trên địa bàn quận Sóc Sơn, TP Hà Nội và quận Bình Tân, TPHCM về các chủ đề: Xây dựng trường học an toàn và hòa nhập, nâng cao sức khỏe tâm lý học đường, phòng chống các bệnh do nguồn nước, cải thiện chất lượng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục.

Qua đó, chương trình thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là trẻ ở khu vực nghèo và cận nghèo đô thị.

Cha mẹ khắt khe và áp lực học tập tác động tới sức khỏe tâm thần của trẻ em - 3

Một số con số nghiên cứu được các chuyên gia tại hội thảo này đưa ra (Ảnh: M.C).

Cha mẹ khắt khe và áp lực học tập tác động tới sức khỏe tâm thần của trẻ em - 4

73,2% học sinh mong muốn được học kỹ năng xử lý khó khăn trong học tập (Ảnh: M.C).

Cha mẹ khắt khe và áp lực học tập tác động tới sức khỏe tâm thần của trẻ em - 5

87,5% phụ huynh cho rằng con mình không có rối loạn tâm lý (Ảnh: M.C).

Cha mẹ khắt khe và áp lực học tập tác động tới sức khỏe tâm thần của trẻ em - 6

Đa phần phụ huynh cho rằng công nghệ hiện đại và Internet có ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần (Ảnh: M.C).

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các vấn đề về sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến hơn một phần tư dân số thế giới, với các rối loạn như trầm cảm ảnh hưởng đến 350 triệu người trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2021 ước tính có khoảng 15-30% người trẻ Việt Nam độ tuổi từ 9-19 bị rối loạn sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, cô đơn và rối loạn tăng động giảm chú ý.

 

Theo dantri.com.vn