Kỳ thi tốt nghiệp THPT được cho là bước ngoặt lớn đầu tiên trong cuộc đời khi con cái phải đối mặt với những định hướng trường học và nghề nghiệp trong tương lai. Vì thế dù đạt được kỳ vọng hay không, đây chính là khi con cái cần nhất cha mẹ bên cạnh để sẻ chia, động viên.
Ngược lại, thời điểm này cha mẹ cần có những suy nghĩ và hành động cụ thể để đồng hành cùng con.
Chấp nhận khả năng thực tế của con
Thực tế, có nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng và áp đặt lên con trẻ những kết quả và trường học họ mong muốn con sẽ theo học. Nếu chẳng may mọi dự định đi chệch hướng, nhiều người đã có những cảm xúc, lời lẽ tiêu cực đối với chính con cái họ.
Nhiều cha mẹ sau khi nhận điểm của con vội vàng dự báo trước tương lai thành công hay thất bại của con. Thậm chí, họ còn tiêu cực cho rằng điểm số này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí xã hội, điều kiện cuộc sống, cơ hội sau này của con cái họ. Họ phản ứng gay gắt khiến các sĩ tử xuất hiện những hành vi như khóc lóc, buồn phiền, không ăn, không uống, đi chơi đêm, uống bia rượu để giải sầu, uất ức, sa vào tệ nạn xã hội…
Trước tâm lý của nhiều bậc cha mẹ, chị Nguyễn Thị Hải (Hà Nội) hiểu rõ và không phản đối việc phụ huynh kỳ vọng vào con mình nhưng theo chị để động lực trở thành áp lực là điều không nên.
"Thay vì tiêu cực với con, phụ huynh hãy gửi gắm những mong muốn đó vào lời động viên, an ủi khi điểm số của con không cao. Sử dụng lời chúc mừng khi con đạt được kết quả tốt, động viên và đồng hành cùng con tự tin theo đuổi ước mơ, nguyện vọng của chính mình", chị Hải nêu quan điểm.
|
|
Thời điểm con thi tốt nghiệp THPT là khi con cái cần bố mẹ bên cạnh động viên, an ủi |
Chị Vũ Thu Hà (Vĩnh Phúc) cũng có chung suy nghĩ khi cho rằng, bố mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và tạo áp lực lên con cái. Đặc biệt, bố mẹ không nên có suy nghĩ rằng mình nuôi con vất vả, cho con học hành đàng hoàng thì con phải có trách nhiệm thực hiện ước mơ của mình. Nếu bố mẹ làm vậy, chẳng may mọi chuyện của con đi lệch hướng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con, thậm chí là làm hỏng cả tương lai của con.
Chính những lúc này, bố mẹ hãy là người ở bên cạnh động viên con, dùng sự từng trải của mình để giúp con cảm thấy nhẹ nhõm hơn, để con biết không phải mọi cơ hội đã kết thúc. Con có thể đi theo một hướng khác, có thể làm lại… vì cuộc sống còn tiếp diễn. Dù thế nào, bố mẹ vẫn sẽ luôn bên cạnh và đồng hành cùng con.
Ba mẹ và con đều cần thả lỏng
Tiến sĩ Lê Thị Lâm - Giảng viên khoa tâm lý, giáo dục Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết, có mấy từ khóa chủ chốt để đồng hành cùng con trẻ trong mọi lúc, đặc biệt khi các con vừa qua kỳ thi quan trọng và nhiều áp lực bao gồm: chia sẻ - không/ngừng so sánh - tận dụng thời gian bên nhau để tăng kết nối - giảm hoặc không kỳ vọng và tăng cường sự khuyến khích và niềm tin cho con.
Từ đó, Tiến sĩ Lâm cho rằng sau khi con kết thúc kỳ thi quan trọng, cả cha mẹ và con đều cần được thư giãn, thả lỏng. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để cùng con chia sẻ, thực hiện những hoạt động yêu thích của gia đình.
Tiếp tục duy trì sự sẻ chia, trò chuyện trực tiếp cùng nhau để tăng cường các kết nối có thể bị gián đoạn trong thời gian con tập trung cho kỳ thi.
Con trẻ rất cần sự động viên, khuyến khích của cha mẹ, đặc biệt bày tỏ với con niềm tin của gia đình dành cho con, dù kết quả như thế nào, có đúng hay không như mong đợi thì vẫn vui vẻ, tin tưởng, không đánh giá, phán xét hay đổ lỗi hoặc so sánh.
"Những cái ôm, lời yêu thương, sự lắng nghe và cả sự chúc mừng vì những nỗ lực của con trong thời gian qua... là những món quà mà ba mẹ nên dành cho con ngay sau khi con hoàn thành sự nghiệp thi cử. Điều này tưởng đơn giản nhưng ý nghĩa, để giúp con cảm thấy gia đình là điểm tựa vững chắc", Tiến sĩ Lê Thị Lâm nói.
|
|
Sự động viên kịp thời của cha mẹ sẽ là động lực con tiếp tục cố gắng |
Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS.TS. Vũ Dũng - Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, cha mẹ phải luôn là nguồn động viên tinh thần cho các con. Nếu các con làm bài không tốt, điểm thi không cao, thay vì la mắng, khiển trách, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con.
Theo GS.TS. Vũ Dũng, trước kỳ thi, sự nghiêm khắc đối với con em là điều cần thiết, nhưng sau đó, chính cha mẹ cũng cần nhẹ nhàng hơn, bởi sự quở trách không thể thay đổi được kết quả điểm thi mà đôi khi còn để lại những hậu quả đáng tiếc. Cha mẹ cũng cần cùng con tìm ra nguyên nhân của thất bại và giúp các em vơi đi nỗi thất vọng, tự trách móc bản thân.
"Gia đình hãy là nơi để các em trở về khi vấp ngã và lại từ đó mà mạnh mẽ để đứng lên", PGS.TS Vũ Dũng nhắn nhủ.
Theo giadinhonline.vn