Giống như nhiều quốc gia khác, học sinh Hà Lan cần đạt điểm trung bình để được lên lớp tiếp theo. Tuy nhiên, một nghiên cứu của giáo viên Trường THCS Jordan - Montessori Lyceum Utrecht (Hà Lan) phát hiện ra rằng một ứng dụng - tương tự sổ liên lạc điện tử như ở Việt Nam chia sẻ mọi điểm số, kết quả học tập với phụ huynh - gây căng thẳng cho học sinh.
Cụ thể, thầy Stijn Uittenbogaard, giáo viên kinh tế của trường, đã tiến hành cuộc khảo sát với 500 học sinh. Phân nửa học sinh là các em đang học tại Trường THCS Jordan - Montessori Lyceum Utrecht.
Kết quả khảo sát cho thấy học sinh đánh giá mức độ căng thẳng (stress) của mình là 2,7 trên 5 khi phụ huynh thường xuyên kiểm tra ứng dụng sổ liên lạc.
Đối với học sinh có phụ huynh không kiểm tra ứng dụng liên tục, mức độ căng thẳng là 2 trên 5.
Thầy Uittenbogaard cho biết: "Học sinh chịu áp lực phải đạt được thành tích nhất định. Trước đây, khi tôi còn đi học, nhà trường gửi phiếu báo điểm 4 lần mỗi năm học. Tôi có quyền lựa chọn thời điểm đưa cho cha mẹ xem bảng điểm. Giờ đây, phụ huynh có thể nhận được thông báo ngay trên điện thoại: 'Con của bạn vừa có kết quả học tập mới'. Học sinh về nhà với cha mẹ đang ngồi sẵn sàng để nói chuyện nếu bị điểm thấp. Thật kinh khủng!".
Sau khi thầy Uittenbogaard trình bày kết quả nghiên cứu với hiệu trưởng, ban giám hiệu đề xuất tạm dừng chia sẻ kết quả học tập của học sinh trong một tháng.
Đa số học sinh phản hồi tích cực, 95% phụ huynh đồng ý. Sau đó, hội phụ huynh của trường đã nhất trí chặn cha mẹ xem điểm trên app sổ liên lạc trong 10 tuần của năm học này (bắt đầu từ tháng 9) để học sinh bớt áp lực.
Ông Geert Looyschelder, Hiệu trưởng Trường THCS Jordan - Montessori Lyceum Utrecht, lưu ý, nỗi lo về điểm số trong hệ thống trường công lập làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển các kỹ năng sống của học sinh.
Theo ông Looyschelder, đối với phương pháp giáo dục Montessori, học sinh được giáo dục có "quyền đưa ra lựa chọn và phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình trong quá trình học tập".
"Trong hệ thống giáo dục Hà Lan, chúng ta luôn nói rằng: Học sinh có quyền mắc lỗi. Đó là cách bạn học… Việc phụ huynh giám sát điểm số của học sinh chỉ gây ra căng thẳng", ông nói.
Bà Lobke Vlaming, Giám đốc Ouders en Onderwijs (một hiệp hội phụ huynh quốc gia), cho biết chương trình thí điểm này nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực.
Đây là một trong số nhiều nỗ lực của các trường nhằm giảm bớt áp lực và “nỗi ám ảnh” về điểm số trong bối cảnh Hà Lan ghi nhận kết quả học tập môn toán và ngôn ngữ của học sinh toàn quốc đang giảm sút. Bên cạnh đó, Hà Lan đối mặt tình trạng thiếu giáo viên và số lượng học sinh bỏ học ngày càng tăng, theo The Guardian.
Theo Thanh niên